Vai trò của tiêu chuẩn hóa trong phát triển thành phố thông minh

Thứ sáu, 14/10/2016 16:38 GMT+7
Thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của các yếu tố: cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phá triển kinh tế - xã hội bền vững.


Trong một vài năm trở lại đây khái niệm Thành phố thông minh (Smart City) ngày càng trở nên phổ biến, được tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng; nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo đề cập đến Thành phố thông minh diễn ra trên cả nước, một số tỉnh thành đã chủ động lập kế hoạch, đề án xây dựng Thành phố thông minh như Đà Nẵng, Bình Dương Tp. Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Vậy thế nào là một thành phố thông minh?. Câu hỏi hoàn toàn tự nhiên, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất thế nào là Thành phố thông minh, mà chỉ xác định đây là một khái niệm mở.
Thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của các yếu tố: cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nó được biểu hiện qua nền kinh tế hiện đại, hệ thống giao thông thông minh, quản lý đô thị thông minh, quản lý năng lượng hiệu quả, giảm ô nhiễm, tăng cường an ninh, chất lượng cuộc sống tốt… . cơ sở của sự thông minh là công nghệ thông tin truyền thông (ICT) giúp cho các lĩnh vực vận hành, quản lý, cung cấp dịch vụ đô thị được tiến hành một cách thông minh, tăng trưởng bền vững.
Một ví dụ dễ hiểu về thành phố thông minh như dùng cảm biến để quản lý đèn đường, qua đó giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng; hay sử dụng cảm biến để theo dõi tình hình rò rỉ, thất thoát nước sạch nhằm nâng cao hiệu quản sử dụng nguồn nước cấp cho thành phố; hoặc giám sát mức ô nhiễm trong không khí để kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo cho người dân, nhất là những người dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp kịp thời đối phó; cảnh sát cũng có thể dùng cảm biến video để theo dõi nghi phạm trong đám đông; hệ thống cảm biến có thể xác định những khu vực giao thông đang bị tắc nghẽn và gửi tín hiệu tới các bảng báo chỉ dẫn điện tử trên đường phố để người tham gia giao thông biết, chuyển hướng sang tuyến đường khác, giảm thiểu kẹt xe; áp dụng công nghệ mới xử lý rác thải, tái tạo thành phân bón hay chất độn cho sản phẩm công nghiệp; phương tiện giao thông hiện đại không phát khí thải gây ô nhiễm; sử dụng sổ y bạ điện tử, kết quả khám bệnh được liên kết, sử dụng liên thông giữa các bệnh viện trong thành phố, giảm thiểu chi phí và thời gian khám bệnh của bệnh nhân; các thủ tục hành chính công đều xử lý và giải quyết trực tuyến…



Mặc dù công nghệ thông minh, phương tiện thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống thông minh… rất quan trọng, nhưng để có thể kết nối tất cả các thành tố trên thành một hệ thống chỉnh thể, vận hành nhịp nhàng, phối hợp hiệu quả thì cần phải có tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn kỹ thuật giúp tạo ra sự kết nối giữa các bộ phận; Tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ giúp đảm bảo chất lượng, an toàn của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hệ thống khi đưa vào khai thác, vận hành kết nối với nhau; tiêu chuẩn về dữ liệu sẽ giúp đảm bảo một khuôn mẫu dữ liệu chuẩn chung, thống nhất áp dụng cho mọi mức độ, nhu cầu khai thác khác nhau, đảm bảo tính bảo mật thông tin truy cập và khai thác; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng kết nối chung. Tất cả những điều này rất có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành, cơ quan quản lý và người khai thác để có một ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, giao dịch, đánh giá, kiểm tra, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ khai thác chung.
Nếu thiếu tiêu chuẩn, thì thành phố thông minh sẽ chỉ là những mảng sáng rời rạc, không có tính liên kết, thiếu tính tổng thể và tất nhiên là sẽ không thể phát huy hiệu quả cao nhất của một đô thị hiện đại.


Trụ nạp điện cho xe ô tô điện (ảnh có tính chất minh họa)

Nhận thức được điều này, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu như ISO, IEC, ITU, CEN-CENCELEC.. đã rất tích cực nghiên cứu, triển khai dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thành phố thông minh, trong lĩnh vực tiêu chuẩn chuyên ngành của họ.
Tháng 6/2015, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã thành lập Nhóm Tham vấn Chiến lược (SAG) trực thuộc Ban Quản lý Kỹ thuật (TMB) xây dựng chiến lược, định hướng phát triển tiêu chuẩn quốc tế ISO về Smart City.
Bên cạnh đó, ISO có các ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO/TC 268, TC 59/SC17, TC 163, TC 205, TC 242, ISO/IEC JTC1/SC1 tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn ISO về thành phố thông minh. Đến nay ISO đã có các tiêu chuẩn cụ thể về thành phố thông minh như sau: ISO 37120, ISO/TR 37150, ISO 37101, ISO 37102, ISO/TR 37121, ISO 37151, ISO 37152… .Nội dung các tiêu chuẩn này tập trung vào việc định hình và phát triển bền vững cộng đồng, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng.
Trong thời gian quan, Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về thành phố thông minh, tập trung xây dựng TCVN trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU… đồng thời cử chuyên gia tham gia sâu vào hoạt động kỹ thuật vào ISO/TC 268, TC 268/SC1, thúc đẩy tuyên truyền phổ bố áp dụng tiêu chuẩn về thành phố thông minh tại Việt Nam, tăng cường liên kết với địa phương nhằm tìm hiểu mong muốn, nguyên vọng và khó khăn thực tiễn đang gặp phải, để có những đề xuất giải pháp hợp lý hỗ trợ địa phương về công tác tiêu chuẩn hóa, thúc đẩy mô hình đô thị thông minh phát triển bền vững và hội nhập./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img