Thứ tư, 02/12/2009 09:24 GMT+7

Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ

Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển KT-XH của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nó là nguồn lực to lớn, cầu nối, kênh dẫn không thể thiếu được đối với hoạt động...

Những năm gần đây, KH&CN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, một phần quan trọng là nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác trên thế giới. Đến nay, nước ta đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với trên 70 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không những quy mô hợp tác được mở rộng mà hình thức và nội dung hợp tác cũng đã trở nên đa dạng hơn, thiết thực hơn với nhu cầu phát triển KH&CN và KT-XH của đất nước. Sau đây, chúng tôi xin nêu tổng quát các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN từ năm 2002 đến nay:

Năm 2002, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN đã được đẩy mạnh cả về qui mô, hình thức và nội dung. Việt Nam đã ký kết một số hiệp định, văn bản thỏa thuận hợp tác mới về KH&CN, mở rộng địa bàn hợp tác sang châu Phi, châu Mỹ latinh, gồm:

- Hiệp định hợp tác KH&CN Việt Nam-Angola và Hiệp định hợp tác KH&CN Việt Nam-Vương quốc Bỉ;

- Hiệp định liên Chính phủ về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình với Liên bang Nga, Trung Quốc và Achentina;

- Chương trình hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc;

- Thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình với Uỷ ban Năng lượng nguyên tử Pháp.

Năm 2002, Bộ KH&CN tổ chức thực hiện hơn 200 dự án hợp tác quốc tế với sự tham gia của 20 bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, Bộ KH&CN đã dành 15 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí đối ứng cho các tổ chức KH&CN Việt Nam triển khai gần 80 dự án hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài. Một số dự án hợp tác đã kết thúc và đạt kết quả tốt như: qui trình công nghệ bảo quản một số loại quả (Hàn Quốc), công nghệ lai tạo một số giống gia cầm (Hungari), mô hình trình diễn điện khí hóa nông thôn, miền núi bằng công nghệ pin mặt trời tại 2 xã của tỉnh Bắc Giang và 2 xã của khu vực Tây Nguyên, công nghệ amilaza công nghiệp dùng trong chế biến thực phẩm và nông sản của CHLB Đức, công nghệ tạo chủng nấm men sử dụng trong công nghiệp hóa học và trong ngành y tế, v.v..

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã hỗ trợ một số tỉnh triển khai thành công các dự án hợp tác với các nước, như Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển giao cho Lào một số công nghệ và giúp Lào xây dựng hệ thống kiểm định đo lường, tỉnh Cao Bằng đã hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong việc tiếp thu công nghệ trồng lúa đại mạch, xây dựng vùng nguyên liệu cho sản xuất bia.

Trong hợp tác với các tổ chức quốc tế, năm 2002, chúng ta đã tích cực và chủ động tham gia hoạt động với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực KH&CN như ASEAN, UNESCO, ASEM, APEC, APCTT. Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc họp của Hội đồng Quản trị APCTT với sự tham gia của đại diện 15 nước và tổ chức quốc tế trong khu vực. Đồng thời, chúng ta đã xúc tiến các công việc chuẩn bị để Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch Uỷ ban KH&CN ASEAN trong 3 năm tới.

Trong năm 2002, chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về KH&CN như:

- Hội nghị đối thoại chính sách về chương trình viện trợ xanh giai đoạn 2002-2003 với Nhật Bản với hơn 10 dự án được đề xuất, trong đó đã có 3 dự án được sơ bộ chấp nhận;

- Hai hội nghị về tổng kết chương trình hợp tác nghiên cứu Việt Nam-Thụy Điển 2000-2002 và xây dựng chương trình mới 2003-2005. Chương trình mới đã được phía Thụy Điển sơ bộ cam kết khoản kinh phí gần 75 triệu cu-ron Thụy Điển;

- Tổ chức Tuần lễ Công nghệ sinh học của Đức tại Việt Nam, bao gồm 2 cuộc hội thảo và triển lãm giới thiệu kết quả các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực công nghệ sinh học;

- Phối hợp tổ chức hội thảo Việt Nam-Hoa Kỳ về ảnh hưởng chất độc màu da cam;

- Tổ chức một số hội thảo KH&CN khác với Đức, Pháp, Thụy Điển, UNESCO, Canađa, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Năm 2003, điều kiện khách quan có một số tác động không thuận lợi tới các hoạt động hợp tác quốc tế. Dịch SARS xuất hiện đã làm thay đổi nhiều kế hoạch hợp tác như một số khoá họp các Tiểu ban hợp tác KH&CN với các nước, hội nghị quốc tế và trao đổi các đoàn công tác đã bị hoãn trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, 6 tháng cuối năm các hoạt động hợp tác quốc tế diễn ra sôi nổi và đã đạt đuợc một số kết quả đáng kể.

