Thứ bảy, 23/11/2024 18:16 GMT+7
Thứ tư, 21/07/2010 11:52 GMT+7

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nền kinh tế, văn hóa và trở thành điều kiện tiên quyết trong hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhằm đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống là điều cần thiết...

1 - Quan niệm chung về quyền sở hữu trí tuệ

Điều 2 (8) của Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ký ngày 14-7-1967 quy định: "Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; các cuộc biểu diễn của nghệ sĩ biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người; các khám phá khoa học; các kiểu dáng công nghiệp; các nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ và các tên thương mại; bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh; và tất cả các quyền khác nảy sinh từ kết quả của hoạt động trí tuệ thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghiệp".

Từ khái niệm trên, sở hữu trí tuệ được chia thành hai nhóm: sở hữu công nghiệp bảo hộ các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hóa và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định; và quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và những sáng tạo trong lĩnh vực quyền kề cận hay được gọi là quyền liên quan.

Trong nền kinh tế tri thức, khái niệm sở hữu trí tuệ được mở rộng không chỉ là sở hữu công nghiệp và quyền tác giả, mà theo nghĩa rộng, còn là những đăng ký, thương hiệu, quảng cáo, các dịch vụ tài chính, cố vấn cho các xí nghiệp, thị trường tài chính, y tế (kiến thức y học), giáo dục và khoa học, công nghệ; các thư viện, ngân hàng dữ liệu điện tử, các sản phẩm nghe nhìn và các trò chơi video; công nghệ sinh học, các thư viện và ngân hàng dữ liệu truyền thông, công nghiệp dược phẩm.

Suốt chiều dài lịch sử phát triển của xã hội loài người, tri thức luôn là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật số với những ứng dụng to lớn của nó trong mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng khẳng định điều đó. Tuy nhiên, tài sản tri thức là tài sản vô hình và cũng mặc định như tài sản hữu hình. Vì vậy, sự hình thành, chuyển dịch và chấm dứt, cũng như bảo hộ các quyền phát sinh từ tài sản vô hình có những điểm khác biệt so với tài sản hữu hình. Do đó, hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành những quy định pháp luật riêng biệt để điều chỉnh các quan hệ liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.

Ở Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực còn khá mới mẻ. Song, ý tưởng về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà trước tiên là quyền tác giả đã được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 (Điều 10, 12, 13). Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân, quyền nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và bảo đảm quyền tư hữu tài sản cùng quyền lợi của trí thức. Năm 1986 đánh dấu một mốc mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng: Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị định 142/CP - văn bản riêng biệt đầu tiên để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả. Từ đó đến nay còn có nhiều văn bản, sửa đổi thể hiện một bước tiến đáng kể trong hoạt động lập pháp về lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2006. Đặc biệt, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới thì thực tiễn đặt ra những vấn đề bức bách đòi hỏi phải giải quyết trước áp lực trong và ngoài nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm tạo dựng hành lang pháp lý khuyến khích hoạt động sáng tạo có giá trị của công dân.

Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ năm 1997); Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (năm 1999); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000). Năm 2004, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên của Công ước Bơn (Bern) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Bơn (Thụy Sĩ) năm 1886 và Chủ tịch nước đã ký quyết định gia nhập Công ước Rô-ma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được thông qua tại Rô-ma (I-ta-li-a) năm 1961.Theo cam kết tại các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sỹ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập Công ước Giơ-ne-vơ, Công ước Brúc-xen và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ).

2 - Thực trạng hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta được bắt đầu triển khai từ những năm 80, nhưng chỉ từ khi Quốc hội ban hành bộ Luật Dân sự (năm 1995) thì hoạt động này mới bắt đầu tiến triển. Đặc biệt, từ khi Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và Việt Nam là thành viên chính thức của WTO thì hoạt động này trở nên sôi động với tất cả các dạng tài sản trí tuệ được bảo hộ, bao gồm: bản quyền tác giả và các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng mới... Từ năm 2005 đến nay, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ tăng bình quân hằng năm 20%. Về quyền tác giả, nhiều cuốn sách hay của nước ngoài đã được mua bản quyền tác giả để dịch và xuất bản ở trong nước. Về quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tăng 25% - 30%, đăng ký bảo hộ các sáng chế cũng tăng 10% - 15%, nhưng phần lớn (chiếm trên 65%) là của nước ngoài đăng ký ở Việt Nam Thời gian được cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ sau khi hoàn tất thủ tục chỉ trong hai tháng (nếu không xảy ra tranh chấp), đây là những kết qủa khá ấn tượng. Trong những nhận định đánh giá, nhất là đánh giá của một số đối tác quan trọng trong kinh tế (đầu tư, thương mại) trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam là EU, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Mỹ và Ô-xtrây-li-a đều có chung nhận định rằng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng vấn đề thực thi là một điểm yếu cần phải khắc phục.

