Khai mạc Hội thảo Việt Nam - IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân

Thứ ba, 11/11/2014 16:26 GMT+7
Sáng ngày 10/11/2014, Hội thảo Việt Nam - IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đã được khai mạc tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là hoạt động chính trong chương trình làm việc của Đoàn công tác thứ 3 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử...

Theo kế hoạch hợp tác năm 2014 giữa Bộ KH&CN và IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, IAEA đã cử Đoàn công tác đến làm việc tại Hà Nội từ ngày 10 đến 14/11/2014. Mục đích của Đoàn công tác là đánh giá các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân mà Việt Nam đã triển khai theo các khuyến cáo của Đoàn Công tác INIR năm 2012, xác định các lĩnh vực cần tập trung trong thời gian tới cho phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam lập kế hoạch các hoạt động tiếp theo (bao gồm cả những hoạt động hợp tác với IAEA). Đoàn công tác do ông Park Jong Kyun, Giám đốc Phòng Điện hạt nhân thuộc Vụ Năng lượng hạt nhân của IAEA làm Trưởng đoàn gồm 06 chuyên gia IAEA thuộc các Vụ Năng lượng hạt nhân, Pháp chế và các chuyên gia Anh và Tây Ban Nha do IAEA mời.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo và đợt làm việc của Đoàn công tác IAEA có các đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Nội vụ, Quốc phòng, và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của IAEA cũng như từ cộng đồng quốc tế đối với chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh “Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan điều phối, chủ trì về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân sẽ cố gắng thúc đẩy các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo các khuyến cáo của IAEA để đáp ứng các yêu cầu triển khai Dự án Điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam an toàn, an ninh và hiệu quả. Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử ở Việt Nam”.

Một phiên làm việc tại Hội thảo

Trong bài phát biểu của mình, ông Park Jong Kyun, Trưởng đoàn công tác của IAEA, cam kết IAEA sẽ tiếp tục chia sẻ và đưa ra các kinh nghiệm để đảm bảo Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân an ninh và an toàn.

Công tác phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam đã được tiến hành từ rất sớm và đã đạt được nhiều tiến bộ, điều này đã được IAEA đánh giá qua 02 Đoàn công tác đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân: Đoàn công tác INIR lần thứ nhất (tháng 12/2009) và Đoàn INIR lần thứ hai (tháng 12/2012).

Theo hướng dẫn của IAEA, cơ sở hạ tầng điện hạt nhân bao gồm 19 nội dung chủ yếu thể hiện tất cả các hoạt động và công tác chuẩn bị về mọi mặt từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa điểm, công trình phụ trợ, văn bản quy phạm pháp luật đến các nguồn lực kinh tế và con người nhằm phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Đối với quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân đầu tiên như Việt Nam, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng phải trải qua 3 giai đoạn được đánh dấu bằng 3 cột mốc tương ứng. Các giai đoạn và cột mốc tương ứng như sau: Giai đoạn 1 – Chuẩn bị để đưa ra quyết định khởi động chương trình điện hạt nhân, được đánh dấu bằng Cột mốc số 1 – Sẵn sàng đưa ra quyết định chủ trương triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên; Giai đoạn 2 – Chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, được đánh dấu bằng Cột mốc số 2 – Sẵn sàng mời thầu dự án đầu tiên; Giai đoạn 3 – Xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, được đánh dấu bằng Cột mốc số 3 – Sẵn sàng đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Tháng 12/2009, Đoàn Công tác IAEA INIR lần thứ nhất về đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân đã sang Việt Nam làm việc và theo kết luận của Đoàn Công tác, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành Cột mốc số 1 trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam và bắt đầu triển khai các hoạt động của Pha 2.

Đoàn công tác INIR lần thứ 2, từ ngày 4-14/12/2012, đã kết luận rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển CSHT ĐHN kể từ Đoàn công tác INIR năm 2009, tuy nhiên Việt Nam cần phải triển khai một khối lượng công việc đáng kể để đạt được Cột mốc số 2. Đoàn công tác INIR lần thứ 2 đã xác định 7 vấn đề trọng tâm, đưa ra 42 khuyến cáo và 14 đề xuất để giúp Việt Nam giải quyết các điểm còn thiếu sót, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia. Tháng 3/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã gửi Báo cáo cho Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận về kết quả làm việc của Đoàn Công tác kèm theo Báo cáo INIR 2, đồng thời, Bộ KH&CN cũng gửi Báo cáo này cho các bộ, ngành có liên quan.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu các khuyến cáo của Đoàn công tác INIR năm 2012, rà soát tình hình và kết quả triển khai các nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, từ đó, hoàn thiện báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đến năm 2020.

Để chuẩn bị Hội thảo lần này, Tổ Công tác liên ngành về đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân do Bộ KH&CN thành lập vào tháng 5/2012 đã cập nhật và hoàn thiện Báo cáo tự đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tính đến năm 2014 và xây dựng Báo cáo đánh giá việc thực hiện các khuyến cáo của Đoàn công tác INIR 2012 và gửi cho IAEA trong tháng 9/2014.

Trong thời gian từ 10-14/11/2014, Đoàn công tác IAEA và các chuyên gia đại diện cho Bộ, ngành, địa phương liên quan của Việt Nam sẽ làm việc, thảo luận, trao đổi cụ thể liên quan đến các vấn đề kỹ thuật như: Khuôn khổ pháp lý, an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ, nguồn nhân lực, lập kế hoạch ứng phó sự cố, chu trình nhiên liệu hạt nhân, chất thải phóng xạ, lưới điện…. để từ đó xây dựng Báo cáo đánh giá tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam trong giai đoạn 2013-2014 và đề xuất kế hoạch hành động cho giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img