Hội thảo có sự tham gia của Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Giovani Napolitano, chuyên gia cao cấp thuộc WIPO; cùng đại diện các cơ quan xây dựng, thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, các chuyên gia sở hữu trí tuệ Nhật Bản, Hoa Kỳ và các luật sư, đại diện của các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.
Hội thảo là kết quả của sự hợp tác giữa WIPO với Bộ KH&CN nói chung và Thanh tra Bộ KH&CN nói riêng. Hội thảo mở ra cơ hội hợp tác mới giữa WIPO, các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những hỗ trợ đào tạo của WIPO để nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong đời sống kinh tế- xã hội, đồng thời nêu những thành tựu và khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ và chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhất là trong xu hướng toàn cầu hiện nay, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp.
Theo ông Giovanni Napolinato- chuyên gia cao cấp thuộc WIPO, để xử lý hành vi phản cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Và mục tiêu cuối cùng cần hướng tới, ông Giovanni chia sẻ, chính là phải bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm tốt và không bị lừa dối.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các chuyên gia quốc tế về sở hữu trí tuệ đến từ Lào, Cam-pu-chia, Nhật Bản và Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm về xác định và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như hành vi hạn chế cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền về sở hữu trí tuệ tại mỗi quốc gia.
Hội thảo tạo điều kiện cho Việt Nam và các nước trong khu vực có thể cân nhắc tới khả năng áp dụng các biện pháp và chính sách thực thi quyền sở hữu trí tuệ và xử lý hành vi phản cạnh tranh sao cho hiệu quả, có tính đến các điều kiện đặc thù về kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của từng quốc gia.
Nguồn: Thanh tra Bộ