Thực tế, tình trạng vi phạm luật sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang biểu hiện ở các mặt sau:

a) Có tính phức tạp và có dấu hiệu phổ biến.

+ Về quyền tác giả, những vi phạm với tác giả nước ngoài đã giảm (chỉ xảy ra một, hai vụ bị kiện) trong mấy năm gần đây, nhưng trong nước thì tình trạng xuất bản, điện ảnh, nhiếp ảnh, nghệ thuật tạo hình bị sao chép nhiều (như tranh ký tên Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Tư Nghiêm trên thị trường nhiều gấp ba, bốn lần số tranh đích thực do hai họa sĩ này vẽ). Nghệ thuật biểu diễn, công nghiệp ghi âm, ghi hình, sao chép lậu sách báo, phim ảnh, các chương trình biểu diễn ca nhạc, chương trình truyền hình cũng ở tình trạng tương tự (như các phim do Trung tâm truyền hình Việt Nam, Chương trình "Gặp nhau cuối tuần" bị in bán tràn lan trên thị trường, nguy hiểm hơn đã có nhiều phim và chương trình truyền hình của VTV bị đánh cắp, biên tập lại và phát hành băng đĩa lậu tại Việt Nam, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, châu Âu...). Sự xâm phạm quyền tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thậm chí cả khoa học và nổi bật nhất là những phần mềm máy tính vẫn diễn biến phức tạp (đặc biệt có vụ in lậu số lượng lớn sách giáo khoa mới phát hiện vào tháng 8-2007).

+ Đối với sở hữu công nghiệp, vi phạm xảy ra phổ biến nhất là với các nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Tuy vậy, các dạng tài sản khác cũng đã có xâm phạm như: chỉ dẫn địa lý (do sự nổi tiếng của nước mắm Phú Quốc nên có nhiều hãng trong nước và nước ngoài đã gắn tên sản phẩm của họ bằng nhãn hiệu "Nước mắm Phú Quốc" để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm); tên thương hiệu (điển hình là vụ khiếu kiện đặt tên "Vang đỏ Đà Lạt" gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với sản phẩm có tiếng "Vang Đà Lạt" đã xin bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa); và gần đây xuất hiện các vụ việc xâm phạm sáng chế và giống cây trồng. Cũng không kém phần nghiêm trọng là mọi chủng loại sản phẩm hàng hóa đều có hàng nhái, hàng giả từ hàng tiêu dùng thông thường như thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép, đồ dùng vệ sinh cá nhân, đến đồ gia dụng, phương tiện máy móc hoặc các sản phẩm cao cấp, đặc dụng như mỹ phẩm, dược phẩm... (ví dụ các sản phẩm Sunligh, P/S, Sunsilk, Clear, Dove và Lifebuoy của hãng Unilever Việt Nam); sao chép kiểu dáng (nhái phông chữ, thương hiệu, kiểu dáng bao bì tương tự của Công ty Acecook Việt Nam sản xuất và kinh doanh mì ăn liền; hoặc mang các chỉ dẫn địa lý giả mạo. Xâm phạm sở hữu trí tuệ còn xảy ra cả ở khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu (do thiếu hiểu biết về luật lệ quốc tế mà không ít trường hợp nhà sáng chế Việt Nam bỏ lỡ quyền của mình như máy quay băng Vũ Hùng, võng xếp Vĩnh Lợi), trong đó phổ biến nhất là ở khâu nhập khẩu. Hàng nhái, hàng sao chép phi pháp, hàng có chứa yếu tố vi phạm có mặt cả ở thành thị lẫn nông thôn, được bày bán cả ở các sạp hàng nhỏ, tại các chợ lẫn ở các trung tâm thương mại hiện đại và các siêu thị. Hành vi xâm phạm xảy ra ở mọi thành phần kinh tế: tư nhân, nhà nước và liên doanh, thậm chí ở cả một số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài (tuy nhiên chỉ có một số trường hợp hãn hữu).

b) Mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang gia tăng.

