Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN có đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng đại diện các Vụ, Viện thuộc Bộ. Về phía UBND tỉnh Hòa Bình có đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình cho biết, trong những năm qua, hoạt động KH&CN của địa phương đã bám vào chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thông qua số liệu tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, các sản phẩm chủ lực.
Theo đó, KH&CN đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo tồn và phục tráng các loại cây con là đặc sản của vùng. Các loại cây đó là cây ngô nếp đặc sản của Mai Châu đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống bản địa; nghiên cứu chọn giống có năng suất cao, nhân giống, xây dựng vườn giống cây ghép cho một số loài cây lâm nghiệp bản địa lấy quả. Bên cạnh đó, KH&CN cũng đã nghiên cứu phát triển một số giống bưởi đặc sản chất lượng cao; khảo nghiệm, chọn lọc một số giống lúa thuần ngắn ngày như MĐ1, MĐ25 do nông dân xã Mớ Đá, huyện Kim Bôi chọn tạo ra dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học, hiện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận giống MĐ1 là giống cây trồng nông nghiệp mới và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Trong công tác sở hữu trí tuệ, tỉnh Hòa Bình cũng đã đạt được một số kết quả ấn tượng như đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho rượu cần Hòa Bình, Mía tím Hòa Bình, đang thực hiện việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam Cao Phong, dệt thổ cẩm Mai Châu,…
Cũng trong những năm qua, hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất được tiến hành tích cực. Các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển cho KH&CN, nguồn kinh phí thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã và đang được triển khai đều phát huy hiệu quả tốt. Điển hình như dự án ứng dụng công nghệ về sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại huyện Cao Phong đã kết thúc và đi vào sản xuất; dự án ứng dụng công nghệ mặt trời để cấp điện cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn tại huyện Tân Lạc; dự án nấm ăn theo quy mô công nghiệp; dự án nuôi lợn siêu nạc,…
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng thì hoạt động KH&CN của tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng cao. Tập quán canh tác lạc hậu làm cản trở việc đưa cán tiến bộ kỹ thuật mới vào cuộc sống; công tác quản lý hoạt động KH&CN chưa kịp thời đáp ứng được thực tế, còn thiếu sự kết hợp giữa 4 nhà. Khó khăn thêm nữa là các ngành, các cấp còn chưa quan tâm đúng mức đến KH&CN,..
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nhiều năm trở lại đây, bà con của tỉnh Hòa Bình cơ bản đã tự chủ được lương thực vì nhiều giống cây, con có chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Có được điều này là nhờ sự đóng góp lớn của KH&CN. Ông Hoàng Việt Cường mong rằng trong thời gian tới các cấp, ban ngành quan tâm hơn nữa đến KH&CN để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng vốn có của địa phương cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, Hòa Bình là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng lãnh đạo của địa phương đã quan tâm và đầu tư đến các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là giai đoạn rất quan trọng của hoạt động KH&CN, khi chúng ta đang trên giai đoạn hoàn thiện nhiều văn bản pháp lý cho hoạt động này. Bộ trưởng kỳ vọng trong thời gian tới, Luật KH&CN sửa đổi được thông qua sẽ giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc trong hoạt động KH&CN của nhiều cơ quan, ban ngành và các địa phương trong đó có những vướng mắc mà tỉnh Hòa Bình đang quan tâm. Bộ KH&CN sẽ luôn quan tâm, sát cánh cùng tỉnh Hòa Bình trong sự phát triển KH&CN.
Buổi làm việc đã nhận được nhiều ý đóng góp của các đại biểu của Bộ KH&CN cũng như các sở, ban ngành tỉnh Hòa Bình nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển KH&CN của địa phương trong thời gian tới.
Trước đó, đoàn công tác Bộ KH&CN đã đi thăm quan một số mô hình có tiềm năng phát triển của tỉnh như mô hình nuôi cá Bỗng; cam Cao Phong và doanh nghiệp sản xuất phân vi sinh Cao Phong, huyện Cao Phong.