Trên cơ sở các nghị định thư đã ký kết với các nước, Bộ KH&CN đã phê duyệt 24 nhiệm vụ hợp tác KH&CN thực hiện từ năm 2003 với kinh phí hỗ trợ hơn 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Trong số đó, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được cấp 6,350 tỷ để thực hiện 8 nhiệm vụ với các nước thuộc Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước ASEAN…Các nhiệm vụ, chương trình hợp tác này bao gồm các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu chung, các dự án nhập kết quả nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ, các hội thảo khoa học, triển lãm công nghệ, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học, v.v... Trong số các nhiệm vụ đã được phê duyệt, một số dự án có ý nghĩa khoa học và giá trị ứng dụng trong thực tế có hiệu quả như công nghệ sản xuất vật liệu composit carbon, đúc chính xác bằng mẫu tự thiêu; công nghệ sản xuất anolt trung tính phục vụ cho các cơ sở nuôi tôm, đánh giá tổn thất môi trường do hoạt động nuôi tôm ở một số vùng ven biển; ứng dụng các công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý đã lập được các bản đồ chuyên đề phục vụ quy hoạch môi trường cho phát triển bền vững ở vùng ven biển Việt Nam; nghiên cứu xác định được loại vi khuẩn gây bệnh cho tôm ở vùng ven biển; nghiên cứu tạo giống cá chép mang gen hoocmon sinh trưởng tái tổ hợp có tốc độ phát triển nhanh; tăng cường chống chịu và cải tiến được chất lượng giống lúa bằng công nghệ sinh học thực vật; xử lý nước lợ phục vụ sinh hoạt cho dân cư ven biển; mô hình sử dụng năng lượng mặt trời cho vùng sâu, vùng xa, sản xuất các chế phẩm vi sinh, v.v...

Hợp tác đa phương

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực TC-ĐL-CL và SHTT. Các hoạt động KH&CN đang được tăng cường để hỗ trợ cho việc Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2005.

Lần thứ ba, Việt Nam được bầu vào Hội đồng của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Việt Nam đã tham gia vào các khóa họp của Nhóm công tác KH&CN công nghiệp APEC tại Niu Dilân để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng KH&CN APEC lần thứ 5; đã tham dự Khóa họp 32 Đại hội đồng UNESCO, Hội nghị Bộ trưởng KH&CN về chủ đề “Tiến tới xã hội tri thức”, góp phần chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về CNTT vào tháng 12 ở Giơnevơ. UNESCO đã tài trợ cho hai dự án thuộc Tiểu ban khoa học kỹ thuật, trong đó có một dự án về xây dựng khung nền kinh tế tri thức Việt Nam .

Hợp tác quốc tế cũng được mở rộng sang các lĩnh vực khác như tham gia các phiên họp của Diễn đàn Hợp tác Đông Bắc Á - Mỹ La tinh (FEALAC). Việt Nam đã tham gia và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nhóm công tác về hợp tác vùng tam giác Campuchia-Lào-Việt Nam.

Hợp tác song phương

Trong năm 2003, Bộ KH&CN đã ký kết các thoả thuận về hợp tác KH&CN với Ấn Độ, Trung Quốc, Rumani giai đoạn đến năm 2005.

Sau một năm hợp tác với Hoa Kỳ, các hoạt động đang được triển khai. Trong các lĩnh vực CNTT, hai bên đã thoả thuận 10 nội dung hợp tác, trong đó 5 nội dung đang được triển khai như đào tạo về Chính phủ điện tử; phần mềm nguồn mở; phát triển vườn ươm công nghệ; hỗ trợ hoạt động của nhóm IT Connect. Trong lĩnh vực khoa học biển và hải sản, dự án quản lý vùng bờ Vịnh Hạ Long đang được triển khai tốt. Một số dự án khác trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ sinh học đang được triển khai như dự án về thuốc trừ sâu (400.000 USD), dự án của Viện chăn nuôi (200.000 USD).

