Sức bật để phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Thứ bẩy, 17/04/2021 11:20 GMT+7

Ngày 15/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2020”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu, vướng mắc trong quá trình triển khai, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng giai đoạn 2021-2030.

Tham dự hôi thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Sử Đình Thành; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 50 Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, doanh nghiệp…

Hoàn thiện cơ chế chính sách cho thị trường KH&CN 

Theo Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2011-2020, hệ thống cơ chế, chính sách về thị trường KH&CN cơ bản được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN được ban hành với 14 văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 4 Luật, 6 Nghị định và 12 Thông tư được ban hành quy định về: đánh giá, thẩm định kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước; phân chia lợi ích sau thương mại hóa, cơ chế hỗ trợ phát triển nguồn cung, nguồn cầu công nghệ và tổ chức trung gian. Những quy định về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN cũng được ban hành với các quy định cho phép sử dụng quỹ phát KH&CN tại doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi về thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia…

Cùng với Luật KH&CN (sửa đổi) năm 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 được Quốc hội thông qua đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về phát triển thị trường KH&CN, đặc biệt các cơ chế, biện pháp về ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung - nguồn cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo... Các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách là công cụ quan trọng để thiết kế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cho các bên tham gia vào các hoạt động giao dịch của thị trường trong nước cũng như hội nhập với quốc tế.

Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.

Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu.

Về nhân lực thực hiện quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN tại các địa phương: Năm 2020, số người thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN tại các sở là 5,21 người với độ tuổi trung bình là 41 tuổi (bao gồm cả lãnh đạo cấp sở, cấp phòng). Trong đó, nhân lực có trình độ thạc sĩ chiếm 52,52%; tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học, tiến sĩ lần lượt là 39,39% và 8,09%.

Các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Một số kết quả tiêu biểu trong giai đoạn 2011-2020 có thể được kể đến như: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2009-2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó đạt cao nhất trong năm 2017, 2018 lần lượt là 182,6 tỷ đồng và 197,7 tỷ đồng.

Sau 5 năm (2016-2020) thực hiện chương trình phát triển thị trường KH&CN đã có 63 nhiệm vụ/500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí là 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 55%), khoảng 45% nguồn kinh phí được đối ứng từ phía các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ. 

Ngoài ra, công tác truyền thông phát triển thị trường KH&CN được chú trọng, đã giới thiệu, quảng bá các điển hình công nghệ, sản phẩm công nghệ tiêu biểu, ý tưởng sáng tạo trên truyền hình, báo giấy, báo điện tử và mạng xã hội, thúc đẩy hoạt động kết nối trong cộng đồng sáng tạo trên thị trường KH&CN thông qua tọa đàm, giao lưu trực tuyến…

Tiếp tục tháo gỡ rào cản

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, cho rằng, có được những kết quả nêu trên phải kể đến nỗ lực của các nhà hoạch định và nhà thực thi chính sách. Điển hình như trong công tác hoàn thiện môi trường pháp lý, đã thể chế hóa được định hướng của Quốc hội và Chính phủ, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với hàng loạt các giải pháp quan trọng khác.

Thứ trưởng nhấn mạnh, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, trên thực tế thị KH&CN trong nước chưa phát triển đúng với tiềm năng của nguồn cung, nguồn cầu.

Theo Thứ trưởng, một trong những nguyên nhân là do nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về vị trí, vai trò của thị trường KH&CN trong hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia còn chưa đầy đủ, toàn diện. Bên cạnh đó, chưa thực sự có những cơ chế, chính sách kích thích các nhà khoa học, nhà sáng chế chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Các tổ chức KH&CN còn đặt nặng vấn đề về bài báo quốc tế mà chưa chú ý đến sáng chế, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Số lượng tổ chức trung gian nhiều nhưng còn thiếu vắng các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng dẫn dắt; chưa thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản trị, vận hành các sàn giao dịch công nghệ...

Thứ trưởng cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng thông tin về thị trường KH&CN còn hạn chế, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các đối tượng có nhu cầu như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học với nhau và với các tổ chức, cá nhân khác; và chưa thiết lập được các hình thức liên kết với thị trường quốc tế.
 

PGS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin về chiến lược đào tạo và phát triển KH&CN tại trường

PGS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong chiến lược phát triển của nhà trường đã định hướng tái cơ cấu theo hướng đa ngành nghề, lĩnh vực và ưu tiên đào tạo những ngành KH&CN. Đây cũng được xem là chiến lược đột phá của nhà trường trong việc chủ động bắt nhịp với xu hướng thị trường và sự thay đổi của các nước trong bối cảnh cuộc cách mạng KH&CN lần thứ 4.

Mặt khác, nhà trường không ngừng nỗ lực giải bài toán thương mại hóa sản phẩm KH&CN bằng việc hợp tác cùng doanh nghiệp xây dựng viện, trung tâm nghiên cứu với hơn 20 nhóm khởi nghiệp đang hoạt động. Việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp sẽ góp phần gia tăng giá trị thương mại hóa sản phẩm KH&CN hơn nữa.
 

Tọa đàm 01: Đối thoại chính sách phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011-2020.

Tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù hành lang pháp lý phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã được hoàn thiện với nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu, liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.

Cụ thể, những nội dung hỗ trợ quy định trong Nghị định số 76/2018/NĐ-CP chưa được đưa vào các chương trình quốc gia liên quan để hiện thực hóa các cơ chế hỗ trợ.

Còn Nghị định 70/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý tài sản công quy định về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước có quy định kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Ngoài ra, kinh phí thu được từ việc thương mại hóa phải nộp lại cho Nhà nước, do đó chưa khuyến khích được các nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Một vấn đề thách thức nữa là thông tin, thống kê dữ liệu về các giao dịch chuyển giao công nghệ tại các địa phương còn thiếu. Theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, trừ Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Quy định này một mặt tạo môi trường thực sự tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng mặt khác là hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra tại các địa phương khó có thể nắm bắt.

Bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực sự có nhu cầu về đổi mới công nghệ nhưng hầu hết còn lúng túng khi lựa chọn các công nghệ sao cho phù hợp và ít biết đến các thông tin chính thống, tin cậy. Đây cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh được ông Nguyễn Huy Trọng, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh chia sẻ và cho rằng cần có những tổ chức trung gian đủ mạnh để kết nối nguồn cung và cầu. Đồng thời, Bộ KH&CN cần quan tâm hơn nữa đến thị trường KH&CN ở địa phương, đặc biệt là những địa phương còn khó khăn và đang có nhu cầu lớn về đổi mới, chuyển giao công nghệ.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phát triển KH,CN và Đổi mới sáng tạo Hải Phòng cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển thị KH&CN. Họ là những người am hiểu công nghệ chuyên ngành, có kiến thức về luật, kinh tế, đàm phán,… Tuy nhiên, các chuyên ngành đào tạo cho đối tượng này hiện nay chưa có. Vì vậy, theo ông Vinh, các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các trường ở khối kinh tế, cần sớm mở các chuyên ngành đào tạo nhân lực làm việc ở các tổ chức trung gian.
 

Tọa đàm 02: Định hướng phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021-2030.
 

Về nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021-2030, Bộ KH&CN cho biết sẽ tập trung những nhiệm vụ như: hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN; phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông về phát triển thị trường KH&CN.

Đặc biệt, Bộ KH&CN sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KH&CN, tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN và liên thông, tiến tới đồng bộ hóa với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính. Song song đó, Bộ KH&CN sẽ chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img