Thảo luận hợp tác pháp quy hạt nhân giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Rostechnadzor

Thứ năm, 28/08/2014 13:09 GMT+7
Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác về pháp quy hạt nhân giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), từ ngày 18/8- 22/8/2014, Đoàn công tác của Việt Nam do Cục trưởng Cục ATBXHN dẫn đầu đã thăm và...

Mục đích của chuyến công tác là nghiên cứu, tìm hiểu về hoạt động thanh tra an toàn dự án điện hạt nhân trong các giai đoạn từ khảo sát địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, Đoàn cũng đã dành thời gian thảo luận với lãnh đạo Cơ quan pháp quy hạt nhân của Nga (Rostechnadzor) về hợp tác giữa hai cơ quan pháp quy hạt nhân trong việc quản lý an toàn Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cũng như hỗ trợ tăng cường năng lực cho Cục ATBXHN và với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM) về vấn đề bảo vệ thực thể nhà máy điện hạt nhân.

Trong ngày làm việc đầu tiên 18/8, Đoàn đã có buổi làm việc với Chủ tịch Cơ quan pháp quy hạt nhân Nga, ngài Aleshin. Phía Nga đã trình bày các thay đổi trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân trong 2 năm qua, đặc biệt về các vấn đề an toàn chung của nhà máy điện hạt nhân, yêu cầu về lựa chọn địa điểm, động đất, các yếu tố bên ngoài tác động đến an toàn của nhà máy điện hạt nhân, vấn đề cấp phép cho dự án điện hạt nhân bao gồm thiết lập hệ thống thẩm định, các yêu cầu phục vụ cho công tác thẩm định, phương pháp PSA, thiết lập hệ thống thanh tra, ứng phó sự cố, … dưới ánh sáng của các bài học được rút ra từ tại nạn Fukushima cũng như trên cơ sở Kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân của IAEA được ban hành sau tai nạn Fukushima. Phía Nga đã chuyển cho Việt Nam các văn bản liên quan để tham khảo trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản quy phạm phục vụ dự án điện hạt nhân. Buổi chiều cùng ngày, Đoàn đã được thăm Trung tâm Thông tin và Phân tích của Rostechnadzor. Đây là Trung tâm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động ứng phó sự cố của Rostechnadzor. Trung tâm là nơi lưu giữ và cập nhật thường xuyên về số liệu phóng xạ môi trường của toàn quốc, tình trạng của các nhà máy điện hạt nhân, các số liệu về an toàn liên quan của các nhà máy điện hạt nhân và số liệu về khí tượng phục vụ cho việc đánh giá phát tán phóng xạ trong các tình trạng sự cố. Trong tình trạng khẩn cấp cũng như trong triển khai thực hành diễn tập ứng phó sự cố, tại Trung tâm các tiểu ban sẽ hoạt động theo chức năng của mình và đưa ra các phương án xử lý theo các kịch bản. Trung tâm cũng là nơi lưu giữ các số liệu thống kê về tình tình tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Sau đó, Đoàn được nghe giới thiệu về hoạt động của hai đơn vị hỗ trợ kỹ thuật thuộc Rostechnadzor về công tác thẩm định an toàn (Trung tâm KH&CN về an toàn bức xạ và hạt nhân) và về thanh tra an toàn (Công ty An toàn VO). Công ty VO được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho các nước nhập khẩu công nghệ của Nga trong thẩm định và thanh tra an toàn. Ngoài ra, Rostechnadzor còn có 6 văn phòng ở các khu vực để thực hiện công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân theo các khu vực bao gồm các nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở làm về chu trình nhiên liệu hạt nhân, lò nghiên cứu và các cơ sở ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong khu vực.