Với Trung Quốc, khoá họp lần thứ 5 của Uỷ ban Hợp tác KH&CN Việt Nam-Trung Quốc đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Khoá họp đã thông qua 12 đề tài hợp tác dài hạn, đặc biệt đang tiến hành thực hiện chương trình tình nguyện của các nhà khoa học Trung Quốc tại Việt Nam.

Với CHLB Đức, hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động hợp tác KH&CN Việt Nam-CHLB Đức đã được tổ chức thành công. Trong số các chương trình hợp tác với Đức, Chương trình nghiên cứu biển được tập trung thực hiện với khoản kinh phí là 1,5 triệu euro cho giai đọan 2003-2005. Chương trình này nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu biển của Việt Nam. Ngoài ra, chương trình công nghệ sinh học do phía Đức tài trợ hơn 1,5 triệu USD cũng đang được triển khai.

Với Thụy Điển, chương trình hợp tác nghiên cứu Việt Nam-Thụy Điển giai đoạn 2000-2003 đã được tổng kết với số tiền tài trợ của Chính phủ Thụy Điển khoảng 6,5 triệu USD và chương trình hợp tác giai đoạn 2004-2007 với kinh phí dự kiến khoảng 8 triệu USD đang được xây dựng.

Với Cộng hoà Pháp, đã ký kết dự án về đa dạng sinh học động vật hoang dã và động vật nuôi do Pháp tài trợ 1,8 triệu USD (Bộ KH&CN là cơ quan điều phối dự án). Các hợp tác với Pháp trong lĩnh vực công nghệ nanô cũng đang được tiến hành.

Với Ấn Độ, các hoạt động hợp tác tập trung vào công nghệ viễn thám, CNTT và CNSH.

Với Bỉ, năm 2003 là năm triển khai Hiệp định hợp tác KH&CN với Bỉ. Việt Nam đã tổ chức khóa họp lần thứ nhất Uỷ ban hỗn hợp hợp tác KH&CN Việt-Bỉ. Khóa họp đã chọn 4 dự án để triển khai trong các lĩnh vực: nuôi trồng thủy sản, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong phòng chống lũ lụt, đánh giá tác động môi trường.

Với Bungari, tuy phần đóng góp kinh phí của Bungari không nhiều nhưng chúng ta đã tranh thủ được các công nghệ tiên tiến của Bungari, đặc biệt là hai dự án nghiên cứu về tăng khả năng hoạt lực và thụ thai của tinh động vật nuôi và ứng dụng viễn thám trong điều tra đo độ ẩm đất.

Các hoạt động hợp tác quốc tế khác về KH&CN

Lần đầu tiên, Bộ KH&CN đã tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban KH&CN ASEAN từ năm 2003 đến năm 2005. Việt Nam đã chủ trì Hội nghị lần thứ 45 của Ủy ban KH&CN ASEAN vào tháng 4 năm 2003 tại Philippin, Hội nghị lần thứ 46 của Uỷ ban vào tháng 9 năm 2003 tại TP Hồ Chí Minh với 11 cuộc họp tiểu ban và hơn 200 đại biểu trong nước và ngoài nước tham dự. Hội nghị đã xem xét 61 dự án và thông qua nhiều chủ trương hợp tác lâu dài và hiệu quả trong lĩnh vực KH&CN giữa các nước ASEAN. Đặc biệt đã xác định các trọng điểm mới cho việc xây dựng kế hoạch hành động 2005-2009 về KH&CN của ASEAN. Việt Nam cũng đã chủ trì Hội nghị lần thứ 3 Uỷ ban hỗn hợp KH&CN ASEAN-Trung Quốc vào tháng 9 năm 2003 tại TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Lương thực ASEAN lần thứ 8 tại Hà Nội với gần 500 đại biểu từ 22 nước trên thế giới, 260 báo cáo khoa học và triển lãm KH&CN của 8 nước ASEAN.

Việt Nam cũng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN chính thức lần thứ 10 vào tháng 10 năm 2003 tại Lào, tham gia xây dựng Kế hoạch Hành động mới của ASEAN cho giai đoạn 2004-2010 (Chương trình Hội nhập Viêng Chăn-VIA).

