Thứ hai, 01/08/2016 08:46 GMT+7

Thông báo kêu gọi đề xuất đề tài/dự án khoa học và công nghệ theo Nghị định thư Chương trình hợp tác nghiên cứu chung Việt Nam - Đức về “Kinh tế sinh học” năm 2016

1. Phạm vi:

Kinh tế sinh học được định nghĩa là nền kinh tế sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dựa trên sinh học để sản xuất các sản phẩm mới và cung cấp các dịch vụ bằng cách sử dụng tri thức và quy trình sinh học đổi mới sáng tạo. Kinh tế sinh học cung cấp cho loài người những nguồn tài nguyên tái tạo và thân thiện môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức cùng hướng tới việc nâng cao khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế sinh học của cả hai nước, đồng thời nhận thức được trách nhiệm ngày càng lớn trước những thách thức toàn cầu về cung cấp lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Tiếp nối những kết quả đã đạt được của Chương trình hợp tác nghiên cứu chung về “Kinh tế sinh học” lần thứ nhất giai đoạn 2014-2016, tại Phiên họp Tổ công tác liên Bộ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Liên bang Đức, tổ chức tại Hà Nội ngày 04.12.2015, hai Bộ đã thống nhất sẽ tiếp tục cùng tài trợ cho các đề tài/dự án nghiên cứu chung thuộc Chương trình hợp tác “Kinh tế sinh học” giai đoạn 2017-2019.

Mục đích của Chương trình này là tài trợ cho các đề tài/dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa Việt Nam và Đức, có đóng góp quan trọng vào một trong các lĩnh vực sau đây:

• An ninh lương thực toàn cầu

• Đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững

• Sản xuất các sản phẩm thực phẩm an toàn và đảm bảo sức khỏe

• Sử dụng tài nguyên tái tạo trong công nghiệp

• Phát triển nguồn năng lượng dựa trên sinh khối

2.Tài chính:

Hai Bộ sẽ độc lập đánh giá các đề xuất đề tài/dự án và thống nhất kết quả với nhau. Các đề xuất có kết quả đánh giá tốt có thể được hai Bộ cùng cấp kinh phí thực hiện tùy theo khả năng và cơ chế tài chính của mỗi nước.

Các khoản sau đây có thể được xem xét cấp kinh phí:

• Thuê khoán chuyên môn

• Nguyên vật liệu năng lượng

• Các thiết bị nghiên cứu nhỏ

• Chi phí đoàn ra, đoàn vào

• Chi phí khác

3. Quy trình nộp đơn và đánh giá:

3.1. Yêu cầu tối thiểu:

Kinh phí chỉ được xem xét cấp cho các đề tài/dự án nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Đức, trong đó- tùy theo định hướng nghiên cứu-có sự tham gia của các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu quốc gia hoặc viện nghiên cứu ngoài trường đại học. Các đề tài/dự án nghiên cứu chung phải có sự tham gia của ít nhất 1 đối tác của mỗi nước và phải đóng góp đáng kể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Mỗi nước sẽ chỉ định 1 điều phối viên chính của đề tài/dự án, có trách nhiệm thay mặt các đối tác khác nộp đồng thời 1 đơn cho phía Đức và 1 đơn cho phía Việt Nam.

Mỗi đề tài/dự án kéo dài không quá 36 tháng.

Điều phối viên của đề tài/dự áncần liên hệ với người điều phối chương trình của hai Bộ trước khi nộp đơn để được tư vấn.

3.2 Quy trình nộp đơn:

Trong khoảng thời gian từ ngày đăng thông báo là 01.08.2016 đến hạn chót là ngày 14.10.2016, các bên tham gia đề tài/dự án cùng nộp một đề xuất chung bằng tiếng Anh kèm theo bản dịch công chứng ra tiếng Việt, có đủ chữ ký của tất cả các đơn vị tham gia. Mẫu đề xuất bằng tiếng Anh được đăng tải kèm theo thông báo này.

3.3. Quy trình nộp đơn phía Việt Nam:

Trong thời hạn nộp đề xuất nêu tại điểm 3.2 trên đây, ngoài Đề xuất chung bằng tiếng Anh kèm theo bản dịch tiếng Việt có công chứng, một trường đại học, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp KH&CN là đối tác chính của đề tài/dự án muốn xin cấp kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ phải nộp thêm một hồ sơ (dạng giấy và dạng file mềm) bao gồm các tài liệu sau đây:

- Đề cương thuyết minh nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư bằng tiếng Việt theo Mẫu 1, Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 Quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư (mẫu được đăng tải kèm theo Thông báo này), có đủ chữ ký và dấu của các bên liên quan;

- Công văn do Lãnh đạo Bộ chủ quản ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cho thực hiện đề tài/dự án KH&CN theo Nghị định thư với đối tác Đức trong Chương trình hợp tác “Kinh tế sinh học”;

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức hội đồng xác định nhiệm vụ để đánh giá đề cương đề xuất. Nếu đề cương được đánh giá tốt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ yêu cầu nộp hồ sơ chi tiết, bao gồm các tài liệu chính sau:

- Thuyết minh chi tiết nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư theo Mẫu 3, Thông tư 12/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 Quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư (đăng tải kèm theo Thông báo này);

- Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị tham gia đề tài/dự án nghiên cứu phía Việt Nam, có đủ chữ ký của tất cả các đối tác tham gia và cơ quan chủ trì.

- Thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác Đức và Việt Nam (bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh kèm theo bản dịch ra tiếng Việt (có công chứng). Các yêu cầu tối thiểu cho Thỏa thuận hợp tác với các đối tác Đức như sau:

- Tên đề tài/dự án;

- Tên của tất cả các đối tác tham gia;

- Mô tả mục tiêu, nội dung nghiên cứu chính, kết hoạch hợp tác, dự kiến nguồn nhân lực thực hiện, phân công nhiệm vụ giữa các đối tác Đức và Việt Nam, kết quả dự kiến và dự trù kinh phí, nguyên tắc cơ bản của việc cùng thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chia sẻ lợi ích.

Đề xuất chung có đủ chữ ký của các đối tác Đức và Việt Nam được coi là một phần của Thỏa thuận hợp tác.

Ngoài ra còn một số tài liệu hành chính khác.

3.4 Quy trình nộp đơn phía Đức:

Về phía Đức, đơn được nộp trực tuyến theo hệ thống nộp đơn tại địa chỉ: www.bioeconomy-internatinal.de

Đơn nộp qua đường thư điện tử sẽ không được chấp nhận.

Phía Đức không yêu cầu nộp bản copy có chữ ký hay dự thảo Thỏa thuận hợp tác.

Các đối tác phía Đức phải chờ đến khi có quyết định cấp kinh phí. Sau đó mới nộp đơn quốc gia.

4. Đánh giá:

Các đề xuất dự án nghiên cứu chung nhận được sẽ được đánh giá song song tại Việt Nam và Đức, có thể sẽ gồm cả chuyên gia độc lập.

Việc đánh giá sẽ dựa theo các tiêu chí sau:

- Phù hợp với chính sách tài trợ quốc gia

- Giá trị gia tăng của hợp tác quốc tế (tăng cường tri thức, đào tạo các nhà khoa học trẻ, khả năng tiếp cận với hạ tầng nghiên cứu, …)

- Sự hợp lý của hướng tiếp cận nghiên cứu, chất lượng và tính độc đáo của chiến lược nghiên cứu

- Cơ hội thành công và khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu

- Năng lực chuyên môn của chủ nhiệm dự án và các thành viên tham gia (Việt Nam và Đức); sự thích hợp với hoạt động chuyên môn từ trước tới nay.

- Sự thích hợp của phạm vi và cấu trúc đề tài/dự án, chất lượng và tính chặt chẽ của kế hoạch thời gian, công việc và kinh phí của đề tài/dự án cũng như sự phân chia công việc giữa các đối tác.

5. Các thời hạn:

- 01.08. 2016: Đăng thông báo

- 14.10.2016: Hết hạn nộp đơn

- 10.2016-tháng 2. 2017:Đánh giá cấp quốc gia và đánh giá chung

6. Nộp hồ sơ (về phía Việt Nam):

Hồ sơ được gửi trong phòng bì dán kín, bìa ngoài có ghi:

Hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư,

Chương trình hợp tác “Kinh tế sinh học” Việt Nam-Đức

7. Địa chỉ nộp hồ sơ:

Vụ Hợp tác quốc tế

Bộ Khoa học và Công nghệ

113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội

8. Điều phối viên chương trình:

Việt Nam:

Bà Nguyễn Thị Vân

Vụ Hợp tác quốc tế

Bộ Khoa học và Công nghệ

113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Tel: +(84-4) 39435376

Fax: +(84-4) 39439987

E-Mail: thivan@most.gov.vn

Đức:

Tiến sĩ Christian Breuer/Tiến sĩ Tatiana Gruender / Tiến sĩ Jens Schiffers

Cơ quan quản lý dự ánJülich

Trung tâm nghiên cứu Jülich GmbH

Biological Innovation & Economy- EU and International Affairs (PtJ-BIO3)

Tel.: +49 2461/61-96929 /96432/ -3972

Fax: +49 2461/61-1790

E-Mail: c.breuer@fz-juelich.de / t.gruender@fz-juelich.de / j.schiffers@fz-juelich.de


Tệp đính kèm:

Mẫu đề cương đề xuất

2016 Proposal Template for GER and VN Protocol Agreement Programme

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 2450

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)