Thứ tư, 27/11/2024 10:50 GMT+7
Thứ ba, 17/02/2009 17:13 GMT+7

Diễn biến các cuộc họp thường niên của WTO

Tháng 3/2008, tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Geneva, Thuỵ Sỹ đã diễn ra một số phiên họp định kỳ của WTO và một số cuộc đàm phán trong khuôn khổ Vòng Đô-ha. Bài viết sau đây điểm lại những diễn biến chính của các cuộc họp và đàm phán này

Cuộc họp của Hội đồng Thương mại Hàng hoá

Mục đích của các cuộc họp thuộc các Hội đồng của WTO là rà soát các nghĩa vụ thành viên WTO, các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi các Hiệp định liên quan của WTO hoặc các vấn đề liên quan đến Thương mại Hàng hoá v.v... Phiên họp lần này của Hội đồng Thương mại Hàng hoá tập trung vào một số nội dung như : i) thông báo các hiệp định thương mại khu vực (RTAs) đã được ký kết và có hiệu lực; ii) Uỷ ban Châu Âu (EC) xin được miễn trừ áp dụng Điều I (Đối xử Tối huệ quốc) và Điều III (Đối xử quốc gia) của GATT 1994 đối với việc dành ưu đãi thương mại tự động cho Moldova và iii) đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về việc tiến hành một Chương trình nghiên cứu về dệt may trong khuôn khổ WTO.

Thông báo các RTAs           

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Hàng hoá thông báo Ban Thư ký WTO đã nhận được thông báo về một số RTAs đã được ký kết và có hiệu lực bao gồm: Hiệp định giữa Ấn Độ và Singapore, Hiệp định giữa Chilê và Trung Quốc, Hiệp định giữa  Pakistan và Trung Quốc, Liên minh Thuế Quan Nam Phi.

Uỷ ban Châu Âu xin miễn trừ áp dụng Điều I và Điều III của GATT 1994 cho ưu đãi thương mại tự động đối với Moldova

Moldova hiện được hưởng quy chế Thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) của EC. Tuy nhiên, EC muốn dành ưu đãi hơn nữa cho Moldova theo những gì đã cam kết với nước này trong Chương trình Hành động giữa EC và các nước láng giềng (ENP Action Plan) được ký trong năm 2005. Cụ thể, EC sẽ bãi bỏ tất cả mức thuế trần đối với hàng công nghiệp xuất khẩu từ Moldova và cho phép nông sản của nước này được thâm nhập thị trường EC tự do hơn. Để tránh phải dành ưu đãi tương tự cho tất cả các thành viên WTO, EC đã đề nghị Hội đồng Thương mại Hàng hoá cho phép miễn trừ thực hiện nghĩa vụ theo Điều I và Điều III của GATT 1994.

Tại phiên họp, hầu hết các nước không phản đối đề nghị này của EC. Riêng Paragoay đề nghị cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn đề nghị của EC. Ngoài ra, Argentina cũng nêu ý kiến việc miễn trừ như EC đề nghị không được ảnh hưởng tới quyền lợi của các thành viên WTO khác. Nhiều khả năng đề nghị này của EC có thể được Hội đồng thông qua vào phiên họp tới.

Đề xuất thực hiện Chương trình nghiên cứu về dệt may của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra đề nghị tiến hành một Chương trình nghiên cứu toàn diện về tác động từ việc thực thi Hiệp định Hàng Dệt và May mặc (ATC) đối với thương mại hàng dệt may trên thế giới, xác định những cơ hội và thách thức mà các nước đang và kém phát triển gặp phải, từ đó đề xuất các chính sách phù hợp.

Đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ được các nước phát triển và một số nước đang phát triển như Tuynidi, Jordani, các nước Trung Mỹ, Ai cập và Marốc ủng hộ. Tuy nhiên, một số nước đang phát triển có ảnh hưởng khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái lan phản đối việc thực hiện Chương trình này do e ngại các nước phát triển sẽ sử dụng kết quả từ Chương trình nghiên cứu này làm cơ sở xây dựng các biện pháp cản trở thương mại đối với hàng dệt may xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Các nước này cho rằng hiện nay một số tổ chức quốc tế khác như WB, IMF cũng đang tiến hành một số nghiên cứu tương tự nên việc xây dựng một Chương trình riêng cho việc nghiên cứu về dệt may trong khuôn khổ WTO là không cần thiết.

