Những kỳ vọng vào sự phát triển của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong tương lai

Thứ sáu, 14/10/2016 16:22 GMT+7
Kể từ khi thành lập (tháng 10/1956), Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội luôn xác định nghiên cứu khoa học (NCKH) là nền tảng, động lực của mọi hoạt động. Với triết lý “mỗi giảng viên phải là nhà khoa học”, sự phát triển trong NCKH và chuyển giao công...

Ông Phạm Gia Khiêm - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cựu sinh viên Khóa 8


Năm 1963, tôi trở thành sinh viên K8, Khoa Mỏ - Luyện kim của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với huy hiệu màu xanh đeo trên ngực. Ở thời điểm đó, trở thành sinh viên của Đại học Bách Khoa là niềm tự hào không chỉ của cá nhân, gia đình mà đó là niềm tự hào của cả dòng họ, quê hương. Suốt những năm tháng học tập tại Trường, cá nhân tôi cũng như sinh viên Bách Khoa được đào tạo bài bản cả về chuyên môn sâu lẫn ngành rộng, cả kiến thức quản lý và tư duy khoa học. Hơn thế, Bách Khoa còn mang đến cho chúng tôi tinh thần ham học hỏi, sáng tạo và luôn vươn lên trước khó khăn. Sau này, khi không tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực được đào tạo là luyện kim, nhưng “thưở ban đầu” đẹp đẽ ở Đại học Bách Khoa đã là hành trang vững vàng cho tôi trên chặng đường sự nghiệp sau này. Với vị thế là trường đại học đầu ngành lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, định hướng phát triển chung của ngành Giáo dục và Đào tạo, tôi mong muốn Trường tiếp tục phát huy truyền thống và bề dày lịch sử 60 năm trở thành một trung tâm đào tạo – nghiên cứu khoa học mang tầm khu vực và quốc tế.

Ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu sinh viên Khóa 21

Năm 1976, khi đất nước vừa hoàn toàn giải phóng, tôi trở thành sinh viên Đại học Bách Khoa. Ở Bách Khoa chúng tôi được giảng dạy bởi những thầy, cô giáo giỏi, tâm huyết, được trang bị, trau dồi những nền tảng kiến thức, chuyên môn vững chắc, phương pháp luận và tư duy khoa học một cách hệ thống để giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược và cụ thể, đặc biệt là niềm say mê và tinh thần làm việc nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu. Những điều đó là cơ sở vô cùng quan trọng giúp tôi thuận lợi hơn khi hòa mình vào đời sống thực tiễn trên con đường sự nghiệp. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với tâm thế của trường đại học hàng đầu Việt Nam, tôi tin tưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ ngày càng phát triển, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và có những công trình nghiên cứu quan trọng phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Hy vọng trong tương lai không xa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ đứng trong danh sách những trường đại học hàng đầu khu vực, từng bước có những vị thế xứng tầm trên thế giới.

GS. Viện sĩ Đặng Hữu - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Nguyên giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1958

Những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt thành, không ngại khó, ngại khổ ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trở lại nguyên vẹn trong tôi. Những năm tháng anh em cùng nhau “lăn xả” gây dựng Trường từ những viên gạch đầu tiên ở khu Đông Dương học xá ngày nào tưởng như mới đây thôi. 60 năm đi qua, 60 thế hệ cán bộ, sinh viên Bách Khoa đã trưởng thành, như những cánh chim trên khắp bầu trời Việt Nam. Sau này khi rời Trường nhận nhiệm vụ trên những cương vị công tác mới, tôi vẫn thấy Bách Khoa không ngừng trưởng thành và phát triển. Năm nay, Bách Khoa đã tròn 60 năm tuổi, chúng tôi, lớp cán bộ, giảng viên của những ngày đầu thành lập mang những kỳ vọng lớn lao vào sự phát triển của Trường trong tương lai.

Trong thời kỳ mới, với những mục tiêu, định hướng của mình, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hãy sẵn sàng đổi mới, liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thông qua những hoạt động này để tạo ra nguồn tri thức mới và phổ biến, vận dụng tri thức đó tạo nên những giá trị mới. Sẵn sàng trở thành người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới để hội nhập cùng thế giới, trở thành một trường đại học danh tiếng trong khu vực.

Ông Nguyễn Minh Hiển – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng có những đóng góp quan trọng cho ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung. Đến nay, mỗi khi nhắc đến Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến một trường đại học kỹ thuật hàng đầu đất nước, nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ uy tín. Hai tiếng “Bách Khoa” đã trở nên quen thuộc và tin cậy đối với không chỉ “người Bách Khoa” mà còn đối với cộng đồng xã hội. Đó là “món quà” vô giá mà cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường các thế hệ đã để lại cho Bách Khoa Hà Nội hôm nay.

Trong thời kỳ mới, Trường hãy phát huy bề dày truyền thống 60 năm, kiên trì bám sát mục tiêu, sứ mệnh của mình, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ đất nước, xứng tầm trong hệ thống giáo dục Việt Nam và trên bản đồ giáo dục thế giới. Đây không chỉ là mong muốn của cá nhân mà có lẽ đây còn là mong mỏi, kỳ vọng của xã hội, đất nước đối với Trường.