Theo thống kê sơ bộ, số vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ vào đầu những năm 90 thế kỷ xx chỉ có vài chục vụ, thì đến nay đã tăng đáng kể. Như, năm 1994 chỉ có 48 vụ (trong đó, 1vụ xâm phạm sáng chế, 6 vụ xâm phạm kiểu dáng công nghiệp và 41 vụ xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa), năm 2003 là 326 vụ (với số tương ứng là 23, 43 và 260), đến năm 2006 đã tăng lên gần 500 vụ (tương ứng 60, 152 và 288). Số liệu đó cho thấy việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không những gia tăng về số lượng, mà bắt đầu xảy ra ngày càng nhiều với các sáng chế và giải pháp hữu ích. Về chất lượng hoặc hình thức, cách đây một thập niên sự xâm phạm dễ phát hiện và phân biệt với hàng chính hiệu, còn hiện nay lâm vào tình trạng thật giả lẫn lộn, rất khó phân biệt, nhận biết. Việc nhái các nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì... không chỉ xảy ra với các sản phẩm tiêu dùng thông thường mà đã và đang xảy ra với những sản phẩm có công dụng và chức năng đặc biệt như thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sắt thép xây dựng, xi-măng...

Về quyền tác giả, việc sao chép tác phẩm không chỉ xảy ra với các sản phẩm giải trí như băng đĩa ca nhạc, phim ảnh và không chỉ thực hiện bởi những người buôn bán thuần túy, mà còn xảy ra cả với các sản phẩm nghiên cứu, sáng tác, phần mềm... Việc mạo nhận tác giả, sao chép từng phần hoặc toàn bộ tác phẩm, xào xáo lại tác phẩm xuất hiện ở một số lĩnh vực. Cùng với đà phát triển công nghệ, phương tiện và công nghệ sao chép, bắt chước ngày càng được cải tiến và có mặt ở Việt Nam ngày một nhiều, nên sản phẩm vi phạm được sản xuất với số lượng lớn và tốc độ tăng nhanh. Thực tế, nhiều người buôn bán, nhiều cửa hàng băng đĩa ở các thành phố lớn đều bán băng đĩa sao chép lậu, thậm chí tỷ lệ còn lớn hơn băng đĩa có bản quyền.

Mặt khác, một bộ phận lớn dân cư không có khả năng tiếp cận với sản phẩm chính hiệu giá cao, nhu cầu chất lượng bị giá cả của sản phẩm đẩy xuống hàng thứ yếu, do đó trong thực tế đang tồn tại một mâu thuẫn lớn giữa cung và cầu đối với sản phẩm trí tuệ.

Từ thực trạng trên, có thể rút ra một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, cơ chế bảo đảm thực thi chưa được hoàn thiện và chưa phát huy đúng mức, biểu hiện vụ việc được giải quyết ở tòa án rất ít ỏi, mà chủ yếu được giải quyết ở các cơ quan hành chính, cùng với các quy định đã có nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chứ chưa đủ chi tiết, nên việc áp dụng các chế tài bị lẫn lộn và thiếu hiệu quả. Trình tự dân sự đáng lẽ phải được coi là biện pháp chủ yếu nhưng các quan hệ dân sự thông thường đã bị hành chính hóa một cách quá mức.

Thứ hai, các tổ chức bảo đảm thực thi chưa thực sự phù hợp. Chúng ta tuy có nhiều cơ quan (mỗi cơ quan lại có nhiều cấp: tỉnh, huyện) có chức năng và thẩm quyền xử lý hành chính về sở hữu trí tuệ , nhưng năng lực chuyên môn của chính hệ thống này lại chưa đáp ứng với đòi hỏi của thực tế. Hiện nay, tại các tòa án và các cơ quan bảo đảm thực thi sở hữu trí tuệ khác có rất ít cán bộ được đào tạo về lĩnh vực này.

