Thời kỳ 1966 - 1975


Thời kỳ Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật (chỉ bao gồm khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật) trong hoàn cảnh đất nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

Thất bại trong việc thực hiện chủ nghĩa thực dân mới và "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, đế quốc Mỹ từ năm 1965 đã chuyển sang trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam, và chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Nhiệm vụ của miền Bắc lúc này chẳng những phải tăng cường chi viện nhân tài, vật lực cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược mà còn phải vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng. Tình hình khoa học - kỹ thuật của miền Bắc lúc này đã có những tiến bộ rõ rệt : Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đã lớn mạnh hơn nhiều, các cơ sở nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp đã tăng hơn; các công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật cũng như phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học - kỹ thuật đã được mở rộng hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu to lớn của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội thì lực lượng và khả năng khoa học - kỹ thuật của ta còn rất hạn chế. Hoạt động khoa học - kỹ thuật trong điều kiện chiến tranh còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Trong hoàn cảnh chống Mỹ cực kỳ gay go, ác liệt, với niềm tin vững chắc ở thắng lợi cuối cùng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời việc chuyển hướng và tăng cường công tác khoa học và kỹ thuật nhằm phục vụ sản xuất, chiến đấu, đời sống trước mắt và chuẩn bị phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội với quy mô lớn, trình độ cao sau khi chiến thắng đế quóc Mỹ - Uỷ ban thường vụ quốc hội đã ra quyết định số 165 NQ/TVQH ngày 11 tháng 10 năm 1965 về việc phân Uỷ ban Khoa học Nhà nước thành 2 cơ quan: Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Viện khoa học xã hội Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phát triển cả khoa học tự nhiên và kỹ thuật lẫn khoa học xã hội và nhân văn. Hội đồng chính phủ đã ra chỉ thị số 163 CP ngày 1/9/1966 về phương hướng nhiệm vụ công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật 2 năm 1966-1967. Ban bí thư đã ra quyết định số 157 NQ/TW ngày 22 tháng 2 năm 1967 về tăng cường công tác khoa học và kỹ thuật trong tình hình và nhiệm vụ mới.

Nghị quyết quan trọng này sau khi đánh giá tình hình khoa học - kỹ thuật và lãnh đạo, chỉ đạo công tác KH-KT, nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, đã đề ra hai nhiệm vụ lớn của KH-KT là phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật trong thời chiến và tích cực chuẩn bị để phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật trên quy mô lớn, với trình độ cao, trong phạm vi cả nước sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc thắng lợi và sự phân công, phối hợp thực hiện những nội dung cụ thể của hai nhiệm vụ đó. Nghị quyết khẳng định vai trò của UBKHKTNN là cơ quan tham mưu của Đảng và Chính phủ về công tác KH-KT, là cơ quan giúp Đảng và Chính phủ thống nhất quản lý công tác khoa học kỹ thuật, cần tích cực tăng cường lực lượng cho Uỷ ban để Uỷ ban có thể làm tốt những nhiệm vụ cơ bản của mình. Nghị quyết cũng yêu cầu các cấp uỷ Đảng các cấp lãnh đạo cơ quan Nhà nước và đoàn thể quần chúng, tăng cường lãnh đạo công tác khoa học kỹ thuật trong phạm vi trách nhiệm của mình. Ngày 27 tháng 5 năm 1967 HĐCP đã ban hành Nghị định 67/CP về chức năng nhiệm vụ và tổ chức của UBKHKTNN.

A. Chức năng, nhiệm vụ của UBKHKTNN :

Theo Nghị định số 67/CP ngày 27/5/1967, "Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm vừa quản lý thống nhất và tập trung công tác khoa học và kỹ thuật vừa làm công tác của một Viện nghiên cứu khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật) của Nhà nước theo đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật ở nước ta một cách tốt nhất và nhanh nhất, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà".

Uỷ ban khoa học kỹ thuật Nhà nước có nhiệm vụ:

1. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ quyết định các phương hướng, chính sách, chế độ, thể lệ về khoa học và kỹ thuật và các quy hoạch, kế hoạch nghiên cứu khoa học.

2. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước.

3. Tổ chức quản lý các công trình nghiên cứu khoa học và kỹ thuật và các sáng chế, phát minh bao gồm các việc đăng ký, đánh giá, khen thưởng, áp dụng vào sản xuất, gìn giữ bí mật Nhà nước. Tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm lớn của quần chúng.

4. Cùng với các ngành, các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở nghiên cứu. Xây dựng và quản lý các cơ sở nghiên cứu khoa học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước để tạo điều kiện tiến tới thành lập Viện KHVN (khoa học tự nhiên và kỹ thuật).

5. Cùng với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ quyết định phương hướng, quy hoạch đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật.

6. Tổ chức công tác thông tin, tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và áp dụng khoa học và kỹ thuật, bao gồm:

- Thu thập, gìn giữ, sắp xếp, khai thác, phổ biến các tài liệu về thành tựu khoa học và kỹ thuật ở trong nước và nước ngoài.

- Tổ chức và quản lý hệ thống thư viện khoa học và kỹ thuật trong cả nước.

- Xuất bản các sách báo, tập san và tài liệu khoa học và kỹ thuật.

7. Thống nhất quản lý công tác cung cấp, điều hoà phân phối các vật tư chủ yếu cho công tác nghiên cứu và thí nghiệm khoa học và kỹ thuật.

8. Mở rộng hợp tác khoa học và kỹ thuật với các nước XHCN anh em và trao đổi khoa học và kỹ thuật với các nước khác nhằm nhanh chóng áp dụng những thành tựu mới về khoa học và kỹ thuật của nước ngoài vào Việt Nam.

9. Giúp đỡ các tổ chức khoa học và kỹ thuật của quần chúng nhằm thúc đẩy phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học và kỹ thuật phục vụ cuộc cách mạng kỹ thuật theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

10. Quản lý tổ chức, cán bộ, lao động tiền lương, tài vụ, vật tư, tài sản trong cơ quan, đơn vị thuộc Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước theo chế độ chung của Nhà nước.