Tại phiên họp, nhóm các nước phản đối tiếp tục đề nghị ông Chủ tịch đưa đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình nghị sự vì cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra đươc lý lẽ thuyết phục để tiến hành Chương trình. Tuy nhiên, ông Chủ tịch đã quyết định vấn đề sẽ tiếp tục được thảo luận tại phiên họp tới của Hội đồng Thương mại Hàng hoá với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra thêm được các lý lẽ mới. Có thể nói lập luận của Thổ Nhĩ Kỳ tại phiên họp là tương đối yếu ớt, không có tính thuyết phục cao nhưng bù lại do được sự hậu thuẫn của các nước phát triển và một số nước đang phát triển nên nhiều khả năng chủ đề này vẫn tiếp tục được đưa vào chương trình nghị sự của các phiên họp tiếp theo của Hội đồng.

Phiên họp của Hội đồng Thương mại Hàng hoá kết thúc với việc bầu bà Karen TAN, Đại sứ Singapore làm Chủ tịch mới của Hội đồng.

Cuộc họp của Hội đồng TRIPs

Hội đồng TRIPS được thành lập theo Điều 68 của Hiệp định TRIPS để quản lý và theo dõi việc thực thi Hiệp định này. Ngoài ra, các nội dung đàm phán của Vòng Doha cũng được tiến hành trong khuôn khổ của Hội đồng TRIPS. Đây là điểm khác với các lĩnh vực khác như NAMA, nông nghiệp, dịch vụ trong đó đàm phán Doha được tiến hành độc lập với các phiên họp của Hội đồng Thương mại Hàng hoá và Hội đồng Thương mại Dịch vụ.

Hoạt động của Hội đồng TRIPS bao gồm 4 mảng chính: i) thi hành nghĩa vụ minh bạch hoá qua các thông báo của các Thành viên; ii) rà soát tình hình xây dựng văn bản pháp luật của các Thành viên; iii) đàm phán về một số vấn đề thực hiện chưa thống nhất của Hiệp định và theo nhiệm vụ của Vòng Doha; và hỗ trợ và hợp tác kỹ thuật.

Nội dung của phiên họp lần này cũng tập trung vào 4 mảng việc nói trên. Đặc biệt, Hội đồng TRIPS cũng dành thời gian để rà soát các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Diễn biến đối với từng nội dung cụ thể như sau:

Thi hành nghĩa vụ minh bạch hoá

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng thông báo đã nhận được Bộ tài liệu minh bạch hoá về chính sách TRIPS của Việt Nam. Ngoài ra, Chủ tịch cũng thông báo một số thành viên như Canada, Mauritus, Tunisia, Hồng Kông, Armenia, Moldova đã gửi bản cập nhật chính sách về TRIPS của mình.

Rà soát các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam

Nội dung rà soát các cam kết về SHTT của Việt Nam thu hút được sự quan tâm của khá đông thành viên WTO, nhất là thành viên phát triển như Hoa Kỳ, EC, Nhật Bản, Úc, Thụy Sỹ. Thay mặt cho đoàn Việt Nam, Đại sứ Ngô Quang Xuân đã có bài phát biểu điểm lại tình hình thực hiện cam kết về SHTT của Việt Nam trong đó nhấn mạnh tới việc Chính phủ Việt Nam mới ban hành Thông tư Liên tịch giữa Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án hình sự và dân sự một số hành vi xâm phạm quyền SHTT, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của Việt Nam theo cam kết gia nhập WTO.

Hầu hết các thành viên WTO đều hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc tuân thủ và thực thi cam kết về TRIPS. Hoa Kỳ tỏ ra rất hài lòng với việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn xét xử các vụ án hình sự và dân sự liên quan tới việc xâm phạm quyền SHTT. Các thành viên khác như EC, Thụy Sỹ, Úc và Đài Loan đều chia sẻ quan điểm này của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tất cả các nước đều phát biểu sẽ gửi các câu hỏi cụ thể cho Việt Nam sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung bộ tài liệu minh bạch hoá chính sách về TRIPS cũng như Thông tư mới được ban hành của Việt Nam. Các thành viên cũng đề nghị Hội đồng TRIPS tiếp tục giữ nội dung rà soát chính sách về TRIPS của Việt Nam trong chương trình nghị sự của phiên họp tiếp theo của Hội đồng dự kiến tổ chức vào tháng 6 năm 2008.