Thứ ba, sự hiểu biết của toàn xã hội đối với vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế: chưa hình thành tập quán tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, các chủ thể sở hữu trí tuệ chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đây còn là lĩnh vực mới mẻ với đa số cán bộ, công chức nhà nước và gần như hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mạng lưới dịch vụ về sở hữu trí tuệ còn rất mỏng, số chuyên gia dịch vụ mới chỉ có khoảng gần 200 người với trên 30 công ty cung cấp dịch vụ này. Thông tin sở hữu trí tuệ đang là một trong các khâu yếu nhất của hoạt động sở hữu trí tuệ, với năng lực tài nguyên thông tin có tại Việt Nam về sở hữu trí tuệ thuộc loại trung bình, song chưa được phát huy đầy đủ, số lượt người khai thác thông tin sáng chế rất thấp chỉ khoảng hơn 1.000 lượt người/năm ở cả ba trung tâm tư liệu sáng chế: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và phần lớn các yêu cầu tra cứu là về nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp.

Thứ tư, do ảnh hưởng từ mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế, thực tế không phải mọi loại hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đều được sản xuất ở Việt Nam, mà một khối lượng hàng hóa loại đó được sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam theo nhiều đường, bằng nhiều cách để tiêu thụ.

3 - Kiến nghị một số giải pháp

Để thực thi quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là các quy phạm thực thi. Đặc biệt, trình tự dân sự phải được áp dụng triệt để và phổ biến nhằm điều chỉnh các quan hệ liên quan đến loại tài sản vô hình này, mà việc đầu tiên là chấn chỉnh lại toàn bộ các quy phạm về chế tài bảo đảm thực thi theo hướng lấy trật tự dân sự làm biện pháp chủ yếu, còn chế tài hành chính chỉ được áp dụng như một biện pháp bổ sung cho chế tài dân sự khi mà sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vượt quá mức dân sự.

- Sắp xếp lại và tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi, từ tòa án đến các cơ quan bảo đảm thực thi nội địa: Thanh tra (nhà nước và chuyên ngành), ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế phải được tạo điều kiện áp dụng các biện pháp nhằm thực thi có hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo, phân công rõ ràng chức năng quyền hạn của từng cơ quan theo hướng một cơ quan đầu mối, đó là thanh tra chuyên ngành, còn tòa án giải quyết các vụ kiện dân sự, ủy ban nhân dân, thanh tra, quản lý thị trường quyết định xử phạt (tùy theo hình thức và mức phạt), cảnh sát kinh tế chỉ có chức năng điều tra, hải quan kiểm soát ở biên giới về sở hữu trí tuệ.

- Tăng cường các hoạt động dịch vụ thông tin về sở hữu trí tuệ, đồng thời củng cố và nâng cao vai trò của các hội về sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. Cần mở rộng đội ngũ những người tham gia hoạt động này, (đến năm 2010 có ít nhất 1.000 người), bằng cách nhanh chóng tổ chức các hình thức bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ luật sư và những người khác. Tiếp tục cải cách hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ với mục tiêu nâng cao năng lực tài nguyên thông tin và năng lực vận hành của cả hệ thống. Mở rộng diện những người dùng tin, tạo sự gần gũi, hấp dẫn đối với toàn xã hội. Thành lập các trung tâm bảo vệ bản quyền cho các loại hình nghệ thuật. Các hội sở hữu trí tuệ cần phối kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và thông tin, hướng dẫn nhận thức bằng những vụ việc cụ thể trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, động viên các đối tượng trong xã hội, nhất là thu hút các doanh nghiệp - chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tham gia tích cực hơn vào bảo vệ sở hữu trí tuệ.

- Xây dựng mối quan hệ có tính chất cân bằng cùng có lợi giữa chủ sở hữu và người tiêu dùng. Tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các loại sản phẩm/hàng hóa có nhu cầu sử dụng lớn hoặc liên quan đến nhiều người, Cần khuyến khích mở các cuộc thương lượng giữa những người có nhu cầu khai thác với các chủ sở hữu nhằm giảm giá hàng hóa, tăng lượng hàng cung cấp cho xã hội. Đối với những sản phẩm/hàng hoá có nhu cầu sử dụng lớn hoặc có liên quan đến lợi ích công cộng (như thuốc chữa bệnh) ngoài các biện pháp trên cần lưu ý đến công cụ giấy phép, cũng như Nhà nước cần tập trung đầu tư và nhập khẩu nguồn sản phẩm giá rẻ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thay thế các sản phẩm giá quá cao do bị khống chế bởi chủ sở hữu./.

 

Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&news_ID=25956877

Lượt xem: 31109

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:58091
Lượt truy cập: 12742541