Đại Hội đồng IAEA lần thứ 57 Khai mạc

Thứ ba, 17/09/2013 14:54 GMT+7
Ngày 16/9/2013, Đại hội đồng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lần thứ 57 đã khai mạc tại Viên, Thủ đô nước Cộng hòa Áo. Tham dự Đại hội đồng có gần 3000 đại biểu đại diện cho các nước thành viên của IAEA.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến dẫn đầu đã tham dự Đại hội đồng IAEA lần thứ 57. Tham gia Đoàn đại biểu của Việt Nam còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Áo. Đại hội đồng IAEA lần thứ 57 có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì chúng ta đã chính thức tham gia Hội đồng thống đốc nhiệm kỳ 2013-2015 và giữ chức Chủ tịch Hội đồng thống đốc năm 2013-2014.

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng lần thứ 57, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 56 đã điểm lại các kết quả quan trọng mà IAEA đã đạt được trong năm qua từ Đại hội đồng lần thứ 56 về các lĩnh vực an toàn, an ninh, kiểm chứng và hợp tác kỹ thuật. Sau diễn văn khai mạc, Chủ tich Đại hội đồng IAEA lần thứ 56 đã giới thiệu đề cử Chủ tịch Đại hội đồng IAEA lần thứ 57 là đại diện của Cộng hòa Nam phi.

Phiên họp được bắt đầu bằng thủ tục kết nạp 2 thành viên mới là Bruney và Bahamas làm thành viên chính thức của IAEA. Thay mặt cho các nước Đông Nam Á (ASEAN), đại diện Indonesia đã phát biểu chúc mừng Bruney.

Đại hội đồng đã nghe thư chúc mừng của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Kee Moon, nhấn mạnh các đóng góp quan trọng của IAEA cũng như bản thân ngài Tổng giám đốc Amano Yukiya cho các hoạt động về bảo đảm an toàn, an ninh và kiểm chứng để bảo đảm việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình được thực hiện trên toàn thế giới, cũng như về thúc đẩy ứng dựng công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu.

Tiếp theo Tổng giám đốc IAEA Amano Yukiya đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội đồng IAEA lần thứ 57. Trong phát biểu của mình, ngài Tổng giám đốc đã tóm tắt các hoạt động của IAEA trong các lĩnh vực điện hạt nhân, an toàn và an ninh hạt nhân, ứng dụng hạt nhân, hợp tác kỹ thuật và không phổ biến hạt nhân. Đặc biệt ngài Tổng giám đốc đã nhấn mạnh vai trò của IAEA trong việc đưa các công nghệ hạt nhân được ứng dụng trong việc góp phần đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cũng như các nhiệm vụ khó khăn mà IAEA đã làm để bảo đảm việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Các điểm nhấn mạnh trong bài phát biểu của ngài Tổng giám đốc như sau:

- Hợp tác kỹ thuật dành được sự quan tâm đặc biệt của IAEA để giúp đỡ các nước đang phát triển trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân phòng chống ung thư, giải quyết các vấn đề của nông nghiệp và lương thực, và quản lý tài nguyên nước. Thông qua hợp tác kỹ thuật, 125 nước và vùng lãnh thổ đã nhận được sự trợ giúp của IAEA để phát triển khả năng ứng dụng công nghệ hạt nhân. IAEA đã hợp tác với các tổ chức khác của Liên hợp quốc như WTO, FAO trong sứ mạng thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ sáng kiến của IAEA năm 2010 mà ngân sách dành cho dự án hợp tác kỹ thuật ngày càng được tăng cường.

- Ứng dụng hạt nhân được đẩy mạnh nhờ việc đầu tư nâng cấp, phát triển 8 phòng thí nghiệm chuyên đề tại Seibersdorf trong những năm vừa qua và dự kiến đến năm 2017 các phòng thí nghiệm này sẽ được hoàn thành với sự trợ giúp về tài chính của các quốc gia thành viên của IAEA.

- Điện hạt nhân vẫn là một lĩnh vực quan trọng mà IAEA dành sự trợ giúp cho các nước mới đi vào phát triển điện hạt nhân. Theo ngài Tổng giám đốc thì đối với nhiều nước điện hạt nhân vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Dự báo gần đây nhất của IAEA đã chỉ ra sự tăng trưởng tiếp tục của điện hạt nhân ở phạm vi toàn cầu, đặc biệt là châu Á. IAEA cam kết tiếp tục trợ giúp chính phủ các nước, các nhà vận hành và cơ quan pháp quy hạt nhân trong việc hiểu biết các nghĩa vụ phải tuân thủ các cam kết quốc tế, các trách nhiệm quốc gia cũng như áp dụng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và các kinh nghiệm tốt nhất trong phát triển điện hạt nhân. IAEA sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân cũng như quản lý chất thải phóng xạ cho các quốc gia thành viên.

- An toàn hạt nhân vẫn là chủ đề quan tâm của toàn cầu sau tai nạn Fukushima. Kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân được IAEA đề xuất tại Hội nghị bộ trưởng về an toàn hạt nhân tháng 6 năm 2011 đang được tổ chức triển khai thực hiện. Các nước thành viên của IAEA đã thừa nhận rõ ràng vai trò trung tâm của IAEA trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về an toàn hạt nhân. Vấn đề rỏ rỉ nước thải phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima gần đây đang là ưu tiên cần được giải quyết. IAEA sẽ hợp tác và trợ giúp Nhật Bản trong vấn đề này. Về lâu dài để bảo đảm an toàn, theo ngài Tổng giám đốc thì cần phải xây dựng một nền văn hóa an toàn vững chắc trên phạm vi toàn cầu.