11. Để thực hiện các nhiệm vụ trên đây, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đoàn thể, các địa phương, Uỷ ban nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ quy định những mối quan hệ cụ thể giữa Uỷ ban và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Uỷ ban hành chính địa phương, các cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học và kỹ thuật ở các ngành, các cấp.

Thời kỳ này, chức trách của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, về quản lý cũng như nghiên cứu, được tập trung vào các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, và được xác định rõ là quản lý tập trung thống nhất công tác khoa học và kỹ thuật, do đó nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban về quản lý các công tác cán bộ, vật tư, thông tin thư viện và hợp tác khoa học và kỹ thuật cũng được quy định rõ hơn trước. Theo Nghị quyết 157-NQ/TW, Ban bí thư phân công, về các công việc phục vụ cách mạng kỹ thuật trong thời chiến thì các ngành, các địa phương chịu trách nhiệm chính, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm điều hoà, phối hợp; về các công việc chuẩn bị phục vụ cách mạng kỹ thuật sau chiến tranh như tìm hiểu những thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế giới, xây dựng phương hướng quy hoạch phát triển công tác khoa học và kỹ thuật, phát triển tiềm lực khoa học và kỹ thuật thì Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm chính. Trước yêu cầu tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, ngày 13 tháng 1 năm 1970, HĐCP đã có quyết định số 08/CP thành lập Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản và quy định UBKHKTNN là cơ quan thường trực của Hội đồng và chủ nhiệm UBKHKTNN là Chủ tịch Hội đồng.

B. Cơ cấu tổ chức của UBKHKTNN :

1. Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước : Không còn một tập thể lãnh đạo như Uỷ ban Khoa học Nhà nước trước đây, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể, chủ nhiệm Uỷ ban chịu trach nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng Chính phủ về toàn bộ công tác của Uỷ ban.

Chức vụ Chủ nhiệm Uỷ ban thời kỳ này do ông Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước kiêm nhiệm. Các Phó chủ nhiệm chuyên trách: ông Trần Quỳnh và ông Lê Khắc. Các uỷ viên chuyên trách: ông Nguyễn Văn Biên và ông Nguyễn Văn Hiệu (từ năm 1969).

2. Các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật :

a. Các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật theo ngành năm 1967 được phân từ 7 Ban thành 17 Ban : Ban toán học, Ban cơ học, Ban vật lý, Ban hóa học, Ban sinh vật, Ban địa học, Ban kỹ thuật công nghiệp nhẹ, Ban điện lực, Ban vô tuyến điện, Ban cơ khí, Ban luyện kim, Ban mỏ, Ban kiến trúc - xây dựng, Ban giao thông, Ban thuỷ lợi, Ban nông - lâm nghiệp, Ban y học.

Danh sách các uỷ viên Ban do Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đề nghị, Thủ tướng xét duyệt.

Bộ máy điều hành công việc của Ban là Thư ký vụ do 1 Uỷ viên Ban, tương đương cấp vụ, phụ trách.

b. Các cơ quan quản lý kỹ thuật:

Năm 1971, thành lập Cục kiểm tra chất lương sản phẩm và hàng hoá; Viện Đo lường và tiêu chuẩn được phân thành Viện Đo lường và Viện Tiêu chuẩn; Năm 1975 Viện Đo lường và Viện Tiêu chuẩn được đổi tên thành Cục Đo lường và Cục Tiêu chuẩn cho phù hợp với chức năng quản lý hơn.

3. Các cơ quan quản lý và hành chính sự nghiệp khác :

Văn phòng UBKHKTNN, Vụ tổng hợp - kế hoạch, Vụ tổ chức - cán bộ, Vụ thông tin và hợp tác quốc tế, Cục vật tư, Cục kiến thiết cơ bản, Thư viện khoa học và kỹ thuật trung ương, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Phòng sáng chế - phát minh, Tổ xét duyệt trữ lượng khoáng sản, Ban thanh tra (thành lập tháng 8 năm 1974).

4. Các cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật:

- Viện Nghiên cứu khoa học tự nhiên thành lập năm 1967.

- Viện Vật lý, tách khỏi Viện nghiên cứu khoa học tự nhiên từ tháng 2 năm 1969.

- Viện Toán học thành lập tháng 2/1969.

- Viện nghiên cứu biển thành lập năm 1967.

- Phòng Cơ học tách khỏi Viện nghiên cứu khoa học tự nhiên từ tháng 8 năm 1969.

- Phòng Hoá hợp chất tự nhiên.

- Phòng Máy tính.

- Bộ phận công tác ở Viện DUPNA.

Theo Nghị định 67/CP trong tổ chức của UBKHKTNN còn có Viện Nghiên cứu kỹ thuật cơ bản. Uỷ ban đã chuẩn bị được 31 cán bộ về Vô tuyến điện, mỏ, Luyện kim, Hoá học và giao cho các Ban có liên quan tạm thời quản lý, đến năm 1970 - 1971, vừa có chủ trương giảm biên chế vừa thấy chưa thật cần thiết thành lập Viện này, Uỷ ban đã chuyển số cán bộ này đi làm việc khác.

Tình hình tổ chức bộ máy của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước trong thời kỳ này có nhiều diễn biến quan trọng:

Các Ban khoa học có thời gian được coi hầu như chỉ là cơ quan tham mưu với nhiệm vụ nghiên cứu đề nghị phương hướng, chủ trương phát triển khoa học và kỹ thuật, điều hoà phối hợp công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, tổ chức sinh hoạt học thuật, chăm lo nội dung cho các tập san khoa học và góp ý kiến với các cơ quan quản lý theo lĩnh vực, khi cần thiết, về các mặt cán bộ, vật tư, hợp tác quốc tế, quản lý kỹ thuật, v.v... Còn nhiệm vụ quản lý khoa học, quản lý kỹ thuật và tổng hợp thì tập trung vào Vụ Tổng hợp - Kế hoạch, sau thấy quá nặng không làm nổi nên Vụ Tổng hợp - Kế hoạch được chuyển thành Vụ Quản lý khoa học và Vụ Quản lý kỹ thuật; sau một thời gian hoạt động, thấy quản lý tách rời khoa học và kỹ thuật không thích hợp, hai Vụ này được nhập lại thành Vụ Quản lý khoa học và kỹ thuật. Đến năm 1972, các Ban được khẳng định lại là cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật theo ngành, và để việc phối hợp giữa các Ban thuận lợi hơn đồng thời việc chỉ đạo của Uỷ ban giảm bớt đầu mối nên đã hình thành năm khối Ban khoa học, có thể coi như tiền thân của các Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật theo ngành sau này: Khối khoa học cơ bản, Khối công nghiệp, Khối nông sinh y, Khối xây dựng cơ bản, Khối điều tra cơ bản và bảo vệ thiên nhiên.

