Hội thảo “Thách thức trong hoạt động xử lý dữ liệu nước một cách hiệu quả”

Thứ sáu, 22/08/2014 08:08 GMT+7
Sáng ngày 20/8/2014, tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra chương trình Hội thảo “Thách thức trong hoạt động xử lý dữ liệu nước một cách hiệu quả (bao gồm cả thách thức liên quan tới hạ tầng công nghệ thông tin)”. Đây là...

Trong sự kiện này, rất nhiều đại biểu, trong đó có các nhà khoa học cùng các giảng viên đến từ Hoa Kỳ, các quốc gia Hạ lưu sông Mê Kông và các chuyên gia quản trị mạng đến từ các quốc gia thuộc Hạ lưu sông Mê Kông đã quy tụ và cùng nhau thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề chính của buổi Hội thảo. Các chuyên gia Hoa Kỳ đại diện cho: Đại học California, San Diego (UCSD), Liên hiệp các trường Đại học vì sự tiến bộ của khoa học thủy văn và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) lần lượt trình bày các báo cáo cũng như chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm tại Hội thảo.

Tài nguyên nước đã và đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất trong thế kỷ này. Bản chất của nguồn nước đang ngày một thay đổi do sự phát triển của quá trình đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng dân số, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Nhận thức được vấn đề trên, trong nội dung của Hội thảo lần này, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng công nghệ, trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông mang lại cho vùng dân cư rộng lớn sống tại vùng hạ lưu con sông này. Do tình trạng của nguồn tài nguyên nước toàn cầu ngày càng khan hiếm, cạn kiệt nên vai trò của công nghệ, mà đặc biệt là quản lý dữ liệu lớn là rất quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hoàn toàn có thể giúp con người quản lý và sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), các hệ thống bản đồ, các mạng lưới cảm biến và điện thoại di động đang giúp cho việc thu thập những khối lượng dữ liệu khổng lồ của các thành phần của hệ thống nước trở nên hiệu quả hơn - một điều mà trước đây không thể thực hiện được.

Sau phần thuyết trình và thảo luận, Hội thảo tiếp tục được chia ra làm 2 hợp phần: Quản trị mạng và Nghiên cứu khoa học.

Các học viên tham gia học phần Kỹ thuật mạng sẽ được hướng dẫn thực hành mô phỏng Mạng cục bộ Lớp 2 vào buổi sáng. Chiều cùng ngày, họ tiếp tục được nghe chuyên gia trình bày, giới thiệu lý thuyết về Lý thuyết mạng cục bộ Lớp 3. Các chuyên gia đến từ nước ngoài với kiến thức sâu rộng, sự nhiệt tình cùng phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp, hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đã giúp học viên lĩnh hội được bài giảng một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Cũng trong buổi sáng, phiên thảo luận trong hợp phần Nghiên cứu khoa học bàn thảo về nội dung Xử lý dữ liệu trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước. Có 2 tham luận được trình bày, trong đó, chuyên gia thuộc Đại học California, San Diego (UCSD), Hoa Kỳ trình bày tham luận về nội dung: Chia sẻ dữ liệu và tài nguyên thông tin điện tử tại PRAGMA (Pacific Rim Application and Grid Middleware Assembly). Đến với buổi Hội thảo, chuyên gia về công nghệ thông tin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển học quốc gia, Hoa Kỳ trình bày thông tin, giới thiệu về EarthCube, các bộ dữ liệu và công cụ mã nguồn mở hiện hành.

Giống như phiên thảo luận buổi sáng, buổi chiều là phần tham gia thuyết trình của các chuyên gia đại diện cho: CUAHSI, UCSD, NOAA, Trung tâm đánh giá rủi ro quốc gia (NOAH), Philipin, NASA/SERVIR) và ĐH Cần Thơ cũng như phần ý kiến của các đại biểu tiếp tục tập trung tham gia vào các nội dung quan trọng của hội thảo. Các tham luận lần này tập trung nêu rõ và làm sáng tỏ ba nội dung: Công cụ chia sẻ dữ liệu nước, Tổng quan về EarthCube CINERGI và Tổng quan về Nightly Global Mosaic (VIIRS).

Cuối phiên họp toàn thể là phần thảo luận giữa các nhóm đại biểu dưới sự điều hành của các chuyên gia Hoa Kỳ đến từ các tổ chức, bao gồm: Viện Hải dương học Woods Hole/ Global Rivers, Liên hiệp các trường đại học vì sự tiến bộ của khoa học thủy văn và Mạng lưới Quan sát sinh thái học. Trong phần này, các đại biểu đại diện các nước tham gia cùng nhau chia sẻ, đóng góp ý kiến xung quanh nội dung được chia theo lĩnh vực nghiên cứu. Trong thập niên gần đây, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có nhiều bước tiến bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Chính vì thế, trong phiên thảo luận này, các đại biểu đặc biệt tập trung đi sâu, đánh giá và đưa ra một số giải pháp để góp phần thúc đẩy nhanh, bền vững hoạt động nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới (bao gồm xác định cả mối quan tâm chung và thách thức trong quá trình hợp tác). Đại diện các nước đã nêu bật kết quả và nhất trí tiếp tục đẩy mạnh quá trình hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước thuộc khu vực hạ nguồn sông Mê Kông trong các lĩnh vực quan tâm chung cũng như nhận thức được rằng mục tiêu của LMI thúc đẩy sự phát triển công bằng, bền vững và hợp tác đối với sông Mê Kông, một nguồn tài nguyên xuyên quốc gia, sẽ đặt ra thách thức lớn nhất cho thành công của Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img