Hội thảo về tăng cường năng lực và thẩm quyền của cơ quan pháp quy hạt nhân

Thứ tư, 27/06/2012 15:31 GMT+7
Ngày 26/6/2012, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình hợp tác của Diễn đàn Hợp tác pháp quy (RCF) của các quốc gia thành viên IAEA, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Cơ quan năng...

Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến; Phó Tổng Giám đốc IAEA Denis Flory; các đại biểu đại diện cơ quan pháp quy của các quốc gia thành viên RCF gồm Liên bang Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Pakistan, NEA của OECD, và các đại biểu đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết việc đảm bảo vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân được đặt ra như một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chương trình điện hạt nhân quốc gia. Để bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân, ngoài trách nhiệm quan trọng và đầu tiên của chủ đầu tư, quốc gia cần xây dựng một cơ quan pháp quy hạt nhân có đủ năng lực và thẩm quyền để kiểm soát về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.

Cũng theo Bộ trưởng, Luật Năng lượng nguyên tử của Việt Nam đã xác định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia là Cục ATBXHN thuộc Bộ KH&CN. Tuy nhiên, hiện nay năng lực của Cục chưa đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia cả về đội ngũ cán bộ, năng lực kỹ thuật và thẩm quyền ra quyết định pháp quy. Vì vậy, Bộ KH&CN đã chỉ đạo xây dựng đề án tăng cường năng lực và nâng cấp Cục cũng như nghiên cứu để chỉnh sửa các bất cập về thẩm quyền cấp phép nhà máy điện hạt nhân của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia.

Bộ trưởng cũng đề nghị: Diễn đàn cũng như IAEA và NEA cần giúp Việt Nam làm rõ các yêu cầu và hướng dẫn cần thiết về xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia để có thể cụ thế hóa cho điều kiện của Việt Nam; Đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và xây dựng các quy trình và thủ tục quản lý nội bộ cho Cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam; Tư vấn đầu tư cũng như trực tiếp hỗ trợ đầu tư xây dựng tổ chức hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia của Việt Nam để có đủ năng lực tổ chức và tiến hành thẩm định an toàn dự án điện hạt nhân; Phối hợp và bổ sung các hợp tác đa phương và song phương về pháp quy hạt nhân với Việt Nam nhằm sử dụng hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Diễn đàn.

Ông Denis Flory, Phó Tổng Giám đốc IAEA khẳng định một quốc gia bắt đầu một chương trình điện hạt nhân nghĩa là tham gia vào khuôn khổ an toàn và an ninh toàn cầu và thực hiện cam kết các lĩnh vực của khuôn khổ này. Ông nhấn mạnh một cơ quan pháp quy độc lập, hiệu quả và mạnh mẽ là rất cần thiết để đảm bảo an toàn và an ninh cho chương trình điện hạt nhân.

Hội nghị cũng được nghe đại diện của NEA của OECD, Cơ quan Giám sát hạt nhân, công nghiệp và môi trường Liên bang Nga (Rostechnadzor), Tổ chức An toàn hạt nhân Nhật Bản (JNES), Ủy ban Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (US.NRC), Cơ quan An toàn hạt nhân của Pháp (ASN), Cơ quan Pháp quy hạt nhân Pakistan (PNRA), Cơ quan pháp quy hạt nhân của Anh (ONR) và Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tầm quan trọng, sự cần thiết của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia cũng như các các yêu cầu và bài học kinh nghiệm liên quan đến việc xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia. Đây sẽ là những bài học tốt cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia của mình.

Diễn đàn Hợp tác pháp quy (RCF) là diễn đàn hoạt động tự nguyện trong khuôn khổ IAEA. Diễn đàn bao gồm đại diện cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước có nền công nghiệp hạt nhân tiên tiến và các nước bắt đầu khởi động chương trình điện hạt nhân như Việt Nam. Ngoài ra, còn có các tổ chức quốc tế khác như NEA của OECD cũng tham gia Diễn đàn này. Mục đích của Diễn đàn là trợ giúp các nước bắt đầu khởi động chương trình điện hạt nhân xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia có đủ năng lực và thẩm quyền theo chuẩn mực quốc tế.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img