Khai mạc Khóa họp Lần thứ 9 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ

Thứ năm, 03/12/2015 14:09 GMT+7
Nhân dịp 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và 15 năm ký kết Hiệp định Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam - Hoa Kỳ, từ ngày 02 - 04/12/2015, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố...

Lễ Khai mạc JCM9 được diễn ra vào ngày 02/12/2015 với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN – Trưởng đoàn Việt Nam, đồng Chủ tịch JCM9.

Về phía Hoa Kỳ có Ngài Ted Osius, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ngài Jonathan Margolis, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Khoa học, Vũ trụ và Y tế, Trưởng đoàn Hoa Kỳ, đồng Chủ tịch JCM9; Bà Geri Richmond, Phái viên về Khoa học của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tham dự khai mạc còn có đại diện các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu KH&CN, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp của Việt Nam và Hoa Kỳ.


Toàn cảnh phiên khai mạc


Mục đích của Khóa họp nhằm điểm lại tình hình thực hiện các dự án hợp tác về KH&CN giữa 2 bên, xem xét những đề xuất mới cũng như đề ra phương hướng, kế hoạch hợp tác trong thời gian sắp tới. Ngoài việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện các dự án, khóa họp còn tập trung trao đổi kinh nghiệm, cập nhật về các chính sách và định hướng KH&CN mới của cả hai bên, để từ đó tìm ra một cơ chế thích hợp nhằm thúc đẩy sâu sắc hơn nữa quá trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH&CN.


Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Phiên khai mạc


Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, 15 năm qua, các nhà khoa học của hai nước đã có nhiều thành tựu nghiên cứu chung trong lĩnh vực KH&CN, đặc biệt trong lĩnh vực Y- Dược, Nông nghiệp, Khí tượng Thủy văn, ứng phó Biến đổi khí hậu… Đây là những vấn đề nóng và rất mới đối với Việt Nam. Ngoài ra, hai bên cũng đã phối hợp trao đổi kinh nghiệm xây dựng cơ sở pháp lý về KH&CN thông qua việc xây dựng các đạo luật của Chính phủ liên quan đến KH&CN hướng tới doanh nghiệp, hướng tới thị trường, tới đây là hướng đến hệ sinh thái khởi nghiệp cho các thế hệ trẻ Việt Nam để sớm có được những doanh nghiệp khởi nghiệp có hàm lượng khoa học, hàm lượng chất xám cao hơn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Ông Jonathan Margolis, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về Khoa học, Vũ trụ và Y tế cho biết, KH&CN thực sự là yếu tố rất quan trọng đối với Hoa Kỳ để thúc đẩy thế giới ngày một tiến bộ. Tất cả các thách thức mà chúng ta nhắc tới như an ninh, việc làm... đều có thể được giải quyết thông qua KH&CN.

Ngày nay, KH&CN không còn giới hạn ở một quốc gia, không còn là chuyện của riêng ai mà là chuyện của tất cả mọi người, mọi đất nước. Những ý tưởng tốt nhất, cơ sở hạ tầng tốt nhất đều có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu. Thực tế cho thấy, các nghiên cứu được đưa vào thực tiễn, đa phần là các nghiên cứu đa phương, là sự phối hợp giữa nhiều quốc gia trên thế giới

Tại JCM9 lần này, hai bên đã thống nhất sẽ tập trung thảo luận tại 05 nhóm làm việc trên các lĩnh vực: Khoa học y tế và sức khỏe; Nông nghiệp; Trao đổi giáo dục và nghiên cứu; Khoa học bảo tồn và Môi trường; Khí tượng, Thủy văn và Cảnh báo bão.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như Sở hữu trí tuệ, Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Không gian vũ trụ và Năng lượng hạt nhân vẫn luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước. Về sở hữu trí tuệ, phía Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực, nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong thời gian tới, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực. Liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, hai Bên đang nỗ lực trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định Khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trong thời gian sớm nhất. Trong lĩnh vực Năng lượng hạt nhân, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký chính thức Hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123) vào tháng 5/2014, mở ra cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam vì lợi ích của cả hai bên.


Hai bên trao đổi đề xuất phương thức hợp tác mới…


Trong khuôn khổ của chuỗi các sự kiện lần này cũng diễn ra Hội thảo “Hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam. Việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trở nên cấp thiết để doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung vào doanh nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển.

Tại phiên họp tới, phía Việt Nam đề xuất 3 vấn đề mới về hợp tác KH&CN giữa Việt Nam-Hoa Kỳ.

Một là hợp tác về cơ sở dữ liệu cho KH&CN, bao gồm cơ sở dữ liệu về chuyên gia, các thành tựu về KH&CN của hai nước cũng như là mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu của hai nước có thể có tiềm năng hợp tác.

Hai là hợp tác trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp Việt Nam xây dựng những đạo luật liên quan trong lĩnh vực khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đầu tư mạo hiểm.

Vấn đề thứ 3, tiếp tục kéo dài Chương trình Quỹ giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ (VEF) ngay sau khi VEF kết thúc tài trợ vào năm 2018 theo phương thức mới, đó là đào tạo chuyên gia và thực tập sinh sau tiến sỹ.

Hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thực sự bắt đầu từ năm 2000, với việc hai nước ký Hiệp định hợp tác về KH&CN nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam, mở ra thời kỳ mới về hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia.

Trải qua chặng đường 15 năm, hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia đã phát triển trong hầu hết mọi lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Trong khuôn khổ Hiệp định, Bộ KH&CN Việt Nam được Chính phủ giao là đầu mối chính triển khai Hiệp định, với sự tham gia của đông đảo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đã cùng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ luân phiên chủ trì tổ chức 08 Khóa họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN để kiểm điểm tình hình và đề ra kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Kể từ năm 2005 tới nay, đã có hơn 30 nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được triển khai và đưa lại những kết quả hứa hẹn. Những dự án đó đã có tác động tốt đối với các hoạt động KH&CN của Việt Nam, có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất và đời sống; nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo cho Việt Nam, tạo ra môi trường thuận lợi để cộng đồng các nhà khoa học của hai bên trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.


Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img