Hội nghị Phát triển thị trường công nghệ năm 2014

Thứ sáu, 14/11/2014 15:12 GMT+7
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển thị trường công nghệ và hỗ trợ hình thành, phát triển các định chế trung gian, ngày 13/11/2014, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN- Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN- Ủy ban...


Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất; Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Trần Xuân Đích; Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Đức Nghiệm; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN cùng đại diện các doanh nghiệp…

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết: thị trường KH&CN ở nước ta hiện đang trong giai đoạn mới hình thành và phát triển nên vai trò của các tổ chức trung gian như các sàn giao dịch công nghệ là rất quan trọng. Sàn giao dịch công nghệ thực hiện vai trò, vị trí làm đầu mối thu hút, tập hợp các nguồn lực KH&CN trong nước và quốc tế đồng thời là trung tâm của đổi mới và sáng tạo, là chỗ dựa kỹ thuật tin cậy và uy tín của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tiến trình đổi mới công nghệ, tiếp nhận áp dụng công nghệ. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 8 sàn giao dịch công nghệ đang hoạt động. Hầu hết các sàn giao dịch công nghệ này đang hoạt động với tư cách là một đơn vị sự nghiệp KH&CN thuộc Sở KH&CN, được đảm bảo kinh phí ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên. Đa số các sàn được phát triển từ các trung tâm thông tin công nghệ với kinh nghiệm hoạt động techmart. Có sàn được thành lập trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp dịch vụ chuyển giao công nghệ tư nhân để trở thành đơn vị độc lập trực thuộc Sở KH&CN.

Các sàn có xu hướng triển khai theo cả phương thức sàn thực và phương thức sàn ảo. Các sàn thực hiện đang chủ yếu tập trung vào trưng bày, giới thiệu các thiết bị công nghệ, sản phẩm công nghệ của cả các công ty trong nước và ngoài nước. Sàn ảo chủ yếu giới thiệu các thiết bị công nghệ qua mạng trực tuyến. Hoạt động giao dịch công nghệ là tài sản trí tuệ qua các sàn như các quy trình, giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ còn hạn chế.

Kết quả hoạt động các Sàn giao dịch công nghệ năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy công tác tư vấn, kết nối cung cầu, môi giới chuyển giao công nghệ tại các sàn giao dịch công nghệ tiếp tục được duy trì và triển khai.

Bên cạnh những thuận lợi của các sàn giao dịch, ông Phạm Đức Nghiệm cũng chia sẻ về những khó khăn của các sàn giao dịch công nghệ như: Chưa thực sự hình thành “thị trường công nghệ” tại các địa phương, do đó số lượng giao dịch còn hạn chế (chủ yếu chào bán), tốc độ phát triển còn chậm và thị trường công nghệ còn nhỏ bé; cơ chế quản lý điều hành và vận hành của đa số các sàn giao dịch công nghệ chưa thực sự thống nhất và chuẩn hóa; đội ngũ cán bộ tham gia quản lý vận hành các sàn giao dịch công nghệ còn nhiều hạn chế. Đội ngũ thực hiện tư vấn, môi giới và chuyển giao công nghệ chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn chưa cao…

Vì vậy, để phát triển mạnh mẽ các sàn giao dịch công nghệ cần có cơ chế cho các doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN giao dịch, đặt hàng công nghệ - thiết bị theo dạng đề tài, dự án KH&CN; có cơ chế cho các doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN khi có đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ; có quy định khung về cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính cho hoạt động của sàn giao dịch công nghệ và được áp dụng thống nhất trong cả nước; có những quy định khung về chia sẻ và bảo mật thông tin về công nghệ và chuyển giao công nghệ; có cơ chế liên kết mạng lưới, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức trung gian môi giới công nghệ, sàn giao dịch công nghệ trên toàn quốc; xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ vận hành các sàn giao dịch công nghệ, đáp ứng nhu cầu chuyên môn cao về thương mại, kỹ thuật, pháp lý; có sự kết nối, liên kết giữa với các sàn giao dịch công nghệ trong nước, để tạo thành một hệ thống trên toàn quốc. Đồng thời, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về sàn giao dịch công nghệ trong và ngoài nước; cần hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ, xem đây là một bộ phận không thể tách rời của các sàn giao dịch công nghệ - thiết bị; hình thành các kênh chuyển giao như: thu hút chuyên gia, chợ công nghệ thiết bị, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, hợp tác KH&CN.


Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội Nghị, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đánh giá cao việc Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN- Bộ KH&CN tổ chức các sàn giao dịch thường niên để các đơn vị, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể hợp tác, tìm kiếm và chuyển giao công nghệ phù hợp. Đồng chí khẳng định, tỉnh Phú Thọ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh và phát triển các sàn giao dịch công nghệ trên địa bàn của tỉnh, bởi thị trường KH&CN Việt Nam chỉ có thể phát triển khi có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới hay cải tiến quy trình tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ, ngược lại, các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế phải tạo ra được công nghệ đáp ứng nhu cầu và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp thì mới có khả năng thương mai hóa. Khi đó công nghệ mới trở thành hàng hóa.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cảm ơn lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc tổ chức Hội nghị phát triển thị trường công nghệ năm 2014. Thứ trưởng biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã và đang tập trung xây dựng các vản bản pháp luật làm cơ sở, hành lang pháp lý để phát triển thị trường KH&CN ở nước ta. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động, thí điểm triển khai một số dự nhằm phát hiện các nguồn cung cấp công nghệ cho thị trường công nghệ, xây dựng và kết nối các đơn vị có nhu cầu về công nghệ thông qua các tổ chức sàn giao dịch công nghệ. Trên cơ sở đó, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học có hoạt động nghiên cứu công nghệ đã bắt đầu chú ý đến việc xây dựng các văn phòng sở hữu trí tuệ, tổ chức chuyển giao công nghệ; nhiều bộ, ngành địa phương, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KH&CN cũng đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu các mô hình, phương thức tổ chức của thị trường khoa học, công nghệ…

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu còn được giới thiệu về một số văn bản pháp luật liên quan đến chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng các kết quả nghiên cứu thuộc ngân sách nhà nước; quy định điều kiện thành lập, hoạt động của các tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN; giới thiệu một số sáng chế đã thương mại hóa thành công năm 2013 – 2014.


Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img