Vụ Tổng hợp - kế hoạch cũng được lập lại như Nghị định số 67-CP đã quy định.

Năm 1972, Vụ Thông tin và hợp tác quốc tế được phân thành 2 cơ quan: Vụ hợp tác khoa học và kỹ thuật với nước ngoài và Viện thông tin khoa học và kỹ thuật Trung ương, để phát triển mạnh cả 2 lĩnh vực công tác quan trọng này.

Từ cuối năm 1971, để đẩy nhanh việc chuẩn bị lực lượng cho Viện khoa học Việt Nam đồng thời để đỡ phân tán trong chỉ đạo của Uỷ ban, Uỷ ban đã có tờ trình đề nghị Hội đồng Chính phủ tách các cơ quan nghiên cứu ra khỏi Uỷ ban và thành lập Viện khoa học Việt Nam. Trong khi chờ đợi quyết định của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban đã tổ chức bộ máy của mình thành 2 khối: khối quản lý và khối nghiên cứu, và xây dựng quy chế làm việc thích hợp.

Qua những diến biến kể trên, chúng ta thấy Uỷ ban có lúng túng trong tổ chức bộ máy quản lý khoa học kỹ thuật của mình và chúng ta có thể rút được một bài học kinh nghiệm về vận dụng nguyên tắc "trước hợp sau phân" như thế nào cho hợp lý.

C. Những chủ trương và hoạt động chính của UBKHKTNN:

Thời kỳ này, trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, các cơ quan, xí nghiệp phải sơ tán, phân tán, hoạt động khoa học và kỹ thuật cũng như hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước chủ trương một mặt hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, các địa phương duy trì, và chuyển hướng các hoạt động khoa học và kỹ thuật cho phù hợp với chủ trương chuyển hướng kinh tế của Đảng, đồng thời điều hoà phối hợp lực lượng nghiên cứu giải quyết dứt điểm một số vấn đề, đề tài cấp thiết đối với sản xuất chiến đấu và đời sống trước mắt, mặt khác xúc tiến công việc chuẩn bị phục vụ cách mạng kỹ thuật sau chiến tranh như tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn phát triển khoa học và kỹ thuật, phát triển tiềm lực khoa học và kỹ thuật, tổ chức tiến hành một số công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và quản lý kỹ thuật có ý nghĩa lớn và lâu dài đối với kinh tế quốc dân.

1. Thời kỳ này, Uỷ ban đã dành nhiều thời giờ và lực lượng vào việc nghiên cứu đường lối chủ trương, chính sách phát triển khoa học và kỹ thuật trước mắt cũng như lâu dài để làm tham mưu cho Đảng và Chính phủ.

Năm 1966, đã chuẩn bị cho Hội đồng Chính phủ ra chỉ thị số 163 CP về phương hướng nhiệm vụ công tác khoa học và kỹ thuật 2 năm 1966 - 1967, cho Ban bí thư ra Nghị quyết 157 NQ/TW về tăng cường công tác khoa học và kỹ thuật trong tình hình và nhiệm vụ mới. Chỉ thị và Nghị quyết quan trọng này đã có tác dụng lãnh đạo, chỉ đạo rất lớn đối với việc chuyển hướng hoạt động khoa học - kỹ thuật của các ngành, các cấp. Trong 2 năm 1966 - 1967, Uỷ ban đã cùng các Bộ chủ chốt xây dựng quy hoạch phát triển khoa học và kỹ thuật ở nước ta (các Bộ làm đề án ngành, Uỷ ban làm đề án tổng hợp). Tham gia nghiên cứu có hầu hết cán bộ giỏi nhất của các ngành. Trong quá trình dự thảo, có trao đổi ý kiến với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để quy hoạch khoa học và kỹ thuật ăn khớp với quy hoạch kinh tế. Tháng 8/1967, Uỷ ban đã báo cáo lên Bộ chính trị kết quả bước đầu nghiên cứu quy hoạch phát triển khoa học và kỹ thuật bao gồm những quan điểm cơ bản về phát triển khoa học - kỹ thuật, phương hướng chung và phương hướng cụ thể của cách mạng KH-KT (đổi cách mạng kỹ thuật thành cách mạng KH-KT), những phương hướng phát triển KH-KT, phát triển tiềm lực KH-KT và vấn đề quản lý Nhà nước về KH-KT. Sau đó, Uỷ ban tiếp tục tổ chức nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo quy hoạch và tháng 2 năm 1975, Uỷ ban đã trình Bộ Chính trị văn bản kiến nghị những quan điểm, phương châm, phương hướng, biện pháp lớn về phát triển khoa học và kỹ thuật ở nước ta. Hồi đó do bận tập trung chỉ đạo chiến tranh giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị chưa cho ý kiến ngay đối với văn kiện này.

