IAEA hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch tích hợp phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân

Thứ ba, 03/09/2013 10:39 GMT+7
Trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mã số VIE2010 về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử đã tổ chức đợt làm việc với Đoàn chuyên gia IAEA và tổ chức Hội thảo “Kế hoạch...

Chiến lược và kế hoạch quốc gia phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 7 nhiệm vụ quan trọng mà Việt Nam cần tập trung thực hiện theo khuyến cáo của Đoàn công tác IAEA đánh giá cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp (INIR) vào tháng 12/2012.

Đợt làm việc lần này có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đến từ IAEA, Pháp, Đức, Slovakia do ông Brian Richard Molloy, Giám đốc kỹ thuật Phòng Điện hạt nhân, Ban Năng lượng hạt nhân, IAEA phụ trách vấn đề đào tạo nhân lực làm trưởng đoàn. Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ KH&CN (Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ,…), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương (Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Tổng cục Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam), và các trường Đại học có chuyên ngành đào tạo về hạt nhân: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Đà Lạt và Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của IAEA thông qua một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, trong đó có vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Thông qua Hội thảo lần này, Việt Nam mong muốn học hỏi được những bài học kinh nghiệm của IAEA về vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân cùng những kiến nghị, đề xuất về giáo dục, đào tạo và kế hoạch tích hợp phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010.

Trưởng Đoàn chuyên gia, ông Brian Richard Molloy, bày tỏ sự sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng như đưa ra những nhận xét, khuyến cáo cho Dự thảo Kế hoạch tích hợp phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam.

Trong 03 ngày làm việc, đại biểu được nghe các bài trình bày của các chuyên gia IAEA về kinh nghiệm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân đối với các quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân; báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; báo cáo của các cơ quan thuộc Bộ KH&CN về hiện trạng, nhu cầu và kế hoạch đào tạo chuyên gia quản lý, pháp quy, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu và triển khai; báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về hiện trạng, nhu cầu và kế hoạch đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; và các báo cáo của các trường Đại học về kế hoạch tham gia đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Các chuyên gia IAEA và Việt Nam đã dành 01 ngày để thảo luận và đưa ra các góp ý, khuyến cáo cho việc hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch tích hợp phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu và đáp ứng yêu cầu trong các giai đoạn của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bế mạc Hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, thay mặt phía Việt Nam cảm ơn đoàn chuyên gia và các cán bộ Việt Nam đã làm việc tích cực để đưa ra các khuyến cáo, nhận xét cho việc hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch tích hợp phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân.

07 lĩnh vực trọng tâm theo khuyến cáo của Đoàn công tác đánh giá cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp tháng 12/2012 (INIR 2012):

- Văn bản pháp quy liên quan, đặc biệt là Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 cần được sớm sứa đổi và ban hành;

- Tăng cường khuôn khổ pháp quy;

- Đẩy mạnh và tích hợp các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực;

- Cải thiện các hệ thống quản lý;

- Giải quyết các vấn đề vốn và tài chính;

- Xây dựng chính sách và chiến lược quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ;

- Hoàn thiện và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân và bức xạ quốc gia.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img