Hội thảo thu hút sự tham gia của các đơn vị quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, giải mã công nghệ
Tham dự Hội thảo có các doanh nghiệp, đại diện các đơn vị quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, giải mã công nghệ. GS. Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì Hội thảo.
Đối với Việt Nam hiện nay, phát triển công nghệ nội sinh là vấn đề quan trọng để có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về KH&CN, góp phần đưa đất nước cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Một trong những giải pháp có hiệu quả là nhập khẩu công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các nước công nghiệp phát triển từng bước tiến hành làm chủ, nội địa hóa công nghệ cũng như sử dụng các chuyên gia trong và ngoài nước để chuyển giao tri thức công nghệ và xây dựng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Kinh nghiệm từ các nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc cho thấy, để có thể nhanh chóng bắt kịp được các nước phát triển khác trong khu vực và trên thế giới, hoạt động “giải mã công nghệ” là nền móng cơ bản nhất cần được chú trọng phát triển để một quốc gia chuyển nhanh từ giai đoạn mua công nghệ sang làm chủ, cải tiến công nghệ và tiếp cận ở mức cao nhất là sáng tạo ra công nghệ mới.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu giải mã và làm chủ công nghệ như Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí; Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp; Bkav Corporation; ... các chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công, thất bại của hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ cũng như đặc thù của hoạt động giải mã công nghệ. Các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm, trang thiết bị chuyên dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi và cần có sự liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN và khuyến khích từ nhà nước.
Các đại biểu thống nhất, để thực hiện hiệu quả quá trình nghiên cứu giải mã, làm chủ công nghệ, các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN cần chủ động, phối hợp để xác định nhu cầu công nghệ trong nước, tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài về Việt Nam, nâng cao năng lực KH&CN để có thể giải mã, làm chủ và tiến tới sáng tạo công nghệ. Các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, các đơn vị quản lý cần ưu tiên thực hiện hoạt động này.
Đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN đề xuất các cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để tạo thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ nghiên cứu giải mã, làm chủ công nghệ; đề xuất các hướng công nghệ, sản phẩm cần ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo và cơ điện tử; kiến nghị về đầu tư tiềm lực KH&CN, thực hiện nhiệm vụ KH&CN để hỗ trợ hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ.
Trong phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất từ các đại biểu tham dự Hội thảo, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia và các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, xây dựng chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu, giải mã, làm chủ công nghệ.