Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Theo GS.TS Lưu Quang Hiệp, đề tài hướng đến mục tiêu nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn kinh tế thể dục thể thao (TDTT) và thực trạng kinh tế TDTT ở Việt Nam. Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế TDTT Việt Nam trong cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Bằng các phương pháp nghiên cứu, tổng hợp tài liệu, khảo sát thực tiễn, điều tra xã hội học, phân tích so sánh, đề tài đã đưa ra các nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn phát triển kinh tế TDTT; phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế TDTT; kinh nghiệm phát triển kinh tế TDTT ở nước ngoài; các giải pháp phát triển kinh tế TDTT ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Theo đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, kinh tế thể thao được kỳ vọng sẽ phát triển thành một ngành với giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế TDTT nghiên cứu đưa ra là định hình, phát triển một ngành kinh tế trong tổng thể các ngành kinh tế quốc gia, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập tốt với quốc tế và khu vực.
Để phát triển kinh tế TDTT, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về kinh doanh TDTT (nghiên cứu, phát triển kinh doanh TDTT; đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh TDTT; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh TDTT); hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển hoạt động kinh doanh TDTT. Việc này gồm cả bổ sung, sửa đổi các quy định pháp lý hiện hành, cả xây dựng mới; tạo lập và phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ TDTT.
Cùng với đó, đảm bảo sự hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước cho hình thành kinh tế TDTT như là khởi tạo, tạo đà và khuyến khích các nỗ lực kinh doanh TDTT; hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý TDTT, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh doanh TDTT và hình thành, phát triển ngành kinh tế mới – công nghiệp thể thao;...
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần tạo căn cứ pháp lý, điều chỉnh chiến lược phát triển TDTT, xây dựng đề án quốc gia với lộ trình phát triển kinh doanh và thị trường TDTT; tập hợp, hình thành và tạo điều kiện phát triển một số doanh nghiệp công nghiệp thể theo làm nòng cốt cung ứng được một số hàng hóa, dịch vụ TDTT «made in Vietnam»; đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực kinh doanh và quản lý kinh doanh TDTT; hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý TDTT; tăng cường hội nhập quốc tế về TDTT;...
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đề tài đạt được, các thành viên hội đồng nghiệm thu đã có nhiều ý kiến góp ý về hình thức cũng như nội dung đề tài như: tiếp tục chỉnh sửa để có sự liên kết chặt chẽ, lôgic; chỉnh sửa về hình thức, từ ngữ, số liệu; cần làm rõ khái niệm kinh tế và kinh doanh TDTT; giải pháp đề xuất cần cụ thể, thiết thực hơn; lý do thực hiện đề tài cần trình bày thuyết phục hơn; điều chỉnh lại phạm vi, đối tượng nghiên cứu;... Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua và đánh giá đề tài xếp loại khá.