Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5

Thứ sáu, 04/12/2015 11:17 GMT+7
Trong hai ngày 26-27/11/2015, tại Hội trường Trung tâm Đào tạo hạt nhân- Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) - 140 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt...

Tham dự Diễn đàn có các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân của Việt Nam đến từ Viện NLNTVN, Viện Công nghệ xạ hiếm, Trung tâm đánh giá không phá hủy, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Khoa học Vật liệu, TrườngĐại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Điện lực Việt Nam, Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…cùng với các Giáo sư, chuyên gia Nhật Bản từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, các trường Đại học, Viện nghiên cứu như Học viện Công nghệ Tokyo, Đại học Công nghệ Nagaoka, Đại học Tohoku, Viện nghiên cứu Hệ thống an toàn hạt nhân (INSS)... và các tập đoàn, công ty công nghiệp nặng như Toshiba, Hitachi, MHI, Kansai Electric Power…

Nối tiếp thành công của Diễn đàn lần thứ 4 vào tháng 6 năm 2015, Diễn đàn lần thứ 5 này với chủ đề “Các công nghệ mới nhất và xu hướng nghiên cứu liên quan tới phương pháp kiểm tra và đánh giá không phá hủy đối với các cấu trúc và thiết bị trong nhà máy điện hạt nhân”. Mục đích của diễn đàn lần này là trao đổi kinh nghiệm, học hỏi trong nghiên cứu, ứng dụng liên quan đến khoa học vật liệu, phân tích, đánh giá không phá hủy, quá trình lão hóa các hệ thống thiết bị trong lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân. Vật liệu trong nhà máy điện hạt nhân hay các hệ thống nhà máy điện hạt nhân là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến quá trình vận hành cũng như mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Việc nghiên cứu về vật liệu trong các hệ thống thiết bị nhà máy điện hạt nhân sẽ góp phần quan trọng trong vận hành an toàn, đảm bảo tính ổn định và kinh tế của các tổ máy điện hạt nhân, cũng như đảm bảo (có thể kéo dài) tuổi thọ các nhà máy.
Mở đầu Hội thảo, TS.Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện NLNTVN, GS.Masaki Saito- Đại học Công nghệ Tokyo và đại diện cho Đại Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phát biểu khai mạc Hội thảo: khẳng định kết quả đã thu được thông qua các bốn kỳ Diễn đàn trước đó, thông qua Diễn đàn các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ những kết quả đạt được trong nghiên cứu về từng lĩnh vực chủ đề. Qua đó đẩy mạnh hợp tác và tăng cường năng lực nghiên cứu giữa các tổ chức, cá nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tổng số Báo cáo khoa học tại Diễn đàn lần này là 23 báo cáo, trong đó có 15 báo cáo miệng và 9 báo cáo dán bảng. Trong tổng số 15 báo cáo miệng có 07 báo cáo trình bày bởi các đại biểu Việt Nam và 08 báo cáo trình bày bởi các đại biểu Nhật Bản.
Các vấn đề được thảo luận trong những báo cáo này là quá trình phát triển, chế tạo và đánh giá ăn mòn, sai hỏng đối với các vật liệu trong các hệ thống hạt nhân… Có khá nhiều báo cáo với mục đích hiểu rõ đặc tính và tính ăn mòn của các vật liệu này trong các điều kiện vận hành của một nhà máy điện hạt nhân. Qua phần trình bày của các chuyên gia Nhật Bản, có thể thấy được tầm quan trọng của các vật liệu này, và đi kèm với nó, quá trình phát triển nghiên cứu và chế tạo vật liệu của Nhật Bản cho các cấu kiện này cho thấy sự kết hợp giữa thực nghiệm lâu dài, nghiên cứu vi mô cũng như mô phỏng tính toán toàn diện nhằm hạn chế sự sai hỏng của các vật liệu này tới mức nhỏ nhất.
Các báo cáo của các đại biểu Việt Nam thể hiện sự quan tâm cũng như tìm hiểu về vấn đề vật liệu cho nhà máy điện hạt nhân rất kĩ lưỡng với những chủ đề nghiên cứu thực tiễn của các tổ chức nghiên cứu khoa học vật liệu hiện tại như Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Khoa học vật liệu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…
Trong một số báo cáo, cả phía Việt Nam và Nhật Bản đều khẳng định vai trò quan trọng của các kỹ thuật đánh giá không phá hủy (Non-Destructive Testing) đối với kiểm định và đánh giá tuổi thọ nhà máy điện hạt nhân về khía cạnh vật liệu.

Một điểm khác biệt của Diễn đàn lần này so với các lần trước đó là phần thảo luận chung dành cho các nghiên cứu viên trẻ, Diễn đàn đã được nghe phần trình bày của 9 nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam và Nhật Bản với chủ đề liên quan đến quá trình nghiên cứu của họ như: những vấn đề trở ngại trong quá trình nghiên cứu khoa học và bằng cách nào để họ vượt qua những trở ngại đó, điều quan trọng nhất mà các nghiên cứu viên trẻ rút ra được trong nghiên cứu khoa học là gì. Đây thực sự là cuộc trao đổi thẳng thắn những ý tưởng và kinh nghiệm sống động trong nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam - Nhật Bản và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa 2 nước trong tương lai.

Kết thúc Diễn đàn, TS.Trần Chí Thành –Viện trưởng Viện NLNTVN đã có lời tổng kết toàn bộ Diễn đàn trong 2 ngày vừa qua và bày tỏ hy vọng rằng Diễn đàn lần này sẽ làm tăng cường sự liên kết và hiểu biết giữa những chuyên gia nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân từ phía Việt Nam và Nhật Bản, cũng như tạo cơ hội cho các nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam có cơ hội phát triển. Cuối cùng, TS. Trần Chí Thành cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới GS. Masaki Saito và toàn thể đại biểu đã tới tham dự để Diễn đàn thành công tốt đẹp và hy vọng sẽ có sự hợp tác lâu dài, hiệu quả đối với các hoạt động hỗ trợ cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong tương lai.
Trong lời tổng kết, Ông Jun Sugimoto cũng đã đưa ra những nhận xét về các bài trình bày tại Hội thảo lần này, đặc biệt là các bài trình bày của các cán bộ nghiên cứu trẻ. Ông Jun Sugimoto cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc với sự tiếp đón nồng nhiệt cũng như sự hỗ trợ của bên phía Việt Nam đối với Hội thảo lần này. Ông cũng hy vọng sẽ tiếp tục có những cơ hội để trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân.

Cuối buổi Hội thảo, TS. Trần Chí Thành cùng GS. Masaki Saito đã trao các chứng nhận đã tham dự Hội thảo cho các nhà nghiên cứu trẻ từ Việt Nam và Nhật Bản với các báo cáo dán bảng. Trong phần trao kết quả cho Báo cáo dán bảng có 4 nghiên cứu viên trẻ Việt Nam đến từ Trung tâm Đánh giá không phá hủy và 5 nghiên cứu viên trẻ Nhật Bản đến từ Đại học Tổng hợp Tokyo và Viện Công nghệ Tokyo đã được trao phần thưởng Nghiên cứu viên trẻ có báo cáo dán bảng tốt.
Diễn đàn Nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Theo dự định, Diễn đàn lần thứ 6 sẽ tổ chức ở Đà Lạt vào giữa năm 2016./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img