Việt Nam và Liên bang Nga: Quan hệ đối tác bền vững

Thứ hai, 10/03/2014 09:39 GMT+7
Sau ba chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống LB Nga V.V. Putin và những lần đối thoại trực tiếp của tôi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, tôi rất vui mừng được tiếp xúc trực tiếp với công chúng Việt Nam và chia sẻ một vài suy nghĩ về triển vọng...

Sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học là một yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ đối tác chiến lược của hai nước chúng ta. Đã có hơn 30 ngàn chuyên gia, hàng ngàn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học được Liên Xô/Nga đào tạo theo những chuyên ngành quan trọng nhất của Việt Nam.

Hiện nay, tại LB Nga đang có gần 5000 học viên Việt Nam theo học, trong số đó có gần 2000 là học bổng nhà nước. Trước tiên, đó là các ngành kỹ thuật (xây dựng, kiến trúc, chế tạo máy, năng lượng, giao thông), viễn thông, y và các ngành khoa học xã hội (kinh tế, luật, tiếng Nga, văn học).w

Năm nay (2013), các trường đại học Nga đã tiếp nhận một con số kỷ lục công dân Việt Nam – 661 học viên (năm ngoái là 549 học viên). Trong quan hệ của Nga với các nước, về mặt này Việt Nam đứng thứ nhất, trừ các nước thuộc cộng đồng SNG. Tôi cho rằng, xu hướng này sẽ còn được giữ vững trong những năm tới, vì hiện nay cơ sở hạ tầng của các trường đại học Nga đang được nâng cấp mạnh. Trong kế hoạch hợp tác với Việt Nam, LB Nga sẽ cấp cho Việt Nam đến năm 2015 là 700 học bổng, và đến năm 2020 là 1000 học bổng.

Để hiện thực các dự án trọng điểm, việc đào tạo các chuyên gia năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân, được đặc biệt quan tâm. Hiện nay các sinh viên chuyên ngành năng lượng hạt nhân của Việt Nam đang được đào tạo tại các trường đại học chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế của LB Nga – trường Đại học năng lượng hạt nhân MEIFI (thành phố Obninsk), Đại học Năng lượng Matxcova, Đại học Bách khoa Tomsk, Đại học Bách khoa Saint-Peterburg, Đại học Liên bang Viễn đông. Cùng với việc hai tổ máy của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên “Ninh Thuận-I” được vận hành vào năm 2023 và 2024 và việc xây dưng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ còn được phát triển sâu rộng hơn nữa.

Công dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với nhiều loại học bổng khác nhau. Ngoài các học bổng nhà nước, người học Việt Nam còn có thể thi để được nhận các học bổng của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga, những doanh nghiệp quan tâm đến việc đào tạo tài năng trẻ.

Tôi thực sự vui mừng về việc, quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học của các vùng miền ngày càng được mở rộng. Nhiều trường đại học Nga có quan hệ hợp tác với các trường đại học Việt Nam, trao đổi sinh viên, cán bộ, cùng tiến hành các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí. Quan hệ hợp tác giữa các trường đại học sẽ có tác động tốt đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và là cơ sở vững chắc cho việc giữ vững và phát triển tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta.

Một trong những hướng quan trọng nhất để phát triển mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực xã hội đó là việc đào tạo các chuyên gia ngôn ngữ tiếng Nga và tiếng Việt.

Tại trường Đại học Liên bang vùng Viễn đông nằm tại thành phố Vladivostok, ngành Việt Nam học đã được thành lập cách đây hơn 30 năm. Trong chương trình phát triển của nhà trường, việc tăng số lượng sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên Việt Nam, được đặc biệt quan tâm. Do vậy, nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác với Việt Nam. Sinh viên Việt Nam tại đây sẽ có được trình độ học vấn chất lượng cao. Năm 2012, một tổ hợp siêu hiện đại tại đảo Rusky, với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế dành cho sinh viên, đã được xây dựng. Thành phố Vladivostok đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về việc đảm bảo an toàn cho sinh viên và thuận lợi về giao thông, có đường bay thẳng với Việt Nam. Hiện nay, tại Đại học Liên bang Viễn đông đang có hơn 1000 sinh viên từ 22 nước trên thế giới theo học. Đến năm 2019 con số này sẽ lên tới 7000 sinh viên. Chúng tôi rất hy vọng trong số đó sẽ có nhiều sinh viên đến từ Việt Nam.

