Sản xuất thử nghiệm giống tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ RNAi

Thứ tư, 03/03/2021 11:28 GMT+7

Tôm càng xanh là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực sau cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Việt Nam là một trong trong những nước nuôi tôm càng xanh (TCX) lớn trên thế giới (sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan) (Vasep, 2014). Vùng nuôi trọng điểm là ĐBSCL (nhiều nhất ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh). Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến năm 2020 đưa vào nuôi khoảng 28.000 ha TCX, sản lượng khoảng 60.000 tấn; trong đó ĐBSCL 25.950 ha, sản lượng 56.820 tấn (Tổng cục Thủy sản, 2016). Ngoài ra, TCX còn có thể nuôi nhiều mô hình kết hợp như sú, thẻ và lúa giúp cho nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và cách ly được mầm bệnh cho mô hình nuôi kết hợp này. Hơn nữa, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