Thứ tư, 13/11/2024 18:23 GMT+7
Thứ sáu, 20/09/2013 16:20 GMT+7

Nội dung cơ bản của Nghị định 107/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA NGHỊ ĐỊNH 107/2013/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

 

Hoàng Đình Tùng

Thanh tra viên chính – Thanh tra Bộ KH&CN 

 

Ngày 20/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 107/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (sau đây gọi là Nghị định 107/2013) thay thế Nghị định số 111/2009/NĐ-CP.        Nội dung cơ bản của Nghị định 107/2013 bao gồm 4 chương với 49 điều. Cụ thể:

 

Chương I - Quy định chung: Gồm 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4), quy định những vấn đề chung của Nghị định, bao gồm phạm vi điều chỉnh, giải thích một số từ ngữ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức.

 

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Nghị định 107/2013 quy định những nội dung đặc thù của lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà không nêu lại những nội dung chung (như Nghị định 111/2009). Cụ thể là các nội dung (Điều 3): Buộc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân; Buộc tìm kiếm, truy tìm, thu hồi chất phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ, vật liệu phóng xạ, nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, thiết bị hạt nhân; Buộc tẩy xạ những vùng bị nhiễm xạ; Buộc tái xuất chất phóng xạ, nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ, hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; Buộc không bố trí nhân viên bức xạ có liều chiếu xạ cao làm công việc bức xạ; Buộc thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường; Buộc phục hồi môi trường; Buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép, không đúng giấy phép hoặc không đúng thiết kế được phê duyệt; Buộc truy nhập dữ liệu chiếu xạ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chiếu xạ nghề nghiệp; Buộc thu hồi kết quả dịch vụ đã cung cấp, thu hồi chứng nhận kiểm tra an toàn đã cấp.

 

Về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức, Nghị định 107/2013 quy định (Điều 4): Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định là mức phạt tiền đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 2.000.000.000 đồng. Nghị định cũng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những chức danh nêu tại Nghị định là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền xử phạt tiền đối với tổ chức cao gấp 2 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

 

Chương II - Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả: Gồm 38 điều, từ Điều 5 đến Điều 42. Chương II nêu các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tửvà quy định các hình thức và mức xử phạt tương ứng. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử chia thành 4 nhóm hành vi (4 mục) bao gồm: Nhóm hành vi vi phạm hành chính về khai báo, cấp giấy phép; Nhóm hành vi vi phạm hành chính về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; Nhóm hành vi vi phạm quy định về an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân; Nhóm hành vi vi phạm hành chính về dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử và hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra.

 

Trong Nghị định 107/2013, các quy định về hành vi vi phạm, mức xử phạt được quy định chi tiết, cụ thể hơn so với Nghị định 111/2009: Một số điều trong Nghị định 111/2009 đã được tách thành nhiều nội dung trong Nghị định 107/2013, điều này giúp cho việc quy định mức phạt phù hợp hơn với hành vi vi phạm, dễ áp dụng hơn cho đơn vị tác nghiệp. Ví dụ: Quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, Nghị định 111/2009 có 1 điều (Điều 23, gộp chung vào một điều tất cả các loại nguồn, tính chất sử dụng, cố đinh hay di động...). Nghị định 107/2013 có 6 điều cho nội dung này. Các hành vi vi phạm quy định về an ninh nguồn phóng xạ được soạn thảo cụ thể cho từng loại nguồn với các mức an ninh cụ thể A, B, C, D; đối với mỗi mức an ninh A, B, C, D lại được quy định rõ loại nguồn phóng xạ sử dụng, lưu giữ, loại nguồn di động, nguồn lắp cố định...Khi các điều, khoản được tách nhỏ thì quy định mức phạt cho hành vi vi phạm được sát hơn, chính xác hơn.

 

Quy định mức phạt tiền trong Nghị định 107/2013 có một số thay đổi so với Nghị định 111/2009: một số hành vi vi phạm ít nguy hiểm, ít hậu quả (khai báo, không báo cáo, thiếu hồ sơ...) mức phạt đã được giảm thấp (phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng); hành vi vi phạm của các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế được tách khỏi cơ sở bức xạ công nghiệp và được quy định xử phạt thấp hơn; tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm của cơ sở hạt nhân, hành vi vi phạm an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân (như hành vi làm mất, làm rò rỉ, làm rơi vãi vật liệu phóng xạ); tăng nặng hành vi để xảy ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân...

 

Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng phù hợp với các hành vi vi phạm, thể hiện được tính răn đe và tính khả thi cao. Mức phạt tiền được thiết kế ở khung hợp lý để phù hợp tính chất, mức độ vi phạm, tránh tuỳ tiện trong quá trình xử phạt, đồng thời có tính toán để phù hợp với thẩm quyền của người xử phạt, bảo đảm việc xử phạt được kịp thời và nhanh chóng.

 

Chương III - Thẩm quyền xử phạt: gồm 4 điều từ điều 43 đến điều 46. Nghị định quy định thẩm quyền xử phạt như sau:

 

a) Thẩm quyền xứ phạt của thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ: Nghị định 107/2013 quy định: Thanh tra viên chuyên ngành khoa học và công nghệ, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền tối đa không quá 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, không quá 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chánh thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có quyền phạt tiền tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, không quá 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của tổ chức;Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền phạt tiền tối đa không quá 250.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, không quá 500.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của tổ chức;Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có quyền phạt tiền đến mức tối đa đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

 

Ngoài quyền xử phạt tiền, các chức danh nêu ở trên còn có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không vượt quá mức tiền phạt tối đa quy định cho mỗi chức danh.

 

b) Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND các cấp: Nghị định 107/2013 quy định: Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền tối đa đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm củacá nhân, đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến mức tối đa đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cá nhân và đến  2.000.000.000 đồngđối với hành vi vi phạm của tổ chức.

 

Nghị định 107/2013 cũng quy định thẩm quyền xử phạt của Hải quan và Công an nhân dân    tại Điều 45.

 

Chương IV - Điều khoản thi hành: gồm 2 Điều 49 và 50, quy định về hiệu lực thi hành, hướng dẫn thi hành và trách nhiệm thi hành Nghị định.

 

 Nghị định 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2013.

 

Lượt xem: 24977

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:63036
Lượt truy cập: 12720080