Sử dụng nhiên liệu sạch vì một nền nông nghiệp hiện đại

Thứ hai, 16/07/2012 14:34 GMT+7
Ngày 12/7/2012, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Liên minh toàn cầu về Bếp lò sạch và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đã tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan và kế hoạch chiến lược tại Việt Nam: Hướng tới tầm nhìn...


Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo là bước khởi động quan trọng nhằm xây dựng chiến lược và kế hoạch chương trình hành động của Dự án Bếp sạch và nhiên liệu sạch tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận cởi mở, chia sẻ những thông tin, kiến thức và những kinh nghiệm quý báu về vấn đề sử dụng nhiên liệu sạch vì một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khói độc từ các bếp lò đứng thứ năm trong số các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại các quốc gia đang phát triển. Việc sử dụng chất thải nông nghiệp để đun nấu cũng làm gia tăng áp lực đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần tạo ra biến đổi khí hậu ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Bà Dagmar Zwebe, Đại diện SNV cho biết, tại Việt Nam tỷ lệ người sử dụng nhiên liệu rắn để đun nấu chiếm 70%; khoảng 1/3 dân số Việt Nam vẫn đang sử dụng bếp đun truyền thống và các loại bếp đều không có nhãn hiệu. Mặc dù các bếp sử dụng năng lượng thay thế và tái tạo bắt đầu có chỗ đứng tại Việt Nam nhưng mức độ thâm nhập thị trường của các loại bếp này còn thấp. Việc tiếp xúc với khói từ các bếp lò truyền thống đã khiến hơn 58 triệu người dân đang chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trong nhà, mỗi năm gây tử vong cho 23.800 người, trong đó có 2.000 trẻ em. Về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam phát thải 44,5% khí CO2 vào năm 2008 là do sử dụng nhiên liệu rắn.

Theo bà Dagmar Zwebe, rào cản phổ biến nhất đối với việc sử dụng bếp đun hiện nay là chi phí trả trước cho bếp đun cải tiến cũng như khó khăn để nhận hỗ trợ tiền mua bếp. Nhiều người tiêu dùng thích sử dụng khí hóa lỏng hay các loại nhiên liệu sạch khác nhưng vẫn còn hoài nghi về nguồn cung của họ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng không biết về các vấn đề liên quan đến bếp đun truyền thống hoặc không có nhận thức về những lựa chọn thay thế. Việc chuyển đổi bếp đun truyền thống sang bếp đun và nhiên liệu sạch sẽ giúp người dân tránh tiếp xúc với khói độc hại, ít bị bỏng, giảm chi phí và thời gian thu lượm nhiên liệu đun nấu, giảm phát thải khí nhà kính và suy thoái rừng…

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) Nguyễn Mạnh Cường đưa ra đề xuất cần phải chuyển phế thải nông nghiệp sang nhiên liệu. Trước hết là đánh giá lại các vùng phế thải nông nghiệp, đối với từng chất phế thải nông nghiệp phải có giải pháp và quy trình xử lý riêng biệt đặc thù theo vùng. Vì vậy cần phải nghiên cứu và phát triển các vấn đề để xử lý phế thải nông nghiệp như việc bảo quản, lưu trữ và chuyển đổi để thành nhiên liệu sử dụng trong các bếp sạch… Song song với đó là tuyên truyền, hướng dẫn người dân để làm sao họ nhận thức được vấn đề này, quan tâm áp dụng các giải pháp mà nhà khoa học đưa đến với họ. Ngoài ra cần tiếp tục cải tiến các bếp đun theo hướng gas hóa, tiết kiệm năng lượng, chế tạo được tại chỗ... Cùng với đó là hướng dẫn người dân tiếp cận các vấn đề về bếp sạch, đặc biệt là người dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về Bếp lò sạch Radha Muthiah cho biết, Liên minh Toàn cầu về Bếp lò sạch là một sáng kiến quan hệ đối tác công tư đang phát triển với khoảng 300 tổ chức phi chính phủ, quỹ tài trợ, chính phủ, doanh nghiệp cung cấp bếp lò, các nhóm phụ nữ và môi trường, trường đại học, lãnh đạo các công ty và các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc nhằm thiết lập một thị trường cung cấp bếp nấu tiện lợi và không ô nhiễm cho các nước đang phát triển, với tham vọng đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng các loại bếp lò sạch hiệu quả tại 100 triệu hộ gia đình vào năm 2020.

Được biết, liên quan đến vấn đề bếp sạch, ngay từ những năm 70 thế kỷ trước, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và triển khai nhiều dự án, một trong những dự án tiêu biểu có thể kể đến trong giai đoạn 70 - 90 thế kỷ trước, đó là bếp đun than tổ ong, cải tiến lò sao chè, bếp đun sử dụng khí sinh học (biogas).

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên minh vào tháng 12/2011. Đây cũng là một bước chủ động và cam kết đối với việc phấn đấu trở thành một quốc gia phát triển bền vững.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img