Gây mê lâm sàng là hình thức gây mê phổ biến ở tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, gây mê lâm sàng không định lượng chính xác được độ đau của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Trong khi đó, gây mê cân bằng với việc ứng dụng các chỉ số đánh giá độ đau SPI và qNOX, có thể phản ánh được khả năng đáp ứng với kích thích độc hại của người bệnh trong quá trình gây mê. Đây cũng là biện pháp xác định được độ đau của bệnh nhân, từ đó đưa ra giải pháp can thiệp kịp thời bằng cách bổ sung thuốc giảm đau đúng thời điểm, giúp giảm tác dụng phụ, giảm tình trạng đau cho bệnh nhân, có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phẫu thuật và phục hồi của người bệnh.
Nghiên cứu được thực hiện trong 15 tháng, trên 315 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên, đảm bảo tính khoa học. Các bệnh nhân được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 sử dụng thuốc giảm đau fentanyl 2mcg/kg/giờ, nhóm 2 sử dụng thuốc giảm đau theo hình thức bolus dưới hướng dẫn của SPI và nhóm 3 sử dụng fentanyl theo hướng dẫn của qNOX. Phân tích và so sánh sự khác biệt giữa các kết quả thu được của 3 nhóm, các tác giả đã xây dựng và hoàn thiện được 2 quy trình đánh giá độ đau trong gây mê cân bằng, xác định được điểm mà tại đó cần bổ sung thuốc giảm đau (với chỉ số SPI là 40,5; chỉ số qNOX là 52,5). Theo đó, đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá xuất sắc, có khả năng nhân rộng cao tại các cơ sở y tế có trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đồng với Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, tính mới, tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn lớn.