Hội nghị sơ kết Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất khung chương trình giai đoạn 2021 – 2025

Thứ ba, 04/05/2021 11:16 GMT+7

Sáng ngày 26/4/2021, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức sơ kết Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất khung chương trình giai đoạn 2021 – 2025, Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đầy Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và đại diện Văn phòng Nông thôn mới các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và đề xuất khung chương trình giai đoạn 2021 – 2025.
 

Với mục tiêu hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị Quyết Trung ương 7 khóa X, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Để triển khai Chương trình có hiệu quả, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới (Chương trình) và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành có liên quan tổ chức thực hiện. Chương trình thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ phát huy vai trò của KH&CN làm đòn bẩy góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các báo cáo và ý kiến phát biểu của các đại biểu tại Hội nghị đã đánh giá cao các kết quả triển khai của Chương trình. Sau 10 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Trong đó, khoa học và công nghệ được xác định là động lực và nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình; góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Chương trình đã củng cố lại cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới từ góc nhìn khoa học trên 7 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; góp phần quan trọng vào sự kiện tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (2010-2020); nhận diện những yếu tố bền vững, những vấn đề lớn cần giải quyết trong giai đoạn tiếp theo (2021-2030).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã đánh cao kết quả đã đạt được của Chương trình trong thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình đã tập trung giải quyết các vấn đề lớn, phục vụ trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế đó là: trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp; thị trường KHCN chưa thực sự tạo sự gắn kết chặt chẽ, có hiệu quả giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh nông sản; chưa tạo được bước “đột phá” để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, ngành hàng nông sản trên thị trường quốc tế. Định hướng cho chương trình KHCN trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng cần có sự “đổi mới” thực sự trong các hoạt động KH&CN, đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh niềm tin” là nền tảng của giá trị, là chuẩn mực của xã hội, do đó Chương trình cần tập trung xây dựng vào tạo được niềm tin vững chắc cho người nông dân đối với Đảng, các cấp chính quyền trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img