- Trong lĩnh vực an ninh hạt nhân đã ghi nhận nhiều kết quả hoạt động của IAEA trong việc hỗ trợ các nước thành viên tăng cường bảo đảm an ninh hạt nhân, đặc biệt kết quả của Hội nghị bộ trưởng về an ninh hạt nhân tháng 7 năm 2013 tại Viên. Các bộ trưởng đã khẳng định vai trò trung tâm của IAEA trong việc tăng cường khuôn khổ an ninh hạt nhân toàn cầu. Các quốc gia thành viên cần chia sẻ các hiểu biết chung về các mối đe dọa của khủng bố hạt nhân và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn chúng. Để tăng cường khuôn khổ an ninh hạt nhân toàn cầu, ngài Tổng giám đốc đã kêu gọi các nước cần sớm phê chuẩn phần sửa đổi của công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM).

- Về kiểm chứng hạt nhân, ngài Tổng giám đốc nhấn mạnh rằng tất cả các nước phải có nghĩa vụ thực thi đầy đủ các cam kết của hiệp định bảo đảm và các cam kết khác có liên quan. IAEA đã tích cực vận động để ngày càng có nhiều nước tham gia Nghị định thư bổ sung và cho đến nay đã có 121 nước tham gia. Ngài Tổng giám đốc hy vọng rằng việc tham gia Nghị định thư bổ sung sẽ trở thành vấn đề của toàn cầu và kêu gọi các nước chưa ký kết Nghị định thư bổ sung sớm thực hiện ký kết không chậm trễ. Đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (DPRK) từ năm 2009 IAEA chưa thực hiện được hoạt động kiểm chứng hạt nhân, Ngài Tổng giám đốc kêu gọi DPRK khẩn trương thực thi các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và ngay lập tức hợp tác với IAEA trong việc thực hiện Hiệp định bảo đảm và giải quyết các vấn liên quan. Đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ngài Tổng giám đốc cũng nhấn mạnh rằng Iran không cung cấp các hợp tác cần thiết cho IAEA để làm rõ sự không có các vật liệu và hoạt động hạt nhân không được khai báo, đồng thời kêu gọi Iran thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định bảo đảm và các cam kết khác có liên quan. Trên tinh thần đó, Ngài Tổng giám đốc khẳng định IAEA sẽ tiếp tục duy trì chế độ kiểm chứng hạt nhân như một đóng góp quan trọng cho hòa bình và an ninh quốc tế.

Tiếp theo, Đại hội đồng đã phê chuẩn tái bổ nhiệm Ngài Amano Yukiya giữ chức Tổng giám đốc IAEA nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo đến năm 2017. Ngài Tổng giám đốc phát biểu cảm ơn sự tín nhiệm và ủng hộ của các nước thành viên và cam kết sẽ thực hiện tốt các sứ mạng của IAEA như một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử về các hoạt động hợp tác kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và kiểm chứng hạt nhân.

Tiếp theo là phát biểu của các quốc gia thành viên IAEA tại phiên toàn thể do các trưởng đoàn đại biểu các nước thực hiện và một số hội nghị, sự kiện bên lề Đại hội đồng. Trong ngày 16 tháng 9 có ba sự kiện quan trọng là Diễn đàn INSAG về các tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực an toàn hạt nhân toàn cầu, Giới thiệu về các công ước hạt nhân và Giới thiệu về hiện trạng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, làm rõ các biện pháp để ngăn chặn việc rò rỉ nước nhiễm xạ. Ngoài ra, còn có nhiều triển lãm của các phòng, ban của IAEA và của các quốc gia, tổ chức có liên quan đến hạt nhân của quốc tế và các nước.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Đoàn Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi kinh nghiệm về triển khai dự án điện hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với Nga xây dựng 4 tổ máy điện hạt nhân loại AES-2006 và với Nhật Bản xây dựng 4 tổ máy loại ATMEA1. Tuy nhiên, phương thức hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ khác với Việt Nam. Họ cho đối tác tham gia đầu tư và cam kết mua điện của các nhà máy điện hạt nhân. Sau 15 năm hai bên sẽ chia sẻ lợi tức từ việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Đoàn Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với các công ty công nghiệp điện hạt nhân Hàn Quốc. Trên cơ sở tuyên bố chung nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc, phía Hàn Quốc kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác về điện hạt nhân với Việt Nam và sẽ giúp Việt Nam đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật thông qua dự án mà Hàn Quốc đang làm với Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE).

Đoàn Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với đại diện ngành công nghiệp hạt nhân Hoa Kỳ để trao đổi thông tin về tình hình triển khai dự án điện hạt nhân ở Việt Nam. Phía Hoa Kỳ mong muốn được tham gia hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong triển khai dự án điện hạt nhân.

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Đại hội đồng IAEA lần thứ 57 và hoạt động của Đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng IAEA lần thứ 57.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img