Khoa học phải từ sản xuất mà ra

Thứ hai, 27/05/2013 07:57 GMT+7
Cách đây tròn 50 năm, ngày 18/5/1963 tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất...

Đã 50 năm trôi qua, những lời dạy của Bác vẫn mang tầm vóc tư duy lớn và ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn vô cùng sâu sắc và thấm thía. Trong câu nói ngắn gọn, dễ hiểu và súc tích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nguyên lý, phương châm và sứ mệnh cao cả của KH&CN.

Giới khoa học Việt Nam đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho đất nước trong suốt 50 năm qua. Tuy còn có nhiều ý kiến về những yếu kém trong lĩnh vực KH&CN nhưng chúng ta có thể khách quan nhận định rằng, thành tựu KH&CN quan trọng nhất cho đến nay là Việt Nam vẫn duy trì được đội ngũ nhân lực KH&CN khá đông đảo về số lượng, đa dạng về lĩnh vực, trong đó có những cá nhân, tập thể chuyên gia tầm khu vực và quốc tế ở một số ngành KH&CN quan trọng. Nếu chúng ta có chính sách và biện pháp thu hút, trọng dụng đúng đắn thì đội ngũ KH&CN hiện nay có thể bảo đảm tạo được bước tiến mang tính đột phá, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng hàng đầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc.

Giới khoa học nói riêng và cử tri cả nước nói chung rất vui mừng và kỳ vọng rằng trong hơn một năm qua, một số chủ trương, chính sách lớn phát triển KH&CN đã được bổ sung, hoàn thiện; mở ra những cơ hội đóng góp tài năng, tâm huyết vì sự nghiệp chấn hưng đất nước. Đó là Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành (ngày 11/4/2012); Nghị quyết Trung ương số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 01/11/2012) và dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) dự kiến xem xét, thông qua trong Kỳ họp thứ 5, QH Khóa XIII (tháng 5 – 6/2013).

Lần đầu tiên, phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu được khẳng định trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) năm 1996 và tiếp theo đó là trong Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Kỳ họp thứ 10, QH Khóa X.

Quốc sách hàng đầu là gì? Chính sách mang tầm quốc gia thì có nhiều, hầu như mỗi lĩnh vực đều có một hệ thống các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai nhằm thực hiện được mục tiêu quốc gia về lĩnh vực đó. Nhưng quốc sách hàng đầu thì chỉ có 2 lĩnh vực là Giáo dục - Đào tạo và Khoa học - Công nghệ. Có thể hiểu quốc sách hàng đầu là nhiệm vụ chiến lược quốc gia có tầm quan trọng bậc nhất, quyết định sự thành bại của toàn bộ hệ thống chính sách phát triển bền vững của một quốc gia. Khi đã xác định một lĩnh vực nhất định là quốc sách hàng đầu thì phải có những biện pháp triển khai thực hiện xứng tầm với quốc sách hàng đầu.

Trước hết, về lãnh đạo và chỉ đạo. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những quốc gia đã thành công trong quá trình hiện đại hóa và trở thành nước công nghiệp mới thì người đứng đầu trực tiếp phụ trách và Nhà nước áp dụng những cơ chế ưu tiên đặc biệt để phát triển KH&CN. Ví dụ như Hàn Quốc từ những năm 70 của thế kỷ trước. Một ví dụ khác, trong đại cách mạng văn hóa vô sản (1966 - 1976) của Trung Quốc nhiều nhà khoa học hạt nhân, công nghệ vũ trụ hàng đầu vẫn được hưởng chế độ đặc biệt và không bị cuốn vào phong trào cải tạo, vô sản hóa trí thức. Rõ ràng là vai trò lãnh đạo mang ý nghĩa quyết định. Trong Nghị quyết TW20 đã nhận định một trong những nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực KH&CN là “chưa bố trí cán bộ lãnh đạo có đủ thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo công tác KH&CN”.

Thứ hai, về chính sách đầu tư, cơ chế tài chính. Nghị quyết TW20 đã xác định chủ trương đầu tư cho KH&CN “là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”; “ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN”. Từ năm 2001, hằng năm Nhà nước dành 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN. Xét về tỷ lệ phần trăm thì đây là mức khá cao so với một số nước. Tuy nhiên, giá trị tuyệt đối của nguồn tài chính này là nhỏ. Mặt khác, nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN, nhất là từ doanh nghiệp còn rất hạn chế. Vì thế nhiều người cho rằng ở nước ta chủ yếu là hoạt động KH&CN “quốc doanh”. Tại hầu hết các nước phát triển, tỷ lệ đầu tư công/đầu tư xã hội cho KH&CN là 1:4, 1:5. Trong khi đó, ở nước ta tỷ lệ này gần như ngược lại, 3:1, 4:1. Tức là nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước chỉ chiếm 25-30% tổng chi cho KH&CN. Nghị quyết TW20 và Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 đề ra mục tiêu chi KH&CN đạt 1,5% GDP trở lên vào năm 2015 và 2% GDP trở lên vào năm 2020. Hiện nay tổng chi cho KH&CN mới chỉ đạt dưới 1%, không đáp ứng yêu cầu. Nguồn kinh phí hạn hẹp lại phải chia ra quá nhiều mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ nên khó tránh khỏi dàn trải, nửa vời. Cũng vì nguồn lực tài chính thiếu mà chúng ta chưa có được những chương trình KH&CN quy mô lớn, dài hạn.

Thực trạng hiện nay là cơ chế tài chính còn mang nặng tính hành chính; các định mức, thủ tục thanh toán, quyết toán đề tài không phù hợp với thực tế cũng như với đặc thù của hoạt động KH&CN. Quy trình phân bổ, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đã dẫn đến việc nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng sai mục đích kinh phí đầu tư phát triển KH&CN là khá phổ biến.

Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi (sau đây gọi là Dự thảo Luật) quy định áp dụng một số cơ chế tài chính mang tính đột phá mà đã được khẳng định về chủ trương trong Nghị quyết 20 của Trung ương và được tuyệt đại đa số các nhà khoa học đồng tình, ủng hộ. Cơ chế tài chính được đổi mới ngay từ khâu lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. Trong đó, vai trò tổng hợp, đề xuất do Bộ KH&CN chịu trách nhiệm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ vào đó để cân đối nguồn lực, lập dự toán trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dự thảo Luật cũng quy định áp dụng cơ chế khoán chi, cơ chế đặt hàng, áp dụng cơ chế cấp kinh phí thông qua quỹ phát triển KH&CN nhà nước hoặc gửi vào tài khoản của cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN tại Kho bạc Nhà nước. Đồng thời quy định những điều kiện, yêu cầu cụ thể và giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn nhằm bảo đảm cơ chế tài chính mới được triển khai kịp thời, đúng mục đích; đồng thời tránh việc áp dụng tùy tiện, tràn lan gây thất thoát nguồn tài chính công.

Thứ ba, về cơ chế tổ chức, hoạt động KH&CN. Trong thời gian dài, dư luận xã hội cho rằng, cùng với những bất cập trong cơ chế tài chính, thì cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN cũng đã làm giảm đáng kể hiệu quả đầu tư cho KH&CN. Những bất cập trong cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN thể hiện từ khâu xác định nhiệm vụ KH&CN đến khâu tuyển chọn, giao nhiệm vụ. Đó là nhiệm vụ KH&CN chưa bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhiều yêu cầu thiết yếu của quốc gia, ngành và địa phương; chưa hướng đến sản phẩm cuối cùng có thể thương mại hóa, ứng dụng; chưa gắn kết giữa nghiên cứu, triển khai, ứng dụng để tạo thành chuỗi sản phẩm KH&CN, tạo được hiệu quả tổng hợp, lan tỏa góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong Dự thảo Luật đã thể hiện khá chi tiết, cụ thể những đổi mới căn bản cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN nhằm xác định đúng nhiệm vụ, tuyển chọn và giao đúng tổ chức, cá nhân có năng lực để thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Từ đó sẽ khắc phục được những tồn tại như đầu tư dàn trải, nửa vời, sai mục đích dẫn tới thiếu hiệu quả. Đồng thời tập trung đầu tư cho một số nhiệm vụ KH&CN có quy mô, tầm vóc ngày càng lớn và có tính đột phá, tạo động lực làm thay đổi năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và của cả nền kinh tế.

Thứ tư, về phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài KH&CN. Trong một thế giới toàn cầu hóa phát triển mau lẹ với những cơ hội và thách thức đan xen thì cuộc giành giật nhân tài KH&CN đang diễn ra gay gắt. Có được lực lượng nhân tài xuất sắc là điều kiện quyết định nắm được lợi thế trong cạnh tranh, phát triển nền kinh tế tri thức, khẳng định vị trí quốc tế. Đúng là “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hiện nay, nước ta có một số lượng khá lớn các cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo trong và ngoài nước với ngành nghề đa dạng thuộc nhiều thế hệ. Trong một số lĩnh vực như y dược, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học cơ bản chúng ta có những nhóm, tập thể KH&CN khá mạnh đạt tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nhân lực KH&CN nói chung còn tản mạn, chưa được tập hợp để thực hiện nhiệm vụ KH&CN lớn quốc gia. Nhiều người sau khi được đào tạo rất cơ bản thì hoặc tìm cơ hội ở lại nước ngoài lâu dài, hoặc chuyển sang nghề khác. Đây là sự lãng phí, tổn thất rất lớn.

Có ba yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực KH&CN, đó là đãi ngộ về thu nhập, môi trường hoạt động sáng tạo và sự tôn vinh. Ở nước ta, cả ba yếu tố này đều còn rất nhiều bất cập. Người làm khoa học chủ yếu hưởng lương hành chính mà thường là quá thấp, chưa có thu nhập từ kết quả hoạt động KH&CN. Điều kiện, môi trường và văn hóa làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo. Do nhiều lý do, nhà khoa học chưa được tôn trọng, phai nhạt dần lòng đam mê nghiên cứu, mất dần sự tự tin và hoài bão cống hiến.

Nhân lực KH&CN có vai trò quyết định trong việc thực hiện quốc sách hàng đầu. Trên tinh thần đó, Nghị quyết Trung ương 20 đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp phát triển nguồn nhân lực KH&CN; trọng dụng đặc biệt đối với những cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ chủ trì nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia và cán bộ trẻ tài năng. Các nội dung này đã được thể chế trong Dự thảo Luật.

Thứ năm, về công tác phổ biến, truyền thông KH&CN. Ngày 18/5 là ngày có ý nghĩa lịch sử đối với ngành KH&CN nước nhà. Ngày này cũng được Bộ KH&CN đề xuất trong Dự thảo Luật là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đã được sự đồng thuận của đa số các vị Đại biểu Quốc hội. Nhân dịp này cũng như về lâu dài cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí quốc sách hàng đầu của KH&CN; phổ biến chính sách, pháp luật về KH&CN; nhân rộng điển hình ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong sản xuất và đời sống; động viên khích lệ giới khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ; tạo sự đồng thuận của toàn dân cả hệ thống chính trị ủng hộ, tham gia hoạt động KH&CN, tôn vinh những người làm KH&CN. Đồng thời, qua công tác truyền thông để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả hoạt động sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học để thực hiện những nhiệm vụ trọng đại, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức vì mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc.

TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img