Khoa học và công nghệ góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu vải thiều Bắc Giang

Thứ ba, 08/06/2021 23:25 GMT+7

Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước là các thị trường xuất khẩu chủ đạo của quả vải Bắc Giang. Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự tại điểm cầu Bắc Giang.

Cụ thể, 1 điểm cầu ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; 4 điểm cầu của tỉnh Quảng Tây, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; 2 điểm cầu của Nhật Bản; 1 điểm cầu tại Australia và 1 điểm cầu tại Singapore.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang còn có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông. Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Dương Văn Thái, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; các doanh nghiệp thu mua vải thiều ở trong và ngoài tỉnh.
 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chứng kiến Lễ công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản.

Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản cho đại diện Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017, theo đó Chính phủ hai nước đã khẳng định sẵn sàng tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào Nhật Bản thông qua hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong đó có sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang.  

Sau gần 02 năm, với chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN, sự nỗ lực của Lãnh đạo và các đơn vị chức năng của Cục SHTT, và sự phối hợp của các cơ quan của tỉnh Bắc Giang, ngày 12/3/2021 vải thiều Lục Ngạn đã được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với số đăng ký là 107. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên trong số 3 chỉ dẫn địa lý được Bộ KH&CN hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Hiện 02 chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Mê Thuột đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của MAFF.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53 nghìn tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với cách làm năng động, sáng tạo, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều. Có thể khẳng định, vụ này vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước...

Cũng theo báo cáo, cho đến thời điểm hiện tại, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã luôn đồng hành phối hợp với tỉnh Bắc Giang kiên trì thực hiện việcnghiên cứu,ứng dụng đồng bộ cácgiải pháp khoa học và công nghệ vào sản xuất như kỹ thuật canh tác, chăm sóc; thu hoạch, sơ chế, áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội.

Thảo luận tại các điểm cầu, các đại biểu tập trung về các vấn đề như: Tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều thông quan; đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử; tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước. Thương mại điện tử đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phương thức này càng trở nên tiện ích, ưu thế vượt trội khi dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu.Việc Bắc Giang đã chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình hiện nay.

Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Hội nghị trực tuyến từ tỉnh Bắc Giang đến các điểm cầu trong nước và quốc tế là minh chứng cho sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang; thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư; sự quan tâm giúp đỡ, đồng hành của các tỉnh, thành phố bạn; sự phối hợp chặt chẽ, rất trách nhiệm của các bạn Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Singapore; sự đồng hành của doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, với quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, hướng tới mùa vụ vải thiều thắng lợi.

Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm cao, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các vị đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương tin tưởng năm 2021 tiếp tục là năm thành công của người dân trồng vải thiều, của doanh nghiệp, thương nhân tham gia tiêu thụ vải thiều.
 

Các đại biểu nhấn nút khai trương gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
 

Các đại biểu cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế

 

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img