Trong ngày làm việc thứ 2, Đoàn được bố trí đi thăm và làm việc với Văn phòng khu vực Sông Đông của Rostectnadzor. Đây là khu vực đang có 15 tổ máy điện hạt nhân, trong đó 9 tổ máy đang vận hành. Đặc biệt nhà máy điện hạt nhân Novovoronesh 2 đang được xây dựng với 2 tổ máy sử dụng công nghệ AES-2006, loại công nghệ mà các chuyên gia Việt Nam đã đề nghị để lựa chọn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Đoàn đã được nghe giới thiệu về các quy trình, thủ tục thanh tra tại nhà máy điện hạt nhân, các quy định về các chức danh của thanh tra (Thanh tra viên, Thanh tra viên chính và Thanh tra viên cao cấp) được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Nga; các chương trình đào tạo cho các chức danh thanh tra bao gồm đào tạo cơ bản, đào tạo bổ sung cho các chức danh; các văn bản hướng dẫn về công tác đào tạo và tổ chức kiểm tra cấp chứng nhận thanh tra. Đây là các tài liệu rất cần thiết cho Cục ATBXHN để tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo các chức danh thanh tra tại Cục ATBXHN trong thời gian tới mà Trung tâm Thông tin và Đào tạo của Cục cần phải khẩn trương triển khai mới đáp ứng được yêu cầu về nhân lực thanh tra cho Cục để quản lý an toàn dự án điện hạt nhân. Đoàn công tác đã đề nghị phía Nga cung cấp các tài liệu liên quan đến đào tạo thanh tra an toàn của Nga.

Trong ngày thứ 3 làm việc tại Nga, Đoàn được mời thăm quan công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Novovoronesh số 2 nơi sử dụng công nghệ AES-2006. Hiện có 2 tổ máy loại AES-2006 đang được xây dựng. Tổ máy đầu tiên được bắt đầu đổ móng bê tông vào tháng 10 năm 2008. Theo kế hoạch đến tháng 10 năm 2014 tổ máy số 1 sẽ được khởi động vật lý. Như vậy thời gian xây dựng tổng cộng sẽ là 6 năm theo đúng như kế hoạch đã đặt ra. Đoàn đã thăm công trường xây dựng tháp trao đổi nhiệt lớn nhất hiện nay ở Nga với độ cao 180 mét và đường kính 70 mét, do một công ty của Đức thiết kế. Đoàn cũng đã thăm khu lò phản ứng và nghe giới thiệu về các hệ thống an toàn thụ động của công nghệ AES-2006 bảo đảm lò phản ứng có thể duy trì hoạt động an toàn trong 24 giờ khi xảy ra sự cố trước khi áp dụng các giải pháp an toàn chủ động để xử lý sự cố. Đoàn cũng đã thăm tòa nhà tua bin và máy phát. Đây là các thiết bị cũng do các công ty của Nga thiết kế và chế tạo.

Buổi chiều ngày thứ 3 (20/8) Đoàn đã nghe 3 báo cáo liên quan đến công tác thanh tra tại nhà máy điện hạt nhân. Báo cáo đầu tiên về hoạt động thanh tra địa điểm và kiểm tra chất lượng thiết bị, công trình xây dựng, trong đó đã trình bày 3 loại văn bản quy phạm liên quan làm cơ sở cho công tác thanh tra là văn bản quy phạm về xây dựng và cấu trúc xây dựng, văn bản quy phạm về cháy nổ, và văn bản quy phạm về an toàn bức xạ và hạt nhân. Đối với công trình nhà máy điện hạt nhân Cơ quan chịu trách nhiệm về thanh tra toàn bộ dự án là Rostechnadzor. Để triển khai công tác thanh tra, Rostechnadzor đã ký các thỏa thuận hợp tác liên quan với các Bộ Xây dựng, Bô Y tế, Bộ Môi trường để có thể huy động các cán bộ thanh tra chuyên ngành liên quan tham gia vào đội thanh tra tại nhà máy điện hạt nhân. Rostechnadzor chịu trách nhiệm lập kế hoạch thanh tra theo kế hoạch triển khai dự án điện hạt nhân mà chủ đầu tư dự án điện hạt nhân đệ trình, đồng thời xây dựng các chương trình thanh tra cụ thể cho các đối tượng với việc chỉ định cán bộ thanh tra, thời gian thanh tra và các chủ đề thanh tra. Các chương trình thanh tra được thông báo cho chủ đầu tư biết trước. Nội dung trình bày về công tác thanh tra địa điểm và thanh tra xây dựng là rất phù hợp với nhu cầu hiện nay của Việt Nam khi mà chúng ta đang chuẩn bị triển khai các hoạt động này. Với vai trò trung tâm trong công tác thanh tra địa điểm và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Bộ KH&CN cần sớm làm việc với các Bộ, ngành liên quan để ký thỏa thuận hợp tác quản lý công tác lựa chọn địa điểm và công tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân như kinh nghiệm của Nga và các nước khác.