2. Từ năm 1967, theo chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước tạm ngừng việc xây dựng kế hoạch khoa học và kỹ thuật hàng năm của Nhà nước và chuyển sang góp ý kiến cho kế hoạch khoa học và kỹ thuật hàng năm của các Bộ, Tổng cục và góp ý kiến với Bộ Tài chính về cấp phát kinh phí cho nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Sau khi có chủ trương chuyển hướng hoạt động khoa học - kỹ thuật, các Bộ đã sửa đổi khá nhiều kế hoạch KH-KT, tập trung vào phục vụ yêu cầu trước mắt là chính. Nhiều Viện, trường nhận thêm những đề tài nghiên cứu giải quyết một số vấn đề kỹ thuật cấp bách cho Quốc phòng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc... Đến năm 1971, Uỷ ban lại tiếp tục tổ chức xây dựng kế hoạch khoa học và kỹ thuật hàng năm của Nhà nước, tập trung vào 1 số vấn đề, đề tài lớn mà Nhà nước cần quản lý. Công tác kế hoạch tiến bộ hơn thời kỳ đầu một bước. Về nội dung, kế hoạch bám sát các yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống trước mắt đồng thời chú ý một số vấn đề có tính chất lâu dài. Kế hoạch bắt đầu đề ra những tiến bộ khoa học và kỹ thuật cần đưa vào sản xuất nhưng vẫn chưa tổng hợp cân đối được các nhu cầu về cán bộ, vật tư, tài chính... Việc xét duyệt kế hoạch khoa học và kỹ thuật vẫn muộn so với kế hoạch kinh tế; nắm tình hình thực hiện kế hoạch khoa học và kỹ thuật vẫn chưa được chắc.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, công tác nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trong cơ xưởng thường gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác điều tra cơ bản, công tác thí nghiệm trên thực địa cũng như công tác nghiên cứu dựa vào tài liệu thu thập được vẫn có thể xúc tiến, còn cán bộ khoa học - kỹ thuật thì nhiệt tình hăng hái muốn đóng góp cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng hoạt động khoa học kỹ thuật của mình. Công tác điều tra, nghiên cứu của các ngành, các địa phương cũng như của các cơ sở thuộc UBKHKTNN vẫn được duy trì, có phần được đẩy mạnh. Các kết quả điều tra, nghiên cứu (bao gồm cả các kết quả điều tra, nghiên cứu của các Viện, phòng thuộc UBKHKTNN) đã góp phần đáng kể vào phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống trước mắt đồng thời chuẩn bị phục vụ cho các yêu cầu lâu dài sau này.

Về khoa học xã hội, đã tiếp tục thực hiện 4 công trình khoa học cơ bản đề ra từ thời kỳ 1959 - 1965 (Lịch sử Việt Nam, lịch sử văn học Việt Nam, từ điển tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt). Ngoài ra còn tiến hành nghiên cứu những vấn đề cấp thiết đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thông nhất đất nước, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam.

Về khoa học nông nghiệp, đã nghiên cứu áp dụng thành công nhiều biện pháp thâm canh tăng năng suất một số cây trồng vật nuôi chính như lúa, khoai, chè, lạc, đậu tương, lợn, gà... Điển hình nhất là tỉnh Thái Bình đã đạt chỉ tiêu 5 tấn/ha gieo trồng nhờ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, áp dụng nhiều giống lúa mới năng suất cao và những biện pháp thâm canh thích hợp, cải tiến kỹ thuật sản xuất đi đôi với cải tiến quản lý hợp tác xã.

Về khoa học kỹ thuật, đã nghiên cứu đặc tính của một số nguyên liệu thực vật, khoáng vật Việt Nam có nhiều và phương án khai thác chế biến, sử dụng hợp lý nhằm giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu trong sản xuất và xây dựng. Đã nghiên cứu giải quyết những vấn đề tồn tại trong công nghệ đúc và kỹ thuật gá lắp, đã nghiên cứu áp dụng một số công nghệ tiên tiến như mạ phun kim loại, hàn dập thể tích, luyện kim bột... Đã nghiên cứu phục hồi chi tiết mòn và sản xuất phụ tùng thay thế cho các thiết bị vận chuyển, khai thác than, điện... Đã cơ giới hoá một số khâu lao động nặng nhọc trong sản xuất công, nông nghiệp, giao thông, xây dựng như nạo vét kênh mương, cầy bừa, gặt lúa, bốc dỡ hàng hoá... Đã nghiên cứu đề ra những giải pháp cải tiến việc cung cấp, sử dụng nguồn năng lượng hiện có và lập quy hoạch phát triển năng lượng trên cơ sở than và thuỷ năng. Đã nghiên cứu thiết kế định hình những kết cấu lắp ghép cho nhà ở, nhà kho, áp dụng các biện pháp thi công nhanh, thi công trong mùa mưa...

Về khoa học y dược, đã điều tra nghiên cứu về đặc điểm cơ thể và điều kiện sinh hoạt của người Việt Nam, về tỷ lệ các bệnh tật trong nhân dân, nghiên cứu các biện pháp phòng chữa các bệnh phổ biến có ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất, đến tỷ lệ tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh, nghiên cứu các tiêu chuẩn ăn ở thích hợp với điều kiện khí hậu, điều kiện lao động của nhân dân ta. Đã nghiên cứu sản xuất một số thuốc chủ yếu từ nguyên liệu thực vật trong nước. Đã coi trọng kết hợp Đông Tây y trong phòng và chữa bệnh.

Về khoa học tự nhiên, các ngành toán, cơ, lý, hoá ngoài nghiên cứu có kết quả bước đầu một số vấn đề lý thuyết còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề thực tế như áp dụng vận trù học trong cửa hàng mậu dịch, phương pháp PERT trong thi công xây dựng cơ bản, thống kê xác suất trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, sử dụng Máy tính điện tử vào giải quyết những bài toán phức tạp về tưới tiêu, dự báo thời tiết, thiết kế công trình, quy hoạch rừng... tính toán thiết kế các cấu kiện xây dựng, chống rung cho móng máy, móng cầu, truyền sóng nổ trong đất; tinh chế xê len, chế tạo một số linh kiện điện tử, phân tích mẫu vật bằng phương pháp quang phổ và vật lý hạt nhân, tinh chế dầu hồi, chế tạo sơn chống rỉ, phương pháp mạ kền, mạ kẽm, biện pháp chống mốc cho các thiết bị điện, điện tử, quang học...

