Toàn cảnh hội nghịNgày 10/9/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1677/TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị, hành chính ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh” (gọi tắt là Đề án 1677). Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống khung chương trình, giáo trình thống nhất, bảo đảm tính khoa học, hệ thống, hiện đại, thiết thực đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ lý luận chính trị, hành chính ở hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Đề án được triển khai ở Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, 4 Học viện Chính trị - Hành chính khu vực: Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I, II, II, IV và 2 Học viện chuyên ngành: Học viện Hành chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tổng kinh phí thực hiện là 51,155 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hơn 22 tỷ đồng, nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục đào tạo hơn 29,1 tỷ đồng.
Báo cáo về kết quả triển khai Đề án, Chánh Văn phòng Đề án 1677 Phan Xuân Sơn cho biết, sau khi Đề án 1677 được phê duyệt, Giám đốc Học viện đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 1677 và Văn phòng Đề án. Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện, Đề án 1677 đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Cụ thể, đã xây dựng 68 chương trình và chùm chương trình gồm 01 đề cương chi tiết giáo trình, luận chứng mở mã ngành cử nhân chính trị học chuyên ngành tổ chức, kiểm tra; 01 giáo trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 01 đề cương chi tiết giáo trình, luận chứng mở mã ngành cử nhân chính trị học chuyên ngành tổ chức, kiểm tra; 24 giáo trình các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ; 20 đề cương chi tiết giáo trình đào tạo trình độ tiến sĩ; 21 giáo trình bồi dưỡng chức danh (có 02 chương trình dự nguồn: cao cấp và dự nguồn cán bộ chủ chốt cấp tỉnh).
Cũng theo ông Phan Xuân Sơn, để triển khai tốt việc biên soạn các chương trình giáo trình của Đề án, Ban Chỉ đạo, Văn phòng Đề án đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm việc xây dựng chương trình giáo trình của nhiều cơ sở đào tạo lớn trong và ngoài nước; khảo sát nhu cầu thực tế của các địa phương, đơn vị và người học; nghiên cứu kỹ những quy định, quy chế của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo;… Các sản phẩm chương trình giáo trình của Đề án đều trải qua 3 công đoạn (khung, đề cương chi tiết, giáo trình), tất cả gồm chín bước: nghiệm thu, thẩm định, phê duyệt; đảm bảo tính cơ bản, tính hệ thống, tính liên thông, tính nâng cao (theo bậc học), tính hiện đại và tính cập nhật. Đã hạn chế tối đa sự trùng lặp trong từng chương trình và trong toàn bộ các chương trình, chỉ cho phép trùng lặp không quá 15% tri thức giữa các bậc đào tạo. Những vấn đề mới nhất về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; những biến đổi quan trọng của tình hình thế giới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao, an ninh, quốc phòng; những thành tựu mới về KH&CN, đặc biệt là khoa học xã hội,… đều được cập nhật trong nội dung các chương trình. Ngoài lưu trữ tài liệu, các chương trình giáo trình thuộc Đề án đã được số hóa các trên trang thông tin điện tử của Học viện (tại địa chỉ www.hcma.vn).
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại hội nghị
Mặc dù còn có những hạn chế nhất định nhưng các hạng mục đều đã triển khai đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, nhiều hạng mục được đưa vào sử dụng ngay và được dư luận đánh giá cao. Sau khi các chương trình được Giám đốc Học viện phê duyệt, Đề án đã tổ chức các đợt tập huấn để giới thiệu những nội dung mới của các chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp, lấy ý kiến của giảng viên về những ưu điểm, hạn chế của chương trình để hoàn thiện trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý về các vấn đề như thuận lợi, khó khăn của quá trình thực hiện Đề án; việc kết hợp giữa các lực lượng trong và ngoài Học viện để thực hiện Đề án; những kết quả chính và những vấn đề mới của Đề án; điều kiện quản lý, sử dụng, phát huy các sản phẩm của Đề án nói chung, đặc biệt là làm thế nào để đưa các giáo trình vào giảng dạy và học tập đạt kết quả tốt;…
Các đại biểu xem một số sản phẩm của Đề án 1677 trưng bày tại hội nghịThay mặt Ban Giám đốc Học viện, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn đã cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương (Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&CN,…) đã quan tâm đến sự phát triển của Học viện, đồng thời khẳng định, Học viện sẽ tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị để hoàn thiện bản Báo cáo tổng kết, sớm trình Thủ tướng trong thời gian tới.