Đây là lần thứ 3 sự kiện Analytica được tổ chức tại Việt Nam nhằm giới thiệu các công nghệ, thiết bị và kết quả nghiên cứu của các viện, trường đại học, công ty, tập đoàn của các nước tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực thí nghiệm, phân tích, chẩn đoán, công nghệ sinh học.
Tham dự buổi họp báo có: TS Tạ Bá Hưng, Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng, nguyên Cục Trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia; ông Nikolaus Wollmann, Phó Giám điều hành IMAG; Ths. Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia; TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững (CETASD), cùng 50 phóng viên, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương tại Tp. HCM.
Trong phát biểu về vai trò của Analytica Vietnam với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, TS Tạ Bá Hưng cho biết mặc dù kinh tế thế giới còn ảm đạm, Việt Nam vẫn tập trung tăng cường nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng các sản phẩm trọng điểm quốc gia để xuất khẩu. Tuy nhiên muốn đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp phải nhận thức được các thiết bị phân tích, thí nghiệm thật sự cần thiết để kiểm tra giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới, chất lượng của công tác phân tích, chẩn đoán có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cũng như đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, giám định chất lượng, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, công tác phân tích phục vụ chăm sóc sức khỏe con người. Hiện nay, hầu hết những công nghệ và thiết bị thí nghiệm phục vụ phân tích, chẩn đoán, nghiên cứu công nghệ sinh học có độ chính xác và tin cậy cao đều chưa sản xuất được ở trong nước. Đa số các thiết bị này đều phải nhập khẩu. Việc tổ chức Analytica Vietnam thường kỳ 2 năm/lần là hoạt động rất có ý nghĩa và cần thiết để các tổ chức Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ phân tích, kiểm định, chẩn đoán có điều kiện tiếp xúc và tìm hiểu thông tin về những công nghệ và thiết bị hiện đại tiên tiến của thế giới.
Tại buổi họp báo, ông Nikolaus Wollmann, Phó Giám điều hành IMAG đã giới thiệu kết quả chuẩn bị của Analytica Vietnam 2013. Sự kiện lần này đã thu hút 114 đơn vị tham gia đến từ 10 nước: Đức, Pháp, Nhật, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Thụy sĩ. Các lĩnh vực chủ yếu được giới thiệu là: Công nghệ phân tích; Đo lường và kiểm tra/quản lý chất lượng; Công nghệ phòng thí nghiệm; Khoa học sự sống và công nghệ sinh học; Y học và chẩn đoán bệnh. Song song với triển lãm là Hội thảo Analytica Vietnam bàn về các vấn đề liên quan tới phân tích thực phẩm, công nghệ môi trường và dược phẩm cùng những phương pháp phân tích mới nhất của châu Âu.
Tại sự kiện này, các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Văn phòng công nhận chất lượng và Trung tâm Kỹ thuật, Tiêu chuẩn – Đo lường- Chất lượng 3) phối hợp tổ chức Hội thảo “ Giao dịch công nghệ và các hoạt động hỗ trợ liên quan” với mục đích chủ yếu là giới thiệu thông tin Khoa học và Công nghệ phục vụ nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh cùng các hoạt động công nhận chất lượng phòng thí nghiệm và hoạt động thử nghiệm, kiểm tra giám định và chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế.
Với sự có mặt của các tập đoàn và công ty hàng đầu về lĩnh vực phân tích, thí nghiệm, công nghệ sinh học và khoa học sự sống của các nước phát triển cho thấy Analytica Vietnam đã trở thành Diễn đàn về giao dịch, giới thiệu, trưng bày các thiết bị hiện đại, công nghệ mới nhất của các nước trên thế giới tại Việt Nam. Sự kiện này thực sự là cơ hội tốt, giúp cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy các công nghệ, thiết bị và đối tác hợp tác trong sự lựa chọn tối ưu nhất.