Đã hoàn thành điều tra cơ bản côn trùng hại cây trồng ở các nông, lâm trường, điều tra cơ bản các động vật hoang dại và ký sinh trùng ở miền Bắc, điều tra cơ bản tập đoàn cây phân xanh họ đậu, điều tra xác định các cây ăn được và cây làm thuốc ở vùng rừng núi miền Trung, miền Nam phục vụ bộ đội hoạt động ở chiến trường. Đã thí nghiệm phát triển bèo dâu mùa hè, nhân giống khoai tây bằng hạt, nhân nhanh giống dứa, nghiên cứu vấn đề quang hợp với năng suất cây trồng, đặc điểm sinh lý của người Việt Nam, đặc điểm phát triển trí tuệ của học sinh Việt Nam. Đã thí nghiệm dùng biện pháp sinh học để tổng hợp protein và enzym, để diệt côn trùng và ký sinh trùng.

Đã hoàn thành bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000, tiến hành nghiên cứu, địa chất trung sinh đại phục vụ tìm kiếm dầu khí. Tiến hành đo đạc, ghi chép các số liệu về địa chấn, các biến thiên của từ trường, áp dụng phương pháp từ điện đất để nghiên cứu cấu trúc sâu của một số vùng địa chất. Đã nghiên cứu được một số đặc điểm và quy luật của một số yếu tố khí tượng thuỷ văn phục vụ sản xuất và giao thông vận tải.

Đã hoàn thành xử lý các kết quả điều tra tổng hợp vùng biển vịnh Bắc Bộ, hoàn thành biên soạn cuốn phân vùng tự nhiên miền Bắc Việt Nam, đã tiến hành biên soạn cuốn địa lý Việt Nam, tiến hành nghiên cứu tổng hợp nhằm sử dụng hợp lý đất đai vùng đồi núi thấp miền Trung du Bắc Bộ.

3. Thời kỳ này, Phòng sáng chế - phát minh được thành lập đã giúp UBKHKTNN thức đẩy phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất của quần chúng và quản lý hoạt động này có phần chặt chẽ hơn. Từ năm 1966 đến năm 1972, Uỷ ban hướng phong trào vào khắc phục những khó khăn trong sản xuất, giao thông vận tải thời chiến, từ năm 1973 đến năm 1976, hướng vào tìm biện pháp ổn định sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Uỷ ban đã có thông tư hướng dẫn thực hiện điều lệ khen thưởng sáng kiến của Hội đồng Chính phủ, đã mở nhiều lớp huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách quản lý sáng kiến của các ngành, các địa phương đã phối hợp với Bộ Lao động, Tổng liên đoàn lao động, Ban thi đua TW v.v... tổ chức một số Hội nghị tổng kết công tác sáng kiến và khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào sáng kiến. Tuy nhiên việc tính toán hiệu quả kinh tế của sáng kiến còn lúng túng, nhiều khi chỉ là áng chừng, do đó mức khen thưởng không phù hợp với giá trị của sáng kiến; nhiều sáng kiến tốt chưa được xác minh, đánh giá, phổ biến áp dụng kịp thời.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, hoạt động của Hội phổ biến khoa học - kỹ thuật gặp nhiều khó khăn tác dụng giảm sút. Ban bí thư đã ra Nghị quyết số 218 NQ/TW ngày 21/7/1971 về việc giải thể Hội. Từ đó, việc phổ biến sẽ do các tổ chức khoa học kỹ thuật đảm nhiệm, việc liên lạc quốc tế với danh nghĩa của Hội phổ biến KHKT Việt nam tiếp tục duy trì với danh nghĩa Liên hiệp các Hội KHKT Việt nam do Đảng đoàn UBKHKTNN phụ trách.

4. Trong hoàn cảnh cơ quan, xí nghiệp phân tán, sơ tán, nề nếp quản lý kỹ thuật của các ngành, các cơ sở rất khó duy trì. Uỷ ban vẫn cố gắng tổ chức nhiều Hội nghị Phổ biến và triển lãm lưu động ở các tỉnh, thành phố để tuyên truyền cho công tác tiêu chuẩn hoá và quản lý đo lường. Uỷ ban vẫn tổ chức các lớp học nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường, đã đào tạo hàng trăm kiểm định viên đo lường cho các tỉnh, thành phố, đồng thời cử hàng chục cán bộ của Uỷ viên sang học tập nâng cao nghiệp vụ ở các nước XHCN. Năm 1968, sau khi Đế quốc Mỹ bắt buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, Uỷ ban đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 55 TTg/VG ngày 23 tháng 6 năm 1969 về khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý kỹ thuật trong thời chiến. Uỷ ban đã tổ chức nắm tình hình các cơ sở sản xuất và dự thảo quy chế quản lý kỹ thuật trong xí nghiệp công nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp - Uỷ ban đã chuẩn bị cho Hội đồng Chính phủ ban hành các Điều lệ về quản lý đo lường (Theo Nghị định 216-CP và 217-CP ngày 25 tháng 9 năm 1973) về tiêu chuẩn hoá và kiểm tra chất lượng sản phẩm ở xí nghiệp công nghiệp (Theo Nghị định 290-CP ngày 30 tháng 12 năm 1974 và 26-CP ngày 21 tháng 2 năm 1974) và các chỉ thị 159-TTg ngày 7 tháng 7 năm 1973 và 228-TTg ngày 21 tháng 9 năm 1974 về quản lý chất lượng sản phẩm, do đó đã tăng cường 1 bước pháp chế quản lý kỹ thuật. Uỷ ban đã hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, các địa phương xây dựng các công tác tiêu chuẩn hoá, quản lý đo lường và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Bản thân Uỷ ban đã tổ chức xây dựng và ban hành 1500 TCVN (tính đến hết năm 1973) và hàng năm tổ chức kiểm định, sửa chữa được khoảng 300 thiết bị, dụng cụ đo lường. Tháng 4 năm 1972, Hội nghị và triển lãm 10 năm tiêu chuẩn hoá đã được tổ chức tại Hà Nội và đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ công tác tiêu chuẩn hoá phục sản xuất cơ khí hoá, sản xuất hàng loạt, sản xuất lớn XHCN. Công tác quản lý kỹ thuật tuy được tăng cường hơn trước, nhưng kiểm tra việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy phạm Nhà nước còn lỏng lẻo. Ba mặt công tác tiêu chuẩn hoá, quản lý đo lường và kiểm tra chất lượng sản phẩm còn thiếu phối hợp với nhau. Cuối thời kỳ này, Uỷ ban đã đề nghị Hội đồng Chính phủ cho sáp nhập 3 Cục tiêu chuẩn, đo lường, kiểm tra chất lượng thành một Tổng cục để sự chỉ đạo ba mặt công tác đó được thống nhất và chặt chẽ hơn.

