Hội thảo “Thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ hướng tới người thu nhập thấp” tại thành phố Cần Thơ

Thứ ba, 20/10/2015 07:03 GMT+7
Ngày 15/10/2015, Ban quản lý dự án "Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (VIIP)" đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Cần Thơ, Cục Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ và Chương trình Thúc đẩy Doanh...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Hoài Phương - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh vai trò của hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long là hết sức cần thiết. Đẩy mạnh kết nối công nghệ và tài chính sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tạo cơ hội chia sẻ thông tin và kinh nghiệm ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp, viện, trường và các cá nhân có sáng kiến đổi mới công nghệ cấp cơ sở.

Ông Triệu Quang Khánh, Điều phối dự án "Đổi mới Sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp", Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: “việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng và thương mại hóa công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các khu vực đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không chỉ mang lại nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế mang lại lợi ích cho người dân có thu nhập thấp, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn".

Cũng tại hội thảo, báo cáo khảo sát hiện trạng nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn đồng bằng Sông Cửu Long và các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong đó có Chương trình Đổi mới Công nghệ Quốc gia do Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày đã mang lại nhiều thông tin bổ ích.

Đồng thời thực trạng, thách thức và các giải pháp công nghệ phục vụ ngành chế biến nông thủy sản Việt Nam, thông tin về các loại công nghệ thích hợp cũng được bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục thông tin Khoa học Công nghệ quốc gia cung cấp đã giúp cho các doanh nghiệp có được đầy đủ thông tin về các loại công nghệ hữu ích sẵn sàng được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất chế biến nông thủy sản.

Đặc biệt tại hội thảo, sản phẩm công nghệ sản xuất bánh đa dưỡng chất của Trường Đại học Cần Thơ đã tìm được đơn vị sẵn sàng tiếp nhận và thương mại hóa kết quả nghiên cứu này.

Chương trình “Thúc đẩy kinh doanh sáng tạo” của Tổ chức Phát triển Hà Lan cũng giới thiệu nội dung và cách thức hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh sáng tạo như khảo sát thị trường, phương án kinh doanh, phương án sử dụng vốn vay, cung cấp thông tin công nghệ, tư vấn hoàn thiện công nghệ, cung cấp, giới thiệu các chuyên gia tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm và các kỹ năng kinh doanh sáng tạo để tăng cường khả năng sẵn sàng tiếp nhận các nguồn vốn tài trợ trong nước và nước ngoài. Theo chương trình này, đối tượng được hưởng lợi với 2 hình thức: Một là người thu nhập thấp sẽ được sử dụng những sản phẩm dịch vụ với chất lượng tốt, giá bán phù hợp với điều kiện thu nhập của bà con. Hai là người dân có thể tăng thu nhập từ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đó.

Dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp (VIIP)” do Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư, trị giá 55 triệu USD, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm, từ năm 2013 - 2018. Mục tiêu của dự án là nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu và phát triển trong việc tiếp nhận nâng cấp, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của nhóm người thu nhập thấp trong 3 lĩnh vực: Nông nghiệp - thủy sản, y dược học cổ truyền, công nghệ thông tin và truyền thông.

Với nguồn tài chính sẵn sàng, dự án sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển các công nghệ và các giải pháp công nghệ thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, thủy sản, dược liệu và thuốc y học cổ truyền, từ khâu tạo giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến, sản xuất cho đến lưu thông sản phẩm trên thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu. Hy vọng dự án sẽ thực sự là đòn bẩy thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ và sẽ là cầu nối hữu hiệu tăng cường sự hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img