Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4: Tăng cường truyền thông đưa nông sản Việt ra thế giới

Thứ hai, 05/04/2021 15:43 GMT+7

Chiều ngày 01/4/2021, tại TP. Bắc Giang, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tổ chức Tọa đàm về sở hữu trí tuệ hưởng ứng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4.

Đồng chí Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang và đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm còn có đại diện các sở, cơ quan của tỉnh Bắc Giang, các đơn vị chức năng thuộc Cục SHTT và một số cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và tỉnh.



Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì Tọa đàm

 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, năm nay thông điệp của Ngày SHTT là “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với SHTT - Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”. Việc WIPO lựa chọn thông điệp này là nhằm cổ vũ, tôn vinh và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) lao động sáng tạo biến các ý tưởng thành các tài sản trí tuệ, đưa các tài sản trí tuệ ra thị trường, tạo ra lợi nhuận và những giá trị kinh tế và xã hội. Ở Việt Nam, SMEs chiếm tỷ 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp tới 45% GDP, 31% tổng thu NSNN và tạo ra hơn 5 triệu việc làm, thành lực lượng nòng cốt, hỗ trợ nền kinh tế trụ vững và có bước tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid 19. Do vậy, thông điệp năm nay đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid 19 và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí vui mừng thông tin với các cơ quan báo chí về việc sản phẩm vải thiều của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Cục trưởng cảm ơn với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang và sự phối hợp chặt chẽ của Sở KH&CN trong quá trình triển khai các công việc liên quan, để vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản. “Việc vải thiệu được bảo hộ CDĐL góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam với thế giới về một đất nước có nhiều sản phẩm đặc thù, có danh tiếng, chất lượng cao và một nền nông nghiệp phát triển”, Cục trưởng cho biết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới là cách thức, giải pháp để duy trì, phát huy giá trị của CDĐL vải thiều Lục Ngạn nói riêng và các sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam nói chung để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con.

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh khẳng định, Bắc Giang xác định SHTT có vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ của tỉnh. SHTT góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Kết quả trong thời gian qua càng củng cố vai trò của SHTT, do vậy Bắc Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế, chính sách, giải pháp về SHTT cụ thể, hiệu quả hơn nữa, đầu tư xứng đáng cho hoạt động này. Đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, việc vải thiều Lục Ngạn được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản khẳng định người dân Bắc Giang có thể làm ra những nông sản chất lượng cao, đủ sức xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất, mở ra triển vọng tiếp tục chinh phục rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời tạo ra hiệu ứng cho các sản phẩm khác của tỉnh vươn lên. Hiện nay, Bắc Giang đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các sàn giao dịch điện tử trong nước và quốc tế. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Cục SHTT và các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ tỉnh trong phát triển, khai thác thương mại các sản phẩm đã được bảo hộ quyền SHTT.

Báo cáo tại Tọa đàm, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cho biết, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch… xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động sáng kiến để phát triển kinh tế - xã hội của tính. Với thế mạnh về phát triển nông nghiệp, các loại nông sản phong phú, có giá trị kinh tế cao, Bắc Giang chủ động tập trung hỗ trợ xác lập quyền sở hữu với nhiều nông sản chủ lực, đặc trưng và có tiềm năng. Đến nay, Bắc Giang đã được cấp 1.174 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 04 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể và 02 CDĐL. Việc sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được cấp CDĐL tại Nhật Bản là cơ hội lớn để nông sản của Bắc Giang vươn ra thị trường thế giới.



Toàn cảnh Tọa đàm

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Cục trưởng Đinh Hữu Phí khẳng định, Cục SHTT sẽ đồng hành với tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động SHTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hướng dẫn, hoàn thiện quy chế, quy trình nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo hộ CDĐL của Nhật Bản. Cục trưởng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí chung tay phối hợp và hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Cục Sở hữu trí tuệ quảng bá rộng rãi hoạt động SHTT nhân Ngày SHTT thế giới (26/4) và sản phẩm vải thiều Lục Ngạn nói riêng và các đặc sản vùng miền của Việt Nam nói chung để làm nổi bật ưu thế của việc bảo hộ SHTT trong tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam.

Cũng nằm trong chuỗi các  hoạt động hưởng ứng Ngày SHTT thế giới, sáng 01/4/2021, Cục SHTT đã tổ chức Đoàn khảo sát về SHTT cho các cơ quan thông tấn báo chí tại các doanh nghiệp, HTX sản xuất vải thiều, mỳ chũ trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Bắc Giang./.


Một số hình ảnh buổi Tọa đàm và chuyến khảo sát thực tế

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img