Là cơ quan thường trực cho Hội đồng xét duyệt trữ lượng khoáng sản của Nhà nước do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước làm chủ tịch, Uỷ ban đã bước đầu xây dựng nền nếp kiểm tra, xét duyệt 1 cách khẩn trương, nghiêm túc chất lượng các báo cáo thăm dò, tính toán trữ lượng khoáng sản mà các cơ quan thăm dò, khai thác trình duyệt, có thể coi đây là 1 công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc quyết định chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên, phát triển công nghiệp của Nhà nước.

5. Thời kỳ này, ngoài tích cực tổ chức xây dựng phương hướng, quy hoạch phát triển công tác khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban còn cố gắng thực hiện tốt hơn chức trách của mình về quản lý thống nhất tiềm lực khoa học và kỹ thuật.

a. Năm 1966 - 1967, Uỷ ban đã tiến hành 1 đợt điều tra thứ hai (đợt đầu vào năm 1959 - 1960) về tình hình lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật ở miền Bắc, kết quả là đã đánh giá được đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật về cơ cấu và chất lượng, đã thu thập được hơn 2 vạn lý lịch khoa học của cán bộ trình độ trên đại học, sau đó tiếp tục duy trì việc đăng ký, thống kê cán bộ trình đệ trên đại học qua lí lịch khoa học. Ngày 27 tháng 3 năm 1967, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/CP về chế độ đào tạo nghiên cứu sinh ở trong nước, trong đó UBKHKTNN và Viện KHXH Việt nam được phân công quản lý về mặt học thuật, phân phối điều hoà các đề tài nghiên cứu. Năm 1969, Uỷ ban đã tham gia điều tra tình hình sử dụng cán bộ khoa học và kỹ thuật ở 1 số ngành và địa phương, góp phần chuẩn bị cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 211-TTg năm 1971 về cải tiến công tác bố trí, sử dụng cán bộ khoa học và kỹ thuật nhằm khắc phục dần tình trạng bố trí ở cơ sở rất ít, bố trí trái ngành nghề, bố trí công việc không ổn định thay đổi luôn, sử dụng không đi đôi với bồi dưỡng... Tuy nhiên Uỷ ban còn dè dặt thiếu chủ động đề xuất với Đảng và Chính phủ việc phân công hợp lý trong quản lý cán bộ khoa học và kỹ thuật để vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng vừa phát huy vai trò quản lý của Nhà nước. Theo chỉ thị 190-CT/TW ngày 7 tháng 7 năm 1971 của Ban bí thư, Ban Khoa giáo TW có trách nhiệm cùng Ban tổ chức TW, Ban tuyên huấn TW giúp BCH TW quản lý thống nhất toàn bộ đội ngũ trí thức, và các ngành có trách nhiệm quản lý thống nhất đội ngũ trí thức thuộc ngành mình, như vậy là không có cơ quan Nhà nước nào có trách nhiệm quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước. Sau khi có chỉ thị này, Uỷ ban đã giải thể Phòng quản lý cán bộ khoa học và kỹ thuật của Vụ Tổ chức - cán bộ và đặt công tác cán bộ khoa học và kỹ thuật trong khuôn khổ công tác kế hoạch khoa học và kỹ thuật do Vụ Tổng hợp - kế hoạch đảm nhiệm.

b. Uỷ ban đã cố gắng rất nhiều trong việc xây dựng và quản lý các cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trực thuộc Uỷ ban nhằm chuẩn bị cho việc thành lập Viện khoa học Việt Nam. Các cơ sở này phát triển tổ chức và lực lượng khá nhanh, hoạt động thu được nhiều kết quả có tác dụng phục vụ sản xuất và chiến đấu như đã nêu ở điểm 2 của mục C này. Còn việc cùng với các ngành, các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật thì mới đề nghị Chính phủ ban hành một số nguyên tắc cơ bản cho việc thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trong tình hình có chiến tranh, chứ chưa xây dựng thêm được cơ sở mới nào ngoài Viện thực phẩm của Bộ công nghiệp nhẹ được thành lập trên cơ sở những bộ phận nghiên cứu, thí nghiệm đã có và trường đại học bách khoa hoàn thành khu giảng dạy mới với những phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại.

c. Về thông tin - tư liệu khoa học và kỹ thuật, sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của công tác thông tin KH-KT là Uỷ ban đã tổ chức Hội nghị thông tin KHKT lần thứ nhất đầu tháng 3 năm 1971 tại Hà Nội và đã chuẩn bị cho Hội đồng Chính phủ ban hành nghị quyết 89-CP về tăng cường công tác thông tin khoa học và kỹ thuật và quyết định 187/CP về thành lập Viện thông tin KHKT trung ương. Từ đó mạng lưới thông tin KHKT được mở rộng dần ra các ngành, các địa phương, các cơ sở. Mới bước đầu xây dựng, Viện TTKHKTTW chưa đủ lực quản lý thật tốt mạng lứo nhưng hàng năm đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin học cấp cơ sở cho cán bộ trong mạng lưới, đã chuyển dần các ấn phẩm thông tin khoa học và kỹ thuật chuyên ngành cho các cơ quan thông tin chuyên ngành đảm nhiệm để tập trung phục vụ thông tin về đường lối, chính sách phát triển khoa học kỹ thuật của nước ngoài, về những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới và những thành tựu KH-KT trong nước.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, nhờ hợp tác quốc tế vốn tư liệu của Thư viện khoa học Trung ương vẫn phát triển. Kho tư liệu được phân tán nhiều nơi để bảo vệ, nhưng vẫn duy trì việc phục vụ bạn đọc ở Thủ đô và ở nơi sơ tán của Uỷ ban. Tháng 11 năm 1968, Thư viện khoa học TW được phân thành 2 thư viện : Thư viện KHKTTW và Thư viện KHXH. Thư viện KHKTTW mất khá nhiều thời gian để chấn chỉnh lại hệ thống kho và mục lục, biên soạn lại diện bổ sung tài liệu và quy tắc mô tả tài liệu. Khi chấn chỉnh lại hệ thống kho và mục lục TVKHKTTW đã thanh lọc một số tài liệu không đúng diện bổ sung, chia sẻ một số tài liệu nhiều bản cho các Thư viện ngành và địa phương, áp dụng khung phân loại BBK của Liên Xô đã được biên soạn lại cho phù hợp với Việt Nam. Theo Nghị định 67-CP, Uỷ ban có nhiệm vụ tổ chức và quản lý hệ thống thư viện khoa học và kỹ thuật trong cả nước, nhưng theo nghị định 178 -CP thì Bộ Văn hoá có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác thư viện và hệ thống thư viện nói chung trong phạm vi cả nước. Tuy chức trách quản lý không được quy định nhất quán nhưng Thư viện khoa học và kỹ thuật Trung ương sẵn sàng giúp đỡ các thư viện khác khi có yêu cầu giúp đỡ về nghiệp vụ, về tài liệu.