Trong những năm tới, LB Nga chủ trương đầu tư rất lớn vào việc hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ việc học tiếng Nga tại Việt Nam. Đơn vị đứng đầu trong việc tiến hành hoạt động này là Viện tiếng Nga mang tên A.S. Puskin. Theo đó, tiếng Nga sẽ là ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng Anh, được sử dụng rộng rãi trên internet. Nhiều trường đại học Nga rất quan tâm đến việc phát triển các chương trình học ngoại ngữ tiếng Nga, kể các chương trình đào tạo từ xa. Điều này rất có ý nghĩa với ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam. Xin được nhắc đến con số khách du lịch Nga vào Việt Nam năm 2012 tăng gấp đôi so với năm trước, và chỉ tính đến tháng 9 năm 2013 lượng khách Nga vào Việt Nam đã tăng thêm 66%, đạt con số trên 200 ngàn người.

Ở những nước như Nga và Việt Nam, tương lai của giáo dục phụ thuộc nhiều vào việc áp dụng các khóa học trực tuyến mang tính chất đại chúng. Đây là một tiềm năng đào tạo cho phép tất cả người học tiếp cận một cách tự do, kể cả miễn phí. Những khóa học của những giáo sư Nga danh tiếng mà trước đây chỉ rất ít người có điều kiện được nghe thì giờ đây đã đến với hàng trăm sinh viên, kể cả đang ở nước ngoài, không phụ thuộc vào thu nhập hoặc kinh nghiệm của họ. Theo thống kê của chúng tôi, 1/3 số người dân Nga sử dụng máy tính và internet theo cách này hoặc cách khác, để tiếp thu các kiến thức, kỹ năng, kỹ sảo trong cuộc sống. Tôi nghĩ, ở Việt Nam cũng như vậy, điều đó chứng tỏ nguyện vọng học trực tuyến ngày càng phát triển hơn và xu hướng này cũng phù hợp với tình hình chung trên thế giới. Việc thành lập các cơ sở trực tuyến riêng cũng đã được khởi động ở nước Nga. Trong đó phải kể đến uniweb.ru và eduson.tv. Sắp tới sẽ được khai mạc sân chơi quốc tế “Universarium”.

Trên cơ sở của những nền tảng và công nghệ khác nhau, chúng tôi dự định phát triển chương trình học thêm dành cho đối tượng chuẩn bị vào đại học, với mục đích chuẩn bị một cách tốt nhất cho các sinh viên Việt Nam sang Nga học đại học.

Như chúng ta đều biết, động lực mang tính chất thúc đẩy mối quan hệ Việt-Nga chính là tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Chuyến thăm Việt Nam gần nhất của tôi diễn ra cùng lúc với “Ngày văn hóa Nga tại Việt Nam”. Tôi rất vui vì được chứng kiến sự quan tâm rất thật tình của các bạn Việt Nam đối với văn hóa của chúng tôi. Tôi tin rằng, quan hệ giữa các tổ chức thanh niên của hai nước, việc trao đổi học sinh, sinh viên có một tương lai rất to lớn. Việc trao đổi đó đã chứng minh nhu cầu thực của quan hệ hợp tác. Chúng ta sẽ tiếp tục hoạt động này, kể cả việc thuyết phục chính quyền địa phương các vùng cùng tham gia vào các dự án.

Một trong những nhiệm vụ của quan hệ hợp tác của chúng ta là thành lập trường Đại học Tổng hợp Công nghệ Việt-Nga (VRTU) tại Hà Nội. Theo dự kiến, đến năm 2020 trường Đại học Công nghệ Việt-Nga sẽ căn bản hoàn thành những nhiệm vụ trọng điểm. Tại thời điểm này, nhà trường đã bắt đầu hoạt động giảng dạy. Hiện nhà trường đã tuyển sinh hơn 100 sinh viên, đã tiến hành tuyển chọn giáo viên đi thực tập, bồi dưỡng và nâng cao trình độ tại các trường đại học thành viên của LB Nga, ngoài ra, việc cử các giáo sư, giảng viên của các trường ĐH LB Nga đến Hà Nội giảng dạy các bộ môn như điều khiển học, xây dựng, quản trị cũng đã được khởi động. Việc thành lập thành công trường Đại học Công nghệ Việt-Nga sẽ nâng mối quan hệ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo lên một tầm cao chất lượng mới. Chúng ta sẽ cùng nỗ lực để thúc đẩy việc thực hiện dự án rất cần thiết và nhiều triển vọng này.

Tôi không thể không nói đến sự hợp tác rất thành công của các nhà khoa học. Ví dụ đầy thuyết phục cho việc hợp tác này là hoạt động của Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới Việt –Nga. Kết quả của những nghiên cứu cơ bản và ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong việc nghiên cứu độ bền của các thiết bị kỹ thuật quân sự ở điều kiện nhiệt đới, trong y học và môi trường được các chuyên gia trên thế giới đánh giá rất cao.

Các bạn có câu “Tre già, măng mọc”. Thành tựu của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga được đánh giá trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập vừa qua đã khẳng định chân lý của câu tục ngữ đó. Chúng tôi cho rằng, đây là một Trung tâm Nhiệt đới có hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu vô cùng độc đáo. Chúng tôi thấy rõ tiềm năng phát triển của Trung tâm trong việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu mang tính chất toàn cầu cũng như trong khu vực. Cần phải có những diễn đàn, là nơi có thể cùng tiến hành các hoạt động chung, là “nơi tụ họp” của các chương trình đa phương. Việc hợp tác của Trung tâm Nhiệt đới với các nước trong khu vực châu Á Thái bình dương, nơi mà Việt Nam được coi là một trong những nước phát triển nhanh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên tiềm năng của Trung tâm Nhiệt đới cần được khai thác triệt để và có hiệu quả. Đây là một tổ chức mở, sẵn sàng hợp tác với tất cả các đối tác có nguyện vọng. Trung tâm Nhiệt đới có thể thực hiện mọi hoạt động nghiên cứu qui mô lớn trong lĩnh vực năng lượng, y tế, giao thông, xây dựng hạ tầng cơ sở, nông nghiệp và thu hút không chỉ các trường đại học hàn lâm mà cả các doanh nghiệp của cả hai nước, như các tổng công ty “Rostechnology”, “Rosatom”, công ty liên doanh “Vietsovpetro” v.v…

Tôi tin tưởng rằng, việc hợp tác của các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp chắc chắn đều làm lợi cho mỗi bên và sẽ hỗ trợ cho nhau thực sự hiệu quả. Mô hình này khẳng định tiềm năng to lớn của việc hợp tác giữa các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi nước. Vậy thì tại sao chúng ta lại không sử dụng những lợi thế đó vì lợi ích chung của chúng ta, những tiềm năng của một nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và năng động, tiềm năng công nghệ của một nước Nga đang hiện đại hóa và trữ lượng tài nguyên thiên nhiên giàu có của hai nước chúng ta? Chúng ta cần kiên quyết đưa các ngành công nghiệp của chúng ta vào để thực hiện thành công những dự án của chúng ta. Song, để làm được việc đó chúng ta cần thành lập một cơ chế làm việc thực sự về việc hỗ trợ tài chính và quản lý dự án tại Trung tâm Nhiệt đới.

Trong 3-4 năm tới, trong hoạt động hợp tác về khoa học và kỹ thuật, chúng tôi muốn tập trung vào việc phát triển các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thông tin truyền thông, công nghệ nano và hiệu quả năng lượng. Trong tương lai, các dự án trong lĩnh vực thăm dò vũ trụ vì mục đích hòa bình, trong lĩnh vực hàng không và giao thông đường sắt, chế tạo máy, công nghiệp mỏ và y tế sẽ là những dự án đầy tiềm năng. Tất cả các kế hoạch và những sáng kiến này mong muốn được mở rộng quan hệ hợp tác không chỉ về phương diện khoa học hàn lâm, mà cả về đầu tư, công nghệ và hỗ trợ công nghiệp.

Trong 5-10 năm tới, các vấn đề hợp tác về giáo dục và khoa học giữa hai nước Việt Nam và LB Nga chắc chắn sẽ còn là vấn đề thời sự mang tính quốc tế, đó là các vấn đề về khả năng tiếp cận, tính liên tục và chất lượng giáo dục kể cả việc áp dụng các công nghệ trực tuyến hiện đại trong việc đào tạo từ xa, sự thách thức của phát triển bền vững, tính năng động của tiềm năng con người và công nghệ. Về tất cả các mặt này, quan điểm của Nga và Việt Nam đều trùng hợp và được xây dựng trên nguyên tắc cùng trách nhiệm, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, do vậy chúng ta dễ dàng tìm được tiếng nói chung và xây dựng được chiến thuật chiến lược phù hợp.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img