Cục Năng lượng nguyên tử và ROSATOM phối hợp tổ chức Hội thảo - tọa đàm "Sự chấp thuận của công chúng về công nghệ hạt nhân: chia sẻ kinh nghiệm từ Châu Á" tại Ninh Thuận

Thứ tư, 18/11/2015 13:18 GMT+7
Trong khuôn khổ đợt Hội thảo - Trưng bày phát triển điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận từ 12-14/11/2015, Cục Năng lượng nguyên tử (NLNT) và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga ROSATOM đã phối hợp tổ chức Hội thảo - Tọa đàm “Sự chấp...


Toàn cảnh Hội thảo - Tọa đàm

Tham dự Hội thảo - Tọa đàm, về phía Việt Nam có ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, ông Nguyễn Minh Trứ - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (EVN), và hơn 40 đại biểu đến từ các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương và đại diện một số huyện, xã có địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Về phía ROSATOM có sự tham dự của ông Andrey Stankevich – đại diện ROSATOM tại Việt Nam, ông Arkady Karneev - Giám đốc Truyền thông khu vực Đông Nam Á, Chi nhánh Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga tại Châu Á - Rosatom Asia. Hội thảo cũng có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông điện hạt nhân đến từ Ấn Độ, Malaysia, Bangladesh và Indonesia.

Phát biểu khai mạc Hội thảo - Tọa đàm, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh sự cần thiết của việc đạt được sự đồng thuận của công chúng trong phát triển ngành điện hạt nhân còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam. Cục trưởng Cục NLNT cho biết, hiện nay các Hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 do EVN chủ trì xây dựng đã cơ bản hoàn thành và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên trong thời gian tới, để chuẩn bị tốt cho việc khởi công xây dựng nhà máy còn rất nhiều công việc phải tập trung thực hiện, trong đó có công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của công chúng đối với phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.


TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo – Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe trình bày và tập trung thảo luận về các thông tin được nêu ra trong tham luận của các diễn giả với các chủ đề: Vai trò của các bên liên quan trong việc phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam; Sự chấp thuận của công chúng tại các cơ sở năng lượng hạt nhân tại Ấn Độ; Kinh nghiệm của Malaysia, Bangladesh, Indonesia trong việc kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân; Phương thức tiếp cận của Rosatom trong việc xây dựng sự chấp thuận của công chúng về công nghệ hạt nhân.

Tại buổi tọa đàm, ông Srisht Pall Singh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu đến từ Hiệp hội Hạt nhân Ấn Độ, Cựu Vụ trưởng Vụ An toàn Hạt nhân, Cơ quan Pháp quy Năng lượng Hạt nhân Ấn Độ (EARB) chia sẻ rằng Ấn Độ có thể là một ví dụ tốt cho Việt Nam: Ấn độ đã vận hành thành công 21 lò phản ứng, 6 tổ máy đang được xây dựng và ít nhất 12 tổ máy đã được lên kế hoạch xây dựng và vận hành trong 20 năm tới. Theo ông, tất cả những kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu không có quá trình nâng cao sự đồng thuận của công chúng.


Các diễn giả trả lời các đại biểu, nhà báo trong và ngoài nước

Bà Hasfazilah Bt Hassan, Trưởng phòng Truyền thông, Hiệp hội hạt nhân Malaysia phát biểu tại tọa đàm: “Cần lưu ý rằng, hội thảo này được tổ chức tại Ninh Thuận, Việt Nam, nơi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại khu vực ASEAN sẽ được xây dựng. Học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam sẽ giúp chúng tôi triển khai những chiến dịch truyền thông hiệu quả hơn tại Malaysia”.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia trong và ngoài nước cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao sự ủng hộ của công chúng đối với chương trình điện hạt nhân của quốc gia.

Trong những năm qua, ROSATOM đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lượng hạt nhân. Cụ thể vào tháng 12/2012, Trung tâm Thông tin Năng lượng hạt nhân đã đi vào hoạt động tại Hà Nội và đến nay đã đón tiếp hơn 45.000 lượt khách tham quan. Tháng 2/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ và ROSATOM đã ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác hỗ trợ thông tin, truyền thông đối với các dự án chung trong lĩnh vực công nghiệp điện hạt nhân giai đoạn 2015-2020.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img