Hội nghị Hóa học châu Á lần thứ 10 (ACC) và Hội nghị Hóa học Á - Âu đã diễn ra đồng thời tại Hà Nội từ 21-24 tháng 10 năm 2003. Đây là lần đầu tiên một nước đang phát triển như Việt Nam đăng cai tổ chức đồng thời hai hội nghị quốc tế lớn. Gần 800 đại biểu và khách mời đến từ 32 nước của các châu lục trên thế giới đã có mặt với trên 300 báo cáo khoa học được trình bày trong 33 tiểu ban và hội nghị toàn thể trong đó có 3 thuyết trình của ba nhà khoa học được giải Nobel và 4 báo cáo được giải của Liên hiệp các Hội Hóa học châu Á. Cùng thời gian này Việt Nam cũng chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Liên đoàn các Hội Hóa học châu Á.

Hiện nay, Việt Nam có tham tán, bí thư phụ trách KH&CN tại bốn Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Pháp, Trung Quốc, Liên bang Nga và Ấn Độ. Hoạt động của các bộ phận KH&CN ở nước ngoài đã được tăng cường, thông qua phương tiện Internet đã đóng góp tích cực vào các hoạt động KH&CN ở trong nước, làm cầu nối giữa Việt Nam với các nước. Các đầu mối này đã thường xuyên nhận được thông tin, yêu cầu cụ thể về KH&CN trong nước để hỗ trợ các ngành khoa học và công nghệ tìm kiếm các đối tác nước ngoài.

Thông qua hợp tác quốc tế, một số dự án chuyển giao công nghệ đã được thực hiện như Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất bi nghiền cao alumina công suất 400 tấn/năm giữa Italia và Viện Công nghệ Xạ hiếm; công nghệ chế tạo máy bơm chìm công suất lớn phục vụ nông nghiệp giữa Hungari và Trung tâm Đầu tư, Thiết kế Công nghệ Cơ điện Nông nghiệp; Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hợp tác với CHLB Nga thiết kế và chế tạo được thiết bị sản xuất dung dịch hoạt hóa, điện hóa được sử dụng trong bảo quản nông sản, khử trùng trong bệnh viện, trạm nuôi tôm giống và chế tạo một hệ thống thiết bị xử lý nước lợ thành nước ngọt được lắp đặt ở Trung tâm Y tế Đông Sơn, Thanh Hóa.

Năm 2004, hoạt động hợp tác quốc tế đã được triển khai tích cực trong các thể chế đa phương và qua các khuôn khổ song phương. Hoạt động hợp tác về KH&CN năm 2004 đã đi vào chiều sâu với chủ trương: bám sát các hướng ưu tiên phát triển KH&CN; tranh thủ nguồn lực tiên tiến của các đối tác nước ngoài về tri thức, công nghệ, trang thiết bị, tài liệu và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam; tăng cường học hỏi kinh nghiệm và thông tin của các nước đi trước để kịp thời phục vụ cho việc tư vấn chính sách phát triển KH&CN. Năm 2004 cũng là năm mà các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực KH&CN được đẩy mạnh để hoà chung với nỗ lực của đất nước trong giai đoạn hội nhập với thế giới, mà trong đó, KH&CN luôn gắn với vai trò “là động lực phát triển KT-XH”.

Hợp tác trong các thể chế đa phương

Với ASEAN: năm 2004, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Uỷ ban KH&CN các nước ASEAN và Chủ tịch Tiểu ban phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn lực ASEAN (SCIRD). Nhờ những kinh nghiệm đã được tích lũy sau 9 năm gia nhập ASEAN, Bộ KH&CN đã chủ trì thành công Hội nghị Uỷ ban KH&CN ASEAN (COST) lần thứ 47 tại Singapo, lần thứ 48 tại Thái Lan và nhiều hoạt động của các Tiểu ban của COST. Khoá họp COST lần thứ 48 đã nhất trí nâng cấp mối quan hệ của các nước ASEAN trong lĩnh vực KH&CN lên thành Hội nghị cấp SOM của COST+3, bao gồm các thứ trưởng, tổng thư ký hoặc tương đương của cơ quan quản lý quốc gia về KH&CN; lãnh đạo các viện, cơ quan KH&CN chủ chốt từ các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động hiện tại về KH&CN của các nước ASEAN, đồng thời tham gia xây dựng bản Kế hoạch hành động mới cho ASEAN giai đoạn 2004-2010, bao gồm cả Kế hoạch hội nhập chung cho các ngành và Kế hoạch KH&CN ASEAN.

