Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc ứng dụng Công nghệ CAS để bảo quản và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản

Thứ ba, 23/09/2014 07:32 GMT+7
Ngày 18/9/2014, tại Bắc Giang, đoàn công tác Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do ông Lê Tất Khương, Viện trưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc ứng dụng công nghệ CAS để bảo...

Tham dự buổi làm việc, về phía UBND tỉnh Bắc Giang có ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cùng đại diện các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, thực phẩm tỉnh Bắc Giang.

Tại buổi làm việc, ông Lê Tất Khương đã báo cáo kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ CAS phục vụ xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn sang thị trường Nhật Bản. Theo đó, Viện Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý vải bằng công nghệ CAS. Tháng 7 vừa qua, Viện đã ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản và xuất khẩu thử nghiệm thành công 10 tấn quả vải thiều Lục Ngạn sang thị trường Nhật Bản. Kết quả kiểm tra chất lượng vải thiều tại Nhật Bản của đoàn cán bộ Bộ KH&CN do Thứ trưởng Trần Việt Thanh dẫn đầu cho thấy việc thử nghiệm xuất khẩu đã thành công và sản phẩm quả vải thiều CAS nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Nhật Bản: “màu sắc bên ngoài, độ căng của lớp vỏ, mùi vị và kết cấu đều rất ấn tượng, ăn ngon hơn vải Malaysia, chúng ta có thể thấy trước rằng việc mở cửa thị trường Nhật Bản cho vải thiều Việt Nam sẽ thành công (trích thư của ông Yoshida- Tổng Giám đốc ABI gửi Viện ngày 07/8/2014).


Ông Lê Tất Khương báo cáo về việc ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản và xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Ngoài việc khẳng định khả năng ứng dụng công nghệ CAS để bảo quản và xuất khẩu quả vải thiều sang Nhật Bản là rất lớn và sẽ đạt được hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực cho việc khai thác triệt để giá trị của mặt hàng vải thiều đầy tiềm năng của Bắc Giang, ông Lê Tất Khương cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm để xuất khẩu thành công vải thiều sang Nhật Bản như: Bắc Giang cần xây dựng được vùng nguyên liệu vải thiều hàng hóa, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; chương trình ứng dụng công nghệ CAS để xuất khẩu vải thiều cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của nhà nước để Chính phủ Nhật Bản cho phép mở cửa thị trường với vải thiều Việt Nam.


Toàn cảnh buổi làm việc

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao kết quả ứng dụng công nghệ CAS đối với quả vải thiều và sự hợp tác của Bộ KH&CN, đại diện là Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng trong việc tìm ra giải pháp công nghệ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. Đồng thời, thay mặt cho lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, ông Bùi Văn Hạnh đã giao cho Sở KH&CN, UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng xây dựng vùng nguyên liệu vải thiều đáp ứng tiêp chuẩn Global GAP, phục vụ xuất khẩu cho thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật… và kêu gọi hai doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thực phẩm hàng đầu của tỉnh là GOC và Hợp tác xã Bình Minh tham gia chương trình ứng dụng công nghệ CAS, bảo quản và xuất khẩu quả vải sang Nhật. Ngoài ra, ông Hạnh cũng đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ dự án nói trên thông qua các chương trình do Bộ quản lý.
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img