Hội thảo hợp tác nghiên cứu về ô nhiễm không khí giữa Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ tư, 17/03/2021 15:03 GMT+7

Ngày 05/03/2021, Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm), phối hợp với Khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh (Khoa MT-ĐH.KHTN) đã tổ chức hội thảo “Hợp tác nghiên cứu về ô nhiễm không khí”.

Tham dự hội thảo có: GS. Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu ô nhiễm không khí của Việt Nam; PGS.TS. Tô Thị Hiền, Trưởng Khoa MT-ĐH.KHTN; TS. Hồ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm và các nghiên cứu viên phòng An toàn bức xạ và Môi trường, phòng Vật lý và Phân tích hạt nhân, phòng Thủy văn đồng vị cùng các cán bộ khác của Trung tâm.

Gần đây, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) trở thành mối quan tâm đặc biệt của xã hội khi Tp.HCM được nêu tên là một trong số những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng xác định mục tiêu, xây dựng nội dung và kế hoạch nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Tp.HCM và khu vực phía Nam.

GS. Phạm Duy Hiển đã chỉ ra sự cần thiết cần tổ chức lại việc nghiên cứu về ô nhiễm không khí tại Tp.HCM. Đây không phải lần đầu vấn đề này được nêu ra, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) đã thực hiện nghiên cứu và công bố một số kết quả về ô nhiễm không khí trên các Tạp chí trong nước và quốc tế. Sau đó, một số nhóm nghiên cứu khác tại Tp.HCM đã thực hiện một số nghiên cứu liên quan. Cho đến nay, vấn đề ô nhiễm không khí là vấn đề được cộng đồng nghiên cứu hết sức quan tâm, không chỉ tại Tp.HCM, ở Việt Nam mà còn cả Khu vực và Quốc tế.

Hội thảo đã thống nhất một số nội dung như sau:

  1. Nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Tp.HCM nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung, cần phải có: a) Thiết bị lấy mẫu bụi trong không khí (kích thước hạt bụi cỡ micron PM10, PM2.5 và <PM2.5); b) Thiết bị phân tích hiện đại (phân tích thành phần, nguyên tố, vô cơ, hữu cơ…); và c) Công cụ xử lý số liệu, trong đó đặc biệt là xử lý mô hình (modeling). Và nhân lực là một yêu cầu đặc biệt quan trọng, trong đó, nghiên cứu viên không những giỏi chuyên môn một lĩnh vực mà còn phải giỏi đa ngành đặc biệt phải có hiểu biết về khí tượng, …
  2. Để thực hiện nghiên cứu về ô nhiễm không khí tại Tp.HCM, sự phối hợp, hợp tác giữa hai cơ sở: Trung tâm CNT và Khoa MT-ĐH.KHTN là hết sức cần thiết vì cả hai đều có những thế mạnh riêng, khi phối hợp nghiên cứu sẽ mang lại hiệu quả cao trong nghiên cứu và đào tạo.
  3. Nghiên cứu ô nhiễm không khí không chỉ nhằm mục đích đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm mà còn đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người, v.v..
     

Hình ảnh về buổi hội thảo hợp tác nghiên cứu tại Trung tâm CNT

Hội thảo cũng đã phác thảo kế hoạch thực hiện. Đầu tiên sẽ tập hợp nhóm nghiên cứu ô nhiễm không khí với nhân lực từ Trung tâm và Khoa MT-ĐH.KHTN và một số đơn vị có liên quan; tiếp theo tổ chức một khóa huấn luyện kiến thức cơ bản về khí tượng áp dụng trong nghiên cứu ô nhiễm không khí do GS. Phạm Duy Hiển phụ trách tại Khoa MT-ĐH.KHTN; phối hợp với Khoa MT-ĐH.KHTN đề xuất những nhiệm vụ Khoa học Công nghệ (cấp Bộ, cấp Nhà nước) về nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Tp.HCM.

Tại hội thảo, Trung tâm Hạt nhân Tp.HCM cũng xác định thế mạnh trong các nghiên cứu này là về phân tích thành phần và nguyên tố cũng như xử lý số liệu mô hình (modeling) áp dụng trong bài toán ô nhiễm không khí.

Sau khi trao đổi, thảo luận tại Trung tâm, các đại biểu tham dự đã tham quan Phòng thí nghiệm nghiên cứu ô nhiễm không khí tại Khoa MT-ĐH.KHTN.
 

Các thành viên của hội thảo tham quan Phòng thí nghiệm tại Khoa MT-ĐH.KHTN

Chủ đề hội thảo là vấn đề cả hai đơn vị đều rất quan tâm. Hội thảo đã diễn ra trong không khí xây dựng, hợp tác và thành công tốt đẹp./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img