Với APEC: Việt Nam đã tham gia Hội nghị nhóm công tác KH&CN APEC lần thứ 26, lần thứ 27 và Hội nghị Bộ trưởng KH&CN APEC lần thứ 4 tại Niu Dilân. Hội nghị đã thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách và phương hướng phát triển KH&CN của các nước và nền kinh tế thuộc diễn đàn APEC.

Với WTO: với vai trò là một thành viên tích cực trong Uỷ ban quốc tế về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ KH&CN đã tham gia trả lời những câu hỏi trong việc gia nhập WTO, chuẩn bị và tham gia đoàn đàm phán Chính phủ về gia nhập WTO (Phiên thứ 8); trả lời các câu hỏi của các thành viên WTO liên quan đến hệ thống SHTT và Chương trình hành động về SHTT của Việt Nam; xây dựng Đề án triển khai thực hiện Hiệp định WTO/TBT; rà soát hệ thống tài liệu pháp quy kỹ thuật cho phù hợp với Hiệp định TBT; đề xuất việc thành lập tổ chức liên ngành để giải quyết các vấn đề TBT khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức WTO; Đề án thành lập mạng lưới thông báo - hỏi đáp về TBT.

Với UNESCO: Việt Nam đã xây dựng đề án đề nghị UNESCO hỗ trợ kinh phí triển khai chiến lược KH&CN đến năm 2010 và một số dự án khác.

Với IAEA và hợp tác trong khuôn khổ RCA: Việt Nam tham gia thực hiện 14 dự án hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực: phân tích hạt nhân, thủy văn đồng vị, y học hạt nhân, ứng dụng nông nghiệp, công nghiệp và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Tổng giá trị thực hiện các dự án này là 556.883 USD. Đồng thời tham gia 44 dự án vùng và liên vùng, chủ yếu là cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, các hội thảo chuyên đề và nhận chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia chương trình hoạt động EBP (Extra Budget Programme) và tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế với sự hỗ trợ của IAEA.

Với APCTT: Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ châu á - Thái Bình Dương (APCTT) như tham gia tích cực vào bốn chương trình: Mạng lưới CNSH Châu á - Thái Bình Dương (BINASIA), Mạng lưới Y học cổ truyền và cây thuốc (APTMNET), Cổng Chuyển giao công nghệ cho các xí nghiệp vừa và nhỏ, Hệ thống đổi mới Quốc gia (NIS).

Việt Nam đã có nhiều cuộc đàm phán với các Ngân hàng ADB, WB để đề nghị tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Một trong những trọng tâm của hoạt động hội nhập năm 2004 là Bộ KH&CN đang hoàn chỉnh dự thảo Đề án “Hội nhập quốc tế về KH&CN” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Đây dự kiến là văn bản tổng thể đánh giá thực trạng, luận chứng sự cần thiết và đề xuất các biện pháp đẩy mạnh hội nhập về KH&CN trong thời gian tới.

Hợp tác song phương

Năm 2004, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ KH&CN ký Hiệp định Hợp tác KH&CN với Pakistan và Mông cổ, mở ra những triển vọng hợp tác mới với 02 đối tác có tiềm năng này.

Với Thuỵ Điển: trong Chương trình hợp tác nghiên cứu chung Việt Nam - Thuỵ Điển giai đoạn 2004-2007, Chính phủ Thuỵ Điển đã dành 12 triệu USD cho 15 chương trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: y tế, nông-lâm-ngư nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng. Đây là một Chương trình hợp tác có hàm lượng khoa học cao và được xem là thành công về mặt tổ chức với mô hình Ban chỉ đạo, Văn phòng Chương trình và việc thí điểm mô hình Quỹ Nghiên cứu chung hai nước.

Với Hoa Kỳ: từ khi ký kết Hiệp định về hợp tác KH&CN giữa hai nước (tháng 11/2000), các nội dung hợp tác ngày càng được mở rộng và có tính ứng dụng cao. Phin họp lần thứ 4 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam- Hoa Kỳ (tháng 11/2004 tại Washington D.C) đã một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này. Hai bên cũng đã bàn bạc và thống nhất việc tổ chức những ngày KH&CN Việt Nam-Hoa Kỳ tại Việt Nam, giao cho các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế của Uỷ ban hỗn hợp nhằm tạo đà cho mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng KH&CN hai nước trong thời gian tới. Bộ KH&CN cũng chủ trương đa dạng hoá các “kênh” hợp tác với Hoa Kỳ, như: tăng cường hợp tác với Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và xuất bản các ấn phẩm KH&CN; với một số quỹ từ thiện khác của Hoa Kỳ trong việc áp dụng các chuẩn trong công tác thông tin thư viện.