Ông Nguyễn Quân - Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Phó Hiệu trưởng, Nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Tôi có may mắn vừa được học tập vừa có thời gian công tác tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Suốt những năm tháng gắn bó với Bách Khoa Hà Nội và sau này trên những vị trí công tác mới, tôi luôn tự hào vì đã có một xuất phát điểm tuyệt vời, được rèn luyện trong môi trường giáo dục đậm chất công nghệ. Càng tự hào về bề dày truyền thống của Trường bao nhiêu, tôi lại càng kỳ vọng về sự phát triển của Trường trong tương lai bấy nhiêu. Nếu như những thế hệ đi trước đã để lại cho Trường những thành tích to lớn, xây dựng được niềm tin với xã hội, thì những thế hệ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học, sinh viên Bách Khoa sau này phải làm thế nào để tiếp tục phát huy và đem lại cho Trường những niềm tin mới. Trường hãy phát huy vị thế là trường đại học công nghệ đầu ngành của cả nước, không chỉ về đào tạo mà còn hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, biến những kiến thức hàn lâm thành những công trình, sản phẩm phục vụ đời sống thực tiễn, nâng tầm trong danh sách bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới.

Ông Chu Ngọc Anh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

6 thập kỷ qua, với bề dày truyền thống và những đóng góp đặc biệt quan trọng, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng trong tương lai, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nôi sẽ tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ, bắt kịp nhanh với những biến đổi to lớn của đất nước và thế giới trong thời kỳ mới. Trường đã đặt mục tiêu trở thành trường đại học đào tạo đầu ngành của đất nước về lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, đồng thời từng bước trở thành một trung tâm nghiên cứu trình độ cao, từng bước vươn tầm khu vực và quốc tế. Chúng tôi tin tưởng rằng với những tiềm lực sẵn có, Trường sẽ hoàn thành xuất sắc những mục tiêu đó.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng mong muốn, trước hết Trường tập trung, ưu tiên cao độ cho việc nghiên cứu và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, từ đó góp phần nâng cao năng lực công nghệ của đất nước thông qua việc nghiên cứu, làm chủ chìa khóa công nghệ và đưa những ứng dụng đó vào phục vụ đời sống. Đồng thời là cánh tay hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp, thông qua việc chuyển giao những công nghệ mới đã được nghiên cứu thành công đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Cựu sinh viên Khóa 24

Hiện nay, ngành điện lực nói riêng và đất nước nói chung đang hội nhập ngày càng sâu rộng, việc hình thành thị trường lao động toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến chúng ta. Việc đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng được những yêu cầu đó là yếu tố vô cùng quan trọng. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là trường đại học có truyền thống và bề dày thành tích trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng đứng trước những yêu cầu, thử thách mới. Tuy nhiên, trong cơ chế mới, nhiều trường đang “chạy” theo đào tạo đa ngành, tăng số lượng sinh viên đầu vào mà chưa chú ý đến chất lượng đào tạo. Cá nhân tôi hy vọng, trong giai đoạn mới, dù có mục tiêu, chiến lược phát triển như thế nào, Trường hãy tiếp tục phát huy truyền thống là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, vươn lên xứng tầm khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cựu sinh viên Khóa 5

Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng muốn tồn tại và phát triển, việc ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố tối quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã chủ động tìm đến các viện, trung tâm, các trường đại học để tìm kiếm sự hợp tác. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục có uy tín, hàng đầu đất nước, không chỉ cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao mà hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường cũng rất mạnh. Năm 2010, Công ty và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ký kết hợp tác phát triển toàn diện để ứng dụng những đề tài nghiên cứu vào sản xuất, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tự thân tại Công ty. Thành quả chung của quá trình hợp tác này là phòng thí nghiệm chung HUST – RADACO đã thực sự mang lại những hiệu quả rất tích cực cho cả hai bên. Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, tôi mong muốn trong thời gian tới Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ có những hợp tác tích cực hơn nữa trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hy vọng trong tương lai gần Trường sẽ là địa chỉ tin cậy cho những hợp tác toàn diện với doanh nghiệp, nâng tầm trong khu vực và trên thế giới.

Ông Huh Chang Wan – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC)

Hiện nay, tại Samsung R&D Việt Nam có khoảng 40% cán bộ là cựu sinh viên đến từ Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tất cả họ đều có kiến thức nền tảng vững vàng, thái độ làm việc nghiêm túc và cầu thị, đây là yếu tố quyết định đến chất lượng đội ngũ kỹ sư của chúng tôi. Nhiều công nghệ, sản phẩm được phát triển bởi kỹ sư Bách Khoa Hà Nội như: Dự án Bộ tổng hợp tiếng nói Tiếng Việt chất lượng cao trên Androi hay Đề tài ứng dụng sóng não và nhận dạng nhịp tim trên thiết bị di động. Đây là những sản phẩm tâm huyết và được Samsung Việt Nam quan tâm đầu tư phát triển. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều dự án hợp tác nghiên cứu phát triển hơn nữa trong lĩnh vực nền tảng di động Android, nền tảng công nghệ tiếp theo chúng tôi đang kỳ vọng được hợp tác với Trường là nền tảng Tizen. Năm 2016, nhân dịp 60 năm thành lập Trường, thay mặt SVMC, tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, mong Trường tiếp tục đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp trong công tác đào tạo và nghiên cứu.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img