Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia nhiệm kỳ 5 tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất

Thứ sáu, 23/11/2012 10:44 GMT+7
Ngày 22/11/2012, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất, nhiệm kỳ 5 (2012 – 2016). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ...


Ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia nhiệm kỳ 2012 – 2016
báo cáo tại phiên họp

Theo báo cáo của ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia nhiệm kỳ 2012 – 2016, Hội đồng nhiệm kỳ 4 đã hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao như nghiên cứu, thảo luận đóng góp ý kiến vào các văn bản dự thảo luật, chiến lược, nghị định, quyết định của Thủ tướng. Đồng thời đã chủ động tổ chức, tham gia các cuộc tọa đàm, hội thảo, tham vấn với các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước, với các doanh nhân và tiến hành 5 đợt khảo sát thực tế tại 15 tỉnh thành nhằm tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động KH&CN và tác động của các cơ chế chính sách tới phát triển kinh tế xã hội.

Trong nhiệm kỳ 2012 – 2016, Hội đồng sẽ tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho các đề án bổ sung, sửa đổi một số luật trong lĩnh vực KH&CN như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử,… Đồng thời, góp ý cho các Đề án thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, của Bộ KH&CN như xây dựng quy hoạch hệ thống các tổ chức KH&CN; đổi mới mô hình và phương thức hoạt động của các tổ chức KH&CN; chính sách sử dụng nhân lực KH&CN và trọng dụng người tài; chính sách phát triển thị trường công nghệ; đổi mới chính sách đầu tư, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN; đường lối và chính sách hội nhập quốc tế về KH&CN. Đây là những nội dung quan trọng được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) và Dự thảo Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN” đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Hội đồng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN và các Bộ, ngành khác tập trung nghiên cứu, tư vấn với Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến 4 nội dung: Đánh giá tác động của hệ thống cơ chế chính sách đối với hoạt động KH&CN; chính sách “bắt chước công nghệ” với mục tiêu nhanh chóng làm chủ công nghệ hiện chưa có, chưa thể mua hoặc không thể mua được nhằm sản xuất ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, tính cạnh tranh lớn; chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH&CN – lực lượng sản xuất mới đi đầu trong việc kết hợp ý tưởng công nghệ với ý tưởng kinh doanh, nhanh chóng đưa chúng thành hiện thực; chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao, giúp đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn đủ năng lực đón nhận dòng dịch chuyển công nghệ từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên họp, Hội đồng ngày càng khẳng định được vai trò và năng lực trong việc đưa ra ý kiến tư vấn với Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Các ủy viên, chuyên gia cao cấp của Hội đồng cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thành tựu của đất nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua gắn liền với những thành tựu KH&CN, trong đó có những đóng góp quan trọng của cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý và điều kiện để KH&CN phát triển. Đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Hội đồng trong việc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, đưa KH&CN vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết Trung ương 6 đã khẳng định rất rõ KH&CN cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sự cạnh tranh,… không có cách nào khác là phải phát triển KH&CN, coi đó là động lực quan trọng nhất. Nghị quyết Trung ương 6 đã xác định việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN là khâu đột phá, trong đó tập trung đổi mới công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế hoạt động tự chủ của tổ chức KH&CN.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các thành viên Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia
chụp ảnh lưu niệm

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý bám sát mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển KH&CN của đất nước và các nhiệm vụ, giải pháp vừa được Hội nghị Trung ương 6 thông qua; cùng nhau thảo luận, hoạch định, đề ra các giải pháp thiết thực, nhằm đưa KH&CN ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Cụ thể, trong năm 2013, tập trung đánh giá cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp KH&CN để bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển mạnh mẽ lực lượng này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Hội đồng nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, đãi ngộ các nhà khoa học, từ lựa chọn đề tài đến đề xuất cơ chế, đặc biệt là đặt hàng nghiên cứu liên quan đến các vấn đề cấp thiết của xã hội. Đồng thời đề xuất cơ chế cụ thể cho nhóm sản phẩm trọng điểm quốc gia, cơ chế khoán trong thực hiện đề tài KH&CN,…

Tại phiên họp, Thủ tướng đã giải đáp những băn khoăn của các nhà khoa học về các vấn đề đang là rào cản của KH&CN hiện nay như cơ chế tài chính, cơ chế chính sách trọng dụng và thu hút nguồn nhân lực,... Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tư vấn, đề xuất kịp thời từ Hội đồng nhằm đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KH&CN để KH&CN sớm trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực then chốt cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img