Với ấn Độ: tập trung vào việc triển khai dự án 2,5 triệu USD về phát triển phần mềm; tuyển cử thực tập sinh và một số dự án khác về nông nghiệp và CNSH. Một số dự án đã đạt kết quả nhất định như chế biến thịt quả điều, phát triển cây xoan chịu hạn, kéo dài thời hạn bảo quản vải tươi, v.v...

Với CHLB Đức: CHLB Đức tiếp tục cam kết xem Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức ở châu á (hiện khối lượng hợp tác với Việt Nam về KH&CN chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc ở châu á). Năm 2004, hai bên tiếp tục thực hiện Chương trình CNSH bằng việc đào tạo 15 tiến sỹ cho Việt Nam với tổng số tiền học bổng là 1,5 triệu Euro. Việt Nam đã chủ động đề xuất mở rộng hợp tác theo hướng tiếp tục đào tạo sau tiến sỹ cho 15 NCS đó bằng cách gửi họ vào làm việc trong các doanh nghiệp CNSH của Đức thêm 6-12 tháng. Đề xuất đã được phía Đức hoan nghênh và hứa sẽ xem xét. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đang thực hiện Chương trình hợp tác nghiên cứu Biển với Quỹ Nghiên cứu quốc gia Đức (DFG) với tổng kinh phí hỗ trợ của phía Đức xấp xỉ 2 triệu USD. Ngoài hợp tác với các bộ Liên bang, chúng ta còn phát triển hợp tác với các bang. Hiện Bộ KHCN đã có quan hệ với 5 bang của CHLB Đức. Bên cạnh đó, hợp tác về KH&CN giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp cũng được Chính phủ hai nước khuyến khích phát triển.

Với Ba Lan: Đã tổ chức Khoá họp lần thứ 2 của Tiểu ban hợp tác KH&CN và thoả thuận 04 dự án hợp tác về một số hướng ưu tiên như công nghiệp đóng tầu, công nghệ thông tin, điện tử.

Với Cu Ba: thực hiện việc trao đổi các đoàn cán bộ KH&CN của hai bên (6 đoàn/13 người của Việt Nam sang Cu Ba và 3 đoàn/6 người của Cu Ba vào VN); Đã phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh đón đoàn Tổng Giám đốc Trung tâm Kỹ nghệ di truyền và CNSH Cu Ba. Hai bên đã thoả thuận kế hoạch hợp tác trong việc xây dựng Trung tâm CNSH tại TP. Hồ Chí Minh và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đóng tầu thủy với Tổng Công ty Công nghiệp tầu thủy.

Với Hàn Quốc: khoá họp lần thứ 3 của Uỷ ban Hợp tác KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc đã diễn ra tại Seoul vào tháng 7 năm 2004 nhằm thông báo Chính sách KH&CN của mỗi nước và kiểm điểm tình hình thực hiện các nội dung của khóa họp trước. Khoá họp đã thông qua 23 dự án hợp tác đồng thực hiện. Hàn Quốc cũng hợp tác với Việt Nam và hỗ trợ tích cực trong việc trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển KH&CN nói chung và điện hạt nhân nói riêng, cũng như việc đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ thuộc lĩnh vực đánh giá các kết quả nghiên cứu KH&CN.

Với Hungary: tổ chức Khoá họp lần thứ 18 của Tiểu ban hợp tác KH&CN; đàm phán với Hungari về việc tiếp tục duy trì hoạt động của Tiểu ban hợp tác KH&CN trong khuôn khổ Uỷ ban hỗn hợp sẽ được thành lập. Hai bên thoả thuận sẽ nghiên cứu việc ký Hiệp định hợp tác KH&CN, đồng thời xem xét khả năng Hungary giúp Việt Nam các dự án về KH&CN bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hungary. Đã thoả thuận 04 dự án hợp tác mới tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, quản lý KH&CN, ứng dụng công nghệ nano trong xử lý ảnh.