Bài trình bày thứ 2 trong chiều ngày 20/8 là về công tác chuẩn bị địa điểm và các giai đoạn xây dựng ban đầu của dự án điện hạt nhân bao gồm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nền móng, đổ mẻ bê tông đầu tiên và bắt đầu công tác xây dựng. Theo quy định của Nga, việc xây dựng được phân chia thành 5 giai đoạn bao gồm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nền móng, xây dựng phần kín nước của tòa nhà lò phản ứng, xây dựng phần không kín nước của tòa nhà lò phản ứng và xây dựng tòa nhà tua bin. Đối với nền móng của tòa nhà lò được đổ 3 lớp bê tông gồm 2 lớp dày 1200 mm và 1 lớp dày 600 mm. Hệ thống bảo vệ thực thể của nhà máy phải được hoàn thành trước khi nhiên liệu được vận chuyển đến địa điểm.

Bài trình bày thứ 3 trong chiều ngày 20/8 về các vấn đề liên quan đến tổ chức công tác thanh tra, trong đó đã giới thiệu lại về hệ thống tổ chức của Rostechnadzor, các văn phòng khu vực và trách nhiệm của văn phòng khu vực Sông Đông. Việc tổ chức thanh tra được phân thành 3 loại hình thanh tra: thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và thanh tra thường xuyên tại nhà máy. Hàng năm vào tháng 8 Rostechnadzor lập kế hoạch thanh tra theo kế hoạch cho năm sau và gửi thông báo cho các nhà máy điện hạt nhân cũng như cho Cơ quan kiểm sát quốc gia. Cơ quan kiểm sat quốc gia sẽ giám sát để Rostechnadzor không tổ chức quá 1 cuộc thanh tra định kỳ trong 1 năm đối với 1 cơ sở. Thanh tra đột xuất được lập theo chỉ thị của Chủ tịch Rostechnadzor hoặc theo các yêu cầu từ các yếu tố khác được quy định trong Luật sử dụng năng lượng nguyên tử. Thanh tra thường xuyên liên tục tại nhà máy điện hạt nhân để kiểm tra tình trạng của các hệ thống thiết bị của nhà máy và việc tuân thủ các quy định an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, trong nội dung về công tác tổ chức thanh tra, bài trình bày cũng đã làm rõ về các vấn đề làm cơ sở cho việc thiết lập mục tiêu thanh tra, phạm vi thanh tra và các biện pháp cưỡng chế từ kết quả thanh tra. Các nội dung về công tác tổ chức thanh tra là hữu ích cho Việt Nam trong việc chuẩn bị dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi liên quan đến công tác thanh tra.

Ngày cuối cùng làm việc tại Văn phòng khu vực Sông Đông của Rostechnadzor, Đoàn công tác được nghe giới thiệu về các kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai công tác thanh tra, các biểu mẫu của các văn bản của đoàn thanh tra đã sử dụng cho từng loại hình thanh tra, các loại báo cáo cần có của đoàn thanh tra. Hồ sơ của các đoàn thanh tra được lưu trữ trong suốt thời gian vận hành của nhà máy điện hạt nhân. Kết thúc đợt công tác tại Văn phòng khu vực Sông Đông, Đoàn đã có buổi làm việc chung với lãnh đạo của Văn phòng và các cán bộ đã tham gia trình bày các báo cáo cho Đoàn để trao đổi về đợt công tác cũng như đề xuất các kiến nghị có liên quan để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Đối với các thành viên Đoàn công tác, 3 ngày làm việc tại Văn phòng khu vực Sông Đông đã thu được nhiều kinh nghiệm có ích trong công tác chuẩn bị và tổ chức thanh tra dự án điện hạt nhân. Các kinh nghiệm nay sẽ được áp dụng trong chỉnh sửa Luật Năng lượng năng tử về công tác thanh tra. Ngoài ra, Đoàn cũng tiếp thu được các thông tin liên quan đến việc triển khai dự án điện hạt nhân sử dụng công nghệ hiện đại AES-2006 mà Việt Nam đang xem xét để lựa chọn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Ngày cuối cùng làm việc tại Liên bang Nga, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với đại diện Rosatom và cuộc họp tổng kết chuyến công tác với lãnh đạo Rostechnadzor. Với Rosatom, Đoàn đã dành thời gian trao đổi về hệ thống bảo vệ thực thể nhà máy điện hạt nhân. Theo quy định của Nga, hệ thống bảo vệ thực thể nhà máy điện hạt nhân được quy định trong các văn bản quy phạm bao gồm Luật, Nghị định, tiêu chuẩn, quy chuẩn do Rostechnadzor ban hành và các hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng của Rosatom. Hệ thống văn bản này được xây dựng dựa trên các quy định chung trong Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân năm 1979 mà Liên bang Nga đã tham gia. Qua trao đổi với Rosatom, Đoàn được biết là hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 không hề có đề cập đến vấn đề xây dựng hệ thống bảo vệ thực thể của nhà máy vì đây là lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật quốc gia và các nước phải tự thực hiện trên cơ sở các quy định có liên quan của quốc gia. Đối với Việt Nam chúng ta chưa có các quy định và hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để làm cơ sở cho chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân thiết kế và xây dựng hệ thống bảo vệ thực thể cho nhà máy điện hạt nhân. Đây là nội dung rất quan trọng của nhà máy và thường được làm đông thời với quá trình triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nếu không xây dựng xong hệ thống bảo vệ thực thể nhà máy điện hạt nhân thì không được phép vận chuyên nhiên liệu đến địa điểm nhà máy. Vì vậy, Bộ KH&CN và Bộ Công an cần sớm phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm và hướng dẫn liên quan để làm cơ sở cho EVN thiết kế và xây dựng hệ thống bảo vệ thực thể đồng thời với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đối với một số nước thì chủ đầu tư đưa nhiệm vụ này vào trong nội dung xây dựng nhà máy điện hạt nhân để đặt hàng với tổng thầu thực hiện luôn. Phía Rosatom mong muốn có sự hợp tác về vấn đề này với Việt Nam, bao gồm cung cấp các văn bản quy phạm liên quan của Nga, tổ chức đào tạo cán bộ cho các cơ quan liên quan của Việt Nam về bảo vệ thực thể tại Trung tâm đào tạo của Rosatom ở Obninsk và phối hợp tổ chức seminar về vấn đề này. Phía Rosatom mong muốn nhận được yêu cầu chính thức từ phía Việt Nam về vấn đề này.

