Hội thảo Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Thứ tư, 30/09/2009 17:00 GMT+7
Ngày 25/9/2009, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo "Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ" do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức.

Gây thiệt hại nghiêm trọng

Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp (DN), luật sư, các Hiệp hội ngành nghề, Quản lý Thị trường… Bà Trương Thuỳ Trang, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho rằng: cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ hiện đang là vấn đề nóng và diễn ra thường xuyên, ở tất cả mọi lĩnh vực ngành nghề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của DN và gây ra sự nhầm lẫn, lừa dối đối với người tiêu dùng. Nguyên nhân của những hành vi cạnh tranh không lành mạnh là do nhận thức và hiểu biết của DN chưa đầy đủ và đúng đắn. Bên cạnh đó, có những động cơ chủ tâm, nhằm mục đích gây ra thiệt hại, làm cản trở đến thương mại bình thường của đối thủ cạnh tranh. Các điều kiện phát sinh diễn ra cạnh tranh không lành mạnh gần như luôn luôn bên cạnh nhu cầu muốn thu lợi.

Bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng phòng SHTT, Sở KH&CN TP.HCM nói, có cạnh tranh tất có người thắng, kẻ thua. Muốn thắng, nhiều người đã không gần ngại khi dùng thủ đoạn làm sai lệch thông tin về chủ thể kinh doanh, lợi dung để gây thiện hại đến uy tín của người khác, chiếm đoạt thành quả đầu tư của người khác, thậm chí lừa dối, triệt tiêu đối thủ cạnh tranh. Những hành vi vi phạm ngày càng tinh vi hơn, khiến cho người tiêu dùng không biết đâu là thật đâu là giả, thậm chí còn làm đảo lộn nhận thức của người tiêu dùng…

Để đảm bảo công bằng, tất cả doanh nghiệp phải chơi theo một luật chơi chung là Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh. Mặc dù, trong Luật đã có quy định các hành vi vi phạm nhưng, trong thực tế đã có những trường hợp, DN đề nghị xử lý vụ việc với tình huống trong Luật không quy định nên cơ quan chức năng không xử lý được. Do vậy, thông qua hội thảo này, ban tổ chức muốn lắng nghe ý kiến của DN đánh giá về tính phù hợp hoặc chưa phù hợp của Luật hoặc cần bổ sung thêm hành vi…để căn cứ vào đó, cơ quan chức năng kiến nghị lên trên sửa đổi cho phù hợp thực tế.

Xác định hành vi không dễ

Nhiều tình huống về vi phạm sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong sở hữu trí tuệ đã được đưa ra tại hội thảo. Cụ thể, trường hợp của Công ty Cổ phần Cao su Sài Gòn - Kymdan, đại diện công ty phản ánh, trên thị trường hiện nay có rất nhiều cửa hàng treo biển “ở đây có bán sản phẩm Kymdan hoặc Kyndan” nhưng sản phẩm mà cửa hàng đó bán lại không phải là của Kymdan. Đại diện công ty cho rằng, công ty đã đăng ký bảo hộ với chữ Kymdan cho tên sản phẩm và thương hiệu của công ty. Việc làm của các cửa hàng là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng đến hoạt động của Kymdan. Hiện Kymdan chưa biết áp dụng Luật nào để xác định hành vi vi phạm cho đúng mà kiện các cửa hàng.

Hay trường hợp của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát: Công ty đăng ký nhãn hiệu trà xanh Oo nhưng ngoài thị trường cũng có sản phẩm của công ty khác ghi nhãn hiệu trà xanh O2. Công ty Tân Hiệp Phát cho rằng, công ty đã đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu , việc có nhãn hiệu khác ghi O2 dễ gây cho người tiêu dùng hiểu nhầm đó là sản phẩm của Tân Hiệp Phát. Công ty cũng cần được tư vấn để kiện đối thủ...

Bà Như cho biết, những tình huống trên không chỉ xảy ra đối với Kymdan và Tân Hiệp Phát mà trong thực tế, có rất nhiều công ty gặp phải.

Bà Trang cho rằng, tính nóng hổi của cạnh tranh còn có thể là có sự nhầm lẫn, chưa minh bạch, hiểu biết chưa đúng đắn về vấn đề cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh. Nên, có người nói đó là không lành mạnh, nhưng cơ quan chức năng hoặc trong quy định của pháp luật lại cho rằng, đó không phải là không lành mạnh. Vậy, phải làm thế nào để có được những nguyên tắc cơ bản và thống nhất về xác định hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh? Bản chất chính của cạnh tranh không lành mạnh là những gì thể hiện dưới dạng nhận biết nhưng không phải dễ xác định. Ngay cả những Luật sư chuyên nghiệp cũng không dễ nhận dạng được hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì khó nhận dạng, khó kết luận lành mạnh hay không lành mạnh cho nên đã có những sự xung đột giữa người có quyền (đã được pháp luật thừa nhận) và cơ quan tiến hành xử lý (đảm bảo trật tự sự cạnh tranh)…

Vận dụng Luật

Với những tình huống trên, bà Như cho rằng, các công ty có thể vận dụng Luật SHTT và Luật Cạnh tranh để kiện. Các quy định hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh về SHTT trong 2 Luật trên đều có những điểm tương đồng. Song, khi các công ty kiện đối thủ cần phải đưa ra được các bằng chứng xác thực.

Công ty Cổ phần Cao su Sài Gòn-Kymdan có thể vận dụng Luật SHTT hoặc Luật cạnh tranh không lành mạnh để kiện các cửa hàng về hành vi lừa người tiêu dùng, hoặc sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn...

Với trường hợp của Công ty Tân Hiệp Phát, công ty có thể kiện đối thủ về hành vi gây nhầm lẫn theo Luật SHTT, hoặc chuyển sang Luật cạnh tranh không lành mạnh để kiện. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát cần đưa ra được những chứng cứ xác minh như: ai dùng nhãn sản phẩm trước hoặc ai đã đăng ký trước, nếu không vụ việc có thể quay ngược lại.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img