Với Malaysia: khoá họp lần thứ 3 của Tiểu ban hợp tác KH&CN được tổ chức tại Hà Nội đã thông qua 04 dự án hợp tác nghiên cứu chung, tập trung vào các lĩnh vực vật liệu, công nghệ chế biến, viễn thám, khoa học biển và thủy sản, CNTT và viễn thông. Phía Malaysia dự kiến cấp cho các dự án trên 200.000 USD để triển khai.

Với Nhật Bản: Nhật Bản đã tài trợ Dự án “Hiện đại hoá quản trị SHTT” và hợp tác với Việt Nam trong việc nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện nguyên tử và các nghiên cứu khả thi phát triển khu Công nghệ cao Hoà Lạc.

Với Cộng hoà Pháp: Việt Nam đã làm việc với đoàn Cao uỷ Pháp về năng lượng nguyên tử, phía Pháp cung cấp nhiều tài liệu quan trọng để nghiên cứu về điện hạt nhân cho Việt Nam; phối hợp với Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ Nghiên cứu Pháp và Đại sứ quán Pháp tổ chức đánh giá dự án hợp phần của dự án ESPOIR.

Với các nước SNG: một số dự án đang được triển khai đã có kết quả tốt như Dự án “ Nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới tác động lên trạng thái kỹ thuật của các máy bay SU và tổ chức khai thác theo tình trạng”. Các chuyên gia Nga đã cung cấp nhiều phần mềm có giá trị và qui trình khai thác các máy bay SU. Trung tâm công nghệ vi điện tử và tin học (Viện ứng dụng Công nghệ) đã tiếp nhận được phần mềm có giá trị để mô phỏng và thiết kế thử nghiệm thiết bị điện tử theo mục đích đặt trước. Việt Nam đang hợp tác với Liên bang Nga để nâng cấp hệ điều khiển lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Với Thái Lan: tại cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan đã thoả thuận triển khai một số nội dung hợp tác trong lĩnh vực KH&CN, như: Thái Lan cấp 3-4 học bổng cho Việt Nam về CNSH; phối hợp tổ chức khoá đào tạo về mã nguồn mở; Thái Lan sẽ hỗ trợ thành lập Trung tâm khoa học vật liệu tại Hà Nội. Hai bên đã tổ chức thành công khoá họp lần thứ 3 cấp Bộ trưởng KH&CN Việt Nam-Thái Lan nhằm cụ thể hoá các nội dung đạt được từ Phiên họp nội các chung lần thứ I vào tháng 2 năm 2004, bao gồm các vấn đề về CNSH, đo lường, điện tử và máy tính, công nghệ kim loại và vật liệu, công nghệ không gian và thông tin địa lý. Hai bên cũng trao đổi về khả năng phối hợp nghiên cứu các bệnh mới xuất hiện như cúm gà, SARS để tìm ra biện pháp phòng chống chung cho hai nước.

Với Thuỵ Sỹ: năm 2004, Chính phủ Thuỵ Sỹ đã tài trợ cho Dự án US/VIE/03/83 về “Hỗ trợ Việt Nam tiếp cận thị trường thông qua tăng cường năng lực đo lường, thử nghiệm và đánh giá sự phù hợp” và hỗ trợ tăng cường năng lực về SHTT ở Việt Nam.

Với Trung Quốc: hai bên tiếp tục triển khai các dự án hợp tác đã cam kết trong Nghị định thư khoá V với nhiều kết quả thiết thực. Một số dự án hợp tác đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: nghiên cứu Pheromone giới tính sâu tơ áp dụng trên 500ha rau sạch của Hải Dương; thuốc Cedmex điều trị cai nghiện.

Đánh giá chung

Nhìn chung, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN năm 2004 đã được triển khai một cách chủ động hơn trong việc tranh thủ các đối tác quốc tế về tri thức, kinh nghiệm, thông tin khoa học, bí quyết công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ trang thiết bị, góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu trong nước.

Với việc đa dạng hoá các “kênh” hợp tác, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN cũng đã được mở rộng và tăng cường theo nhiều mức độ khác nhau, từ hợp tác với cơ quan quản lý KH&CN của các nước, đến các quỹ nghiên cứu KH&CN, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội khác. Các nội dung hợp tác cũng đã chủ động gắn chặt với nhu cầu phát triển KH&CN trong nước, trong đó chú trọng đến nhu cầu hợp tác quốc tế của địa phương.

Lượt xem: 46613

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)