Tổng kết chuyến công tác tại Nga, Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Rostechnadzor và các cán bộ có liên quan của Rostechnadzor. Đoàn Việt Nam đã cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác tạo điều kiện cho chuyến công tác thu được kết quả tốt đẹp và nhấn mạnh lại các yêu cầu của phía Việt Nam để phía Nga xem xét:
- Đề nghị các đối tác của Nga khẳng định rõ quy trình, thủ tục và thời gian cần thiết để thay đổi thiết kế chống động đất của công nghệ lò AES-2006 đáp ứng yêu cầu của địa điểm xây dựng tại Việt Nam nếu như yêu cầu động đất của địa điểm cao hơn so với thiết kế chuẩn mà Nga hiện đang sử dụng và thời gian cần thiết để Rostechnadzor có thể phê chuẩn cho phép sử dụng thiết kế mới này. Phía Nga ghi nhận và sẽ có trả lời trong thời gian sớm nhất.
- Đề nghị về các nội dung hợp tác cụ thể giữa Rostechnadzor và Cục ATBXHN trong việc thực hiện công tác cấp phép, thẩm định và thanh tra dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trên cơ sở kinh nghiệm của Nga đã làm với các nước khác như Iran, Belarus. Phía Rostechnadzor sẽ chuyển cho Cục ATBXHN các nội dung hợp tác cụ thể mà Rostechnadzor đã làm với các đối tác trên để Cục ATBXHN nghiên cứu và có đề xuất cụ thể.
- Đề nghị hợp tác về an ninh hạt nhân, cụ thể là bảo vệ thực thể nhà máy điện hạt nhân, bao gồm xây dựng văn bản quy phạm và hướng dẫn về bảo vệ thực thể, đào tạo cán bộ và phối hợp tổ chức hội thảo.
- Tổ chức hội thảo về thẩm định an toàn phục vụ cấp phép dự án điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò AES-2006 trong tháng 9 năm 2014 tại Việt Nam.
- Đào tạo cán bộ về thẩm định an toàn và thanh tra an toàn, trong đó có việc đào tạo qua công việc tại một dự án điện hạt nhân cụ thể.

Chuyến công tác của Đoàn cán bộ của Bộ KH&CN tại Liên bang Nga đã được kết thúc tốt đẹp và thu được nhiều kết quả có ích về lĩnh vực thanh tra an toàn dự án điện hạt nhân cũng như các nội dung hợp tác khác mà Đoàn đã trao đổi và thống nhất với các đối tác của Liên bang Nga. Đoàn công tác đã góp phần duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img