Chủ nhật, 22/12/2024 11:58 GMT+7
Thứ hai, 23/02/2009 17:16 GMT+7

Báo cáo tình hình thực hiện cam kết về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO (7/2008)

Ngày 17/6/2008 vừa qua đã diễn ra phiên họp lần thứ hai của Hội đồng TRIPS trong năm 2008. Phiên họp này có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam vì kể từ khi trở thành Thành viên WTO, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam được Hội đồng TRIPS chính thức “rà soát” một cách tổng thể

Một cách khái quát, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiến bộ tích cực, về cơ bản đã thực hiện được những cam kết khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, còn một số vấn đề luật pháp vẫn bị cho là chưa hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiệp định TRIPS. Cụ thể như sau:

  1. Những kết quả đã đạt được về mặt lập pháp:
  1. Về bảo hộ:

- Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành, một loạt các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về cơ bản đã được ban hành trong các năm 2006, 2007 và Quý đầu năm 2008, kể cả ở cấp Chính phủ (các Nghị định) và cấp Bộ (các Thông tư);

- Nhận xét chung: Hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu “tối thiểu” hay các nghĩa vụ “bắt buộc” theo Hiệp định TRIPS.

  1. Về thực thi:

- Trong Quý đầu năm 2008, 02 Thông tư liên tịch giữa Tòa án Nhân dân Tối cao và các bộ, ngành hữu quan đã được ban hành nhằm tăng cường biện pháp thực thi theo thủ tục hình sự và dân sự. Thông tư liên tịch thứ nhất hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thông tư liên tịch thứ hai hướng dẫn áp dụng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Dân sự để giải quyết các tranh chấp dân sự về sở hữu trí tuệ tại tòa án;

- Đầu năm 2008, Pháp lệnh Xử phạt hành chính 2002 đã được sửa đổi lần thứ hai, trong đó có hai nội dung quy định quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ. Một là, mức phạt tiền cao nhất 500 triệu đồng có thể được áp dụng cho một số lĩnh vực, trong đó có sở hữu trí tuệ. Hai là, một số biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp xử phạt đặc thù áp dụng cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được bổ sung trong Pháp lệnh sửa đổi.

- Đánh giá chung: Việc ban hành các văn bản pháp luật trên đây được coi là những hành động tích cực của Việt Nam nhằm thi hành các cam kết gia nhập WTO và thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định TRIPS về thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

  1. Những vấn đề còn tồn tại trong luật pháp:
  1. Về bảo hộ:

- Một số quy định chung về nguyên tắc bảo hộ và một số quy định cụ thể về quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bị cho là chưa hoàn toàn phù hợp với Hiệp định TRIPS và Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.

  1. Về thực thi:

- Các quy định của Bộ luật Hình sự 1999 chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Hiệp định TRIPS về xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền (đặc biệt đối với hành vi “cố ý giả mạo nhãn hiệu và ăn cắp bản quyền với quy mô thương mại” quy định tại Điều 61 Hiệp định TRIPS).

  1. Thách thức về mặt thực thi:

- Ngoài yêu cầu về mặt luật pháp, TRIPS/WTO còn đặt ra yêu cầu về mặt thực tiễn thi hành pháp luật. Có nghĩa là, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các Thành viên WTO phải bảo đảm thực tiễn thi hành pháp luật của mình cũng đáp ứng các yêu cầu tối thiểu hay tuân thủ các nghĩa vụ bắt buộc theo TRIPS/WTO. Về khía cạnh thực thi, TRIPS đặt ra yêu cầu “hiệu quả” trong việc thực hiện các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ.

- Với điều kiện hoạt động hiện nay của các cơ quan, đội ngũ cán bộ thực thi, Việt Nam chưa thể bảo đảm đạt tiêu chuẩn “hiệu quả” như yêu cầu của TRIPS.

  1. Những công việc cần thực hiện:

a) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật:

- Dự án sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ đang được tiến hành với sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp rà soát và soạn thảo các quy định về nguyên tắc chung, quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ);

- Dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự 1999 đang được tiến hành với sự chủ trì của Bộ Tư pháp (Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp rà soát và soạn thảo các điều khoản liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ);

- Một số dự thảo các văn bản Thông tư hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ (Thanh tra Bộ chủ trì), Bộ Công thương (Cục Quản lý thị trường chủ trì) soạn thảo cần sớm hoàn thiện và ban hành.

b) Tổ chức triển khai thi hành các văn bản đã được ban hành:

- Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong công chúng, cộng đồng doanh nghiệp;

- Các văn bản hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng cần được phổ biến, tập huấn cho các cơ quan/cán bộ thực thi;

- Các Thông tư liên tịch của Tòa án Nhân dân tối cao và các bộ, ngành hữu quan về thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được tập huấn, hướng dẫn cho các tòa án nhân dân địa phương và phổ biến rộng rãi tới công chúng, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ.

c) Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách về thực thi quyền sở hữu trí tuệ:

- Tiếp tục triển khai các đề án tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan thực thi; xây dựng các tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ;

- Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ trong các cơ quan thực thi (hải quan, quản lý thị trường, công an, thanh tra);

- Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức trợ giúp cơ quan thực thi (cơ quan/tổ chức giám định; tổ chức/luật sư hành nghề dịch vụ sở hữu trí tuệ).

Theo http://www.nciec.gov.vn

 

Lượt xem: 31552

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:27715
Lượt truy cập: 12798972