Phiên Rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam tại WTO: Hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam được đánh giá cao

Thứ hai, 10/05/2021 09:26 GMT+7

Rà soát chính sách thương mại của các nước thành viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo sự minh bạch trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ trong khuôn khổ WTO. Theo quy định, Việt Nam phải thực hiện rà soát chính sách thương mại theo chu kỳ 7 năm/lần. Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2019 được diễn ra trực tuyến vào ngày 27 và 29/4/2021 tại Hà Nội, Việt Nam. Trong Phiên rà soát lần này, sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề được nhiều nước thành viên WTO quan tâm.

Tham dự Phiên rà soát, về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và cơ quan liên quan, trong đó có đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác cùng các cán bộ phái đoàn tham dự từ đầu cầu Geneva, Thụy Sỹ. 

Về phía WTO, phiên họp do bà Athaliah Lesiba Molokomme, Đại sứ Botswana, Trưởng Bộ phận rà soát chính sách thương mại của TWO chủ trì với sự tham gia của thảo luận viên, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Hà Lan tại WTO Monique Van Daalen, đại diện Ban Thư ký WTO và các thành viên WTO quan tâm tới Phiên rà soát của Việt Nam.



Toàn cảnh Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ hai của Việt Nam (nguồn ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN)

 

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trước phiên họp trực tuyến này, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 53 câu hỏi bằng văn bản liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp từ 17 thành viên WTO, trong đó Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh là những thành viên có số câu hỏi nhiều nhất. Những câu hỏi này tập trung vào các thay đổi trong chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn 2013-2019. Tất cả các câu hỏi này đã được Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và trả lời bằng văn bản.

Tại Phiên rà soát, sở hữu trí tuệ tiếp tục là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu. Trong bài phát biểu khai mạc, bà Athaliah Lesiba Molokomme đã hoan nghênh sự phát triển của Việt Nam nói chung, đồng thời liệt kê một số vấn đề được các thành viên ưu tiên trong đó có sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, trong số gần 50 bài phát biểu, bình luận và nêu câu hỏi của các thành viên WTO về chính sách thương mại của Việt Nam, đã có nhiều bài phát biểu nhắc đến sở hữu trí tuệ với nội dung chính là bày tỏ hoan nghênh về những thay đổi tích cực trong chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, nhất là việc ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, một số thành viên cũng còn quan ngại về vấn đề bảo vệ quyền, nhất là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số tại Việt Nam. 

Chủ trì phần trả lời của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ghi nhận và cung cấp thêm thông tin để các thành viên WTO thấy được sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc tuân thủ cam kết với WTO và các cam kết đa phương, song phương khác, cũng như những nỗ lực mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện nhằm cải thiện công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

Các tài liệu trong Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam, trong đó có Báo cáo của Ban thư ký WTO và Báo cáo quốc gia của Việt Nam được đăng tải tại: Trade Policy Review: Viet Nam.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img