Khóa học bao gồm 10 cán bộ dự kiến được cử đi đào tạo thạc sỹ về Năng lượng nguyên tử tại Nga và một số cán bộ trẻ mới tuyển vào các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN như: Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân, Viện công nghệ xạ hiếm, Viện nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm NDE.
Học viên tham dự bài giảng về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận
Tham gia giảng dạy khóa học là các chuyên gia, giảng viên chính có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử. Khóa học được chia thành 3 module học phần. Trong học phần 1, các học viên được các giảng viên truyền đạt những kiến thức cơ bản về nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt có sự tham gia giảng dạy của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN với 2 bài giảng về Phân tích sự cố Fukushima và Công nghệ lò phản ứng nước áp lực loại AP-1000 của Mỹ. Ngoài ra, khóa học có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên thuộc Trung tâm An toàn hạt nhân - Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đứng đầu là TS. Lê Văn Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN. Phần 2 của khóa học là các kiến thức về chu trình nhiên liệu hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ do TS. Nguyễn Bá Tiến, Giám đốc Trung tâm xử lý chất thải phóng xạ và môi trường - Viện Công nghệ xạ hiếm giảng dạy. Trong phần 3 các học viên được nghe các kiến thức về an toàn bức xạ do TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN - Giám đốc Trung tâm đào tạo trình bày.
Tham dự khóa học, các học viên phải trải qua các bài kiểm tra đầu vào và đầu ra cho mỗi phần học, qua đó làm căn cứ để giảng viên điều chỉnh nội dung giảng dạy cho phù hợp với mức độ hiểu biết chung nhất của học viên. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên đều giành thời gian để trao đổi thảo luận các vấn đề đã học và giải đáp những thắc mắc của học viên. Kết thúc khoá học, các học viên làm các tiểu luận và trình bày báo cáo, đây là cơ sở để đánh giá kết quả học tập của mỗi học viên.
Khóa học đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và được đánh giá là rất bổ ích, giúp các học viên có cơ hội trao đổi, trau dồi kiến thức, qua đó cũng là tiền đề cho học viên tham dự các chương trình học có tính chuyên môn sâu rộng hơn.