Ông Chủ tịch Hội đồng TRIPS đã đề ra hạn chót để các thành viên gửi câu hỏi về TRIPS cho Việt Nam vào cuối tháng 4. Ngoài ra, ông cũng chấp nhận yêu cầu của các thành viên đối với việc tiếp tục giữ nội dung rà soát về TRIPS trong phiên họp tới của Hội đồng.

Đàm phán về một số vấn đề thực hiện chưa thống nhất của Hiệp định và theo nhiệm vụ của Vòng Doha

Các vấn đề cụ thể mà Hội đồng TRIPS đã và đang thảo luận trong Vòng Doha bao gồm: i) sáng chế dược phẩm (các nước châu Phi yêu cầu làm rõ các linh hoạt của Hiệp định TRIPS đối với vấn đề sáng chế dược phẩm. Tuyên bố riêng của Hội nghị Bộ trưởng Doha đã cho phép cấp phép cưỡng bức và lùi thời hạn chuyển tiếp bảo hộ sáng chế đối với các nước kém phát triển đến 2016); ii) chỉ dẫn địa lý (gồm xây dựng hệ thống đăng ký và thông báo chỉ dẫn địa lý đa phương cho rượu vang và rượu mạnh và vấn đề mở rộng việc bảo hộ đang dành cho rượu vang và rượu mạnh cho các sản phẩm khác); iii) mối quan hệ giữa SHTT và đa dạng sinh học, bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian; iv) chuyển giao công nghệ.

Tại phiên họp Hội đồng TRIPs lần này, các thành viên WTO chủ yếu tập trung thảo luận về mối quan hệ giữa SHTT và đa dạng sinh học, bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian. Quan điểm của các thành viên đối với từng vấn đề liên quan cũng rất khác nhau. Đối với mối quan hệ giữa TRIPS và đa dạng sinh học (CBD), có 4 nhóm lập trường chính: i) bộc lộ nguồn gen phải được đưa thành quy định bắt buộc của TRIPS do Brazil, Ấn Độ, Bolivia, Colombia, Cuba, Dominica, Ecuador, Peru và Thái lan khởi xướng và được sự ủng hộ của Nhóm Châu Phi; ii) bộc lộ nguồn gen qua việc sửa đổi Hiệp định phân loại sáng chế (PCT) do Thụy Sỹ khởi xướng; iii) bộc lộ nhưng nằm ngoài phạm vi của luật sáng chế do EU khởi xướng; iv) sử dụng hệ thống luật quốc gia, bao gồm cả việc ký kết các hợp đồng do Hoa Kỳ khởi xướng. Đối với việc bảo hộ tri thức truyền thống và văn hoá dân gian, một số thành viên như Ấn Độ, Bolivia, Brazil, Thái Lan, Peru và nhóm Châu Phi đề nghị cần có quy định bảo hộ ở quy mô quốc tế nhưng một số thành viên khác như Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Niu Di Lân, Thụy Sỹ và Úc cho rằng cần xây dựng luật pháp trong nước trước khi thảo luận việc bảo hộ ở quy mô quốc tế.

Cuộc họp của Uỷ ban Nông nghiệp

Cuộc họp thường kỳ lần thứ 51 của Uỷ ban Đàm phán nông nghiệp diễn ra ngày 18/03/2008. Cuộc họp tập trung vào thảo luận các vấn đề liên quan tới việc thực hiện các cam kết trong chương trình cải cách của một số thành viên, bao gồm một số tiêu chuẩn về sản phẩm sữa của Canada, quy định cấm nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của Nigeria, quy định đối với sản phẩm gia cầm của EC. Ngoài ra, các thành viên cũng dành thời gian để rà soát các bản thông báo nông nghiệp của các thành viên đã được luân chuyển tới các thành viên WTO từ trước cuộc họp.

Theo: http://wto.nciec.gov.vn

Lượt xem: 30368

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:2790
Lượt truy cập: 12750035