|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh VGP/Hoàng Diên |
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin chủ trì hội nghị.
Phó Chủ nhiệm cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về xây dựng Chính phủ điện tử, đây là Nghị quyết rất quan trọng, mong muốn các doanh nghiệp CNTT tiếp tục tham gia đóng góp tích cực hơn nữa trong lĩnh vực này.
Thời gian vừa qua, các thủ tục sử dụng vốn nhà nước trong các dự án lĩnh vực CNTT rất phức tạp, thời gian lâu, dẫn đến dự án bị kéo dài làm ảnh hưởng không những đến phát triển CNTT mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp đầu tư vì chậm thu hồi vốn, cơ quan nhà nước cũng bị ảnh hưởng do thời gian sản phẩm công nghệ đưa dự án vào mất nhiều thời gian, dự án khi đưa vào sử dụng thì công nghệ đã lạc hậu rồi.
“VPCP được giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế mới phù hợp với đặc thù của CNTT. Vì vậy, rất mong các doanh nghiệp chỉ ra được bất cập và đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu làm được thì đây sẽ là bước đột phá để lĩnh vực CNTT phát triển”, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà đề nghị.
Đề xuất rút ngắn thủ tục cho thuê dịch vụ CNTT
|
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc công ty TNHH một thành viên phát triển công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh VGP/Hoàng Diên |
Chỉ ra bất cập trong thuê dịch vụ CNTT, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc công ty TNHH một thành viên phát triển công viên phần mềm Quang Trung cho rằng, hiện nay, cơ chế thuê dịch vụ là hàng năm, trong khi có những dự án phải thuê 3, 5 năm; cứ mỗi lần thuê như vậy lại phải quay lại làm thủ tục như lúc đầu mất rất nhiều thời gian, nhanh thì mất từ 6, 8 tháng.
Ông Long đề xuất với những dự án cho thuê dịch vụ CNTT từ 3-5 năm thay vì đánh giá lại theo quy trình đó thì đánh giá lại theo chất lượng của nhà cung cấp dịch vụ thì như vậy sẽ nhanh hơn.
Cũng theo ông Long, hiện nay một quy trình cho thuê dịch vụ CNTT trải qua 6 bước: Chứng minh hạng mục; trình chủ thuê, cơ quan thẩm quyền; ra quyết định thuê; tổ chức đấu thầu; ký kết hợp đồng; nghiệm thu.
Ông Long đề xuất đối với năm đầu tiên cho thuê thì thủ tục là 6 bước nhưng đến năm thứ 2 của dự án đó, trong 4 bước đầu thì thay bằng thủ tục đơn giản hơn là đơn đặt hàng dựa trên biên bản nghiệm thu đánh giá chất lượng dịch vụ. Nếu làm được như vậy thì thủ tục giảm đi rất là nhiều, lợi ích của nhà cung cấp dịch vụ và người thuê dịch vụ vẫn được bảo đảm.
Chọn nhà thầu ngay từ khi giai đoạn đề xuất đưa ra giải pháp
|
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc công ty TNHH Công nghệ Thế Giới Thông Minh (Smart World). Ảnh VGP/Hoàng Diên |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc công ty TNHH Công nghệ Thế Giới Thông Minh (Smart World) cho biết đối với khách hàng là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT phải thực hiện một quá trình rất dài trước khi đấu thầu dự án từ giai đoạn tìm hiểu và phân tích yêu cầu chi tiết của chủ đầu tư, xây dựng giải pháp, hỗ trợ đề xuất và thuyết minh dự án cho chủ đầu tư, thậm chí là xây dựng luôn cả sản phẩm để chứng minh tính hiệu quả. Quá trình này mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi đấu thầu, doanh nghiệp vẫn có nguy cơ không trúng thầu dẫn đến thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Vì thế, để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp và chọn được doanh nghiệp có năng lực, bà Thủy đề xuất nên quy định chọn nhà thầu ngay từ khi giai đoạn đề xuất đưa ra giải pháp.
Ông Đặng Thế Tài, Giám đốc công ty CMC Sài Gòn cho rằng, ở nước ta đầu tư cho CNTT còn quá thấp với cách thức và cơ chế hiện tại làm CNTT sẽ rất khó bởi hiện nay doanh nghiệp CNTT rất thiếu thông tin kế hoạch triển khai các dự án công nghệ thông tin của nhà nước.
Vì vậy, để các dự án CNTT của nhà nước hấp dẫn, ông Tài đề nghị nhà nước cần minh bạch các thông tin đó. Các doanh nghiệp CNTT sẽ lấy về phân tích làm kế hoạch kinh doanh đưa vào kế hoạch đầu tư. “Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm tới đầu tư rất nhiều dự án CNTT về tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, giao thông thông minh thì các doanh nghiệp CNTT lớn chắc chắn sẽ phải đầu tư nếu không 5 năm sau doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi” ông Tài khẳng định.