Mặc dù khó khăn về giấy và in, Nhà xuất bản khoa học vẫn cố gắng bảo đảm xuất bản đều kỳ các tạp chí khoa học, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất bản sách với nội dung đúng hướng, hình thức tiến bộ.

Nói chung, công tác thông tin - tư liệu khoa học và kỹ thuật đã cố gắng khắc phục khó khăn, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu xây dựng đề án cách mạng kỹ thuật, cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, phổ biến khoa học và kỹ thuật nhưng khả năng có hạn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng nhiều càng cao.

d. Về thống nhất quản lý công tác cung cấp, điều hoà, phân phối các vật tư chủ yếu cho khoa học và kỹ thuật, từ năm 1972 về trước, Uỷ ban chưa làm được gì đáng kể. Năm 1973, sau khi Thủ tướng có chỉ thị 1754-VP15, Uỷ ban đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành tổng kiểm kê thiết bị khoa học và kỹ thuật tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, cử cán bộ đi nắm tình hình sử dụng, bảo quản thiết bị khoa học và kỹ thuật, trên cơ sở đó Uỷ ban đã báo cáo và kiến nghị với Hội đồng Chính phủ những nguyên tắc về trang bị các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm khoa học và kỹ thuật, về phân công xây dựng và thực hiện kế hoạch vật tư thiết bị khoa học và kỹ thuật và danh mục những vật tư, thiết bị quý hiếm, đắt tiền do Nhà nước thống nhất quản lý và phân phối, và đã ban hành quy phạm tạm thời về bảo quản thiết bị, dụng cụ nghiên cứu, thí nghiệm.

e. Nghị định 67-CP chưa quy định rõ việc Uỷ ban tham gia quản lý tài chính cho khoa học và kỹ thuật nên thời kỳ này cũng như thời kỳ đầu, Uỷ ban chưa tham gia vào việc xác định ngân sách cho khoa học và kỹ thuật, chưa thực hiện việc cân đối tài chính cho các nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật do đó số tiền mà ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho khoa học và kỹ thuật thường không đủ chi cho nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứ chưa nói đến chi cho sản xuất thử, đây là một nguyên nhân làm chậm đưa nghiên cứu đến kết quả và chậm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

g. Về hợp tác quốc tế, từ năm 1970 về trước, Uỷ ban mới quản lý việc hợp tác khoa học với các Viện hàn lâm. Từ năm 1970 về sau Uỷ ban được giao thêm nhiệm vụ quản lý phần hợp tác khoa học kỹ thuật do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phụ trách. Từ 1965 đến 1972, phương hướng hợp tác khoa học kỹ thuật chủ yếu là nhập thiết kế, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật phục vụ các yêu cầu sản xuất và chiến đấu trước mắt và chuẩn bị cho xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Từ năm 1973, phương hướng hợp tác khoa học kỹ thuật mở rộng thêm nhằm chuẩn bị cho hợp tác kinh tế, giúp Việt Nam nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu sang nước bạn và nghiên cứu một số vấn đề khoa học và kỹ thuật mà 2 bên cùng quan tâm. Uỷ ban đã cố gắng tổ chức thực hiện được chương trình hợp tác khoa học và kỹ thuật hàng năm.

5. Trong quản lý khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban rất coi trọng việc phân công hợp lý và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Tổng cục, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố mà Nghị định 67-CP đã nêu thành một trong những nhiệm vụ cụ thể của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước.

Trải qua 10 năm vừa làm vừa thể nghiệm, nhận thức về nội dung và trách nhiệm quản lý tập trung, thống nhất công tác khoa học và kỹ thuật sáng tỏ dần, nên Uỷ ban ngày 25 tháng 11 năm 1968 đã đưa ra đề án, và ngày 18 tháng 6 năm 1969 lại có công văn đề nghị việc phân công phân cấp trong quản lý công tác khoa học và kỹ thuật. 13 Bộ, Tổng cục đã phát biểu ý kiến, nói chung nhất trí với đề nghị của Uỷ ban.

Cũng như quản lý kinh tế, quản lý khoa học và kỹ thuật cần được phân công, phân cấp theo nguyên tắc vừa mở rộng dân chủ vừa tăng cường tập trung: Bộ, Tổng cục chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý một hoặc nhiều ngành sản xuất thuộc Bộ, Tổng cục, UBHC tỉnh, thành phố chịu hoàn toàn trách nhiệm về quản lý các ngành sản xuất trong địa phương, do đó phải chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển khoa học và kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ khoa học và kỹ thuật nhằm bảo đảm sản xuất và tái sản xuất mở rộng của các ngành thuộc Bộ, Tổng cục, thuộc tỉnh, thành phố. Những vấn đề có tính chất riêng của ngành, của địa phương và Bộ, tổng cục, tỉnh, thành phố giải quyết được thì để Bộ, tổng cục, tỉnh, thành phố làm, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước có thể phát hiện, đề xuất và giúp đỡ nếu cần, chứ không nên làm thay. Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước cần giúp Chính phủ quản lý tập trung, thống nhất các hoạt động khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước theo đúng đường lối, chủ trương, chính sách, luật lệ, quy hoạch, kế hoạch chung của Đảng và Chính phủ, nếu không mỗi ngành, mỗi địa phương làm theo một kiểu, một cách riêng của mình thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế, phát triển khoa học và kỹ thuật về toàn cục, về lâu dài. Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước chỉ phụ trách những vấn đề có tính chất chung cho tất cả các ngành, các địa phương, hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, những vấn đề mà từng Bộ, tổng cục hoặc từng tỉnh, thành phố không giải quyết được, những vấn đề quan trọng mà Nhà nước cần đặc biệt quan tâm. Ngoài nguyên tắc chung, Uỷ ban còn đề nghị nội dung phân công cụ thể giữa Uỷ ban và các Bộ, uỷ ban Nhà nước khác .

Theo tinh thần đó, ngày 22 tháng 11 năm 1968, Uỷ ban đã dự thảo thông tư về kiện toàn tổ chức các Ban khoa học và kỹ thuật địa phương nhằm quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban cho đúng chức năng quản lý tổng hợp, thống nhất khoa học - kỹ thuật ở địa phương, khắc phục tình trạng lúng túng về nội dung hoạt động hoặc sa vào tổ chức nghiên cứu những vấn đề KHKT chuyên ngành dẫm chân lên các Sở, ty. Ngày 15 tháng 9 năm 1970, đã có công văn số 909 CV/UBKHKT đề nghị các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố, trong khi chấp hành chủ trương cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy các cấp ở địa phương, cần chờ Phủ thủ tướng hướng dẫn cụ thể chứ không vội vàng thu nhỏ hoặc giải thể Ban khoa học và kỹ thuật địa phương. Ngày 15 tháng 12 năm 1971, Uỷ ban đưa ra đề án chấn chỉnh, tăng cường Vụ Khoa học và kỹ thuật và Hội đồng Khoa học và kỹ thuật của Bộ, tổng cục . Ngày 25 tháng 8 năm 1973 Uỷ ban đã có tờ trình số 576-KHKT/TC về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, theo văn kiện này, Uỷ ban đề nghị Hội đồng Chính phủ giao cho Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước chức năng duy nhất là quản lý tập trung, thống nhất công tác khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước để có điều kiện tập trung lực lượng và trí tuệ thực hiện tốt chức năng nặng nề, phức tạp, cấp bách này, để bảo đảm sự khách quan, vô tư của Uỷ ban trong việc giúp Chính phủ xây dựng, phát triển mạng lưới cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật chung của cả nước, đồng thời đề nghị thành lập một trung tâm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trực thuộc Hội đồng Chính phủ với chức năng nghiên cứu những vấn đề có tính chất tổng hợp, lý luận, dài hơi, cần thiết cho sự phát triển trước mắt và sau này của nền kinh tế và nền khoa học và kỹ thuật nước nhà.

Đầu năm 1975, trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Uỷ ban đã cử 1 đoàn cán bộ chủ chốt vào khảo sát tình hình khoa học và kỹ thuật của miền Nam. Tháng 9 năm 1975, Uỷ ban đã trình Hội đồng Chính phủ một báo cáo đánh giá sơ bộ tình hình khoa học và kỹ thuật của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, tình hình công tác điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, tình hình đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật ở Miền Nam và đề nghị nhiệm vụ công tác khoa học và kỹ thuật và chính sách đối với tri thức ở miền Nam. Sau đócòn cử nhiều cán bộ tham gia các đoàn của Chính phủ đi kiểm kê đánh giá tài sản ở các cơ sở miền Nam.

Nhìn chung, trong hoàn cảnh chiến tranh, Đảng và Chính phủ không có điều kiện chăm lo nhiều cho khoa học và kỹ thuật, và các ngành, các địa phương lo duy trì sản xuất hơn là hoạt động khoa học và kỹ thuật, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đã chuyển hướng công tác của mình theo tinh thần chỉ thị 163-CP và Nghị quyết 157-NQ/TW. Các hoạt động tham mưu và quản lý của Uỷ ban đã có tác dụng nhất định trong việc hướng dẫn, giúp đỡ các ngành, các địa phương duy trì và chuyển hướng công tác khoa học và kỹ thuật phù hợp với thời chiến, trong việc tập hợp lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật vào một số vấn đề cấp thiết đối với sản xuất, chiến đấu và đời sống trước mắt, vào một số công tác quan trọng chuẩn bị phục vụ lâu dài sau chiến tranh.

Các cơ quan quản lý, nghiên cứu và phục vụ khoa học kỹ thuật của Uỷ ban đều ít nhiều được kiện toàn tổ chức, tăng thêm cán bộ, cải tiến công tác nên năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác đã khá hơn tuy chưa cao, chưa đều.

Công tác quản lý khoa học kỹ thuật vốn còn mới mẻ nay lại phải chuyển hướng cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, với sự phân công, phân nhiệm theo nghị quyết 157 NQ/TW của Ban bí thư, nên Uỷ ban cũng không tránh khỏi lúng túng trong tổ chức bộ máy quản lý khoa học kỹ thuật sao cho hợp lý, cho có hiệu lực, cũng như trong hoạt động quản lý khoa học kỹ thuật sao cho thực quán triệt phương châm kết hợp trước mắt với lâu dài, kết hợp Trung ương với địa phương không quá coi trọng mặt này mà xem nhẹ mặt khác. Tồn tại cơ bản cũng là phương hướng phấn đấu sắp tới của đội ngũ cán bộ Uỷ ban là phải cố gắng không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật, hiểu biết thực tiễn và nghiệp vụ công tác để thực hiện được chức năng quản lý thống nhất công tác khoa học kỹ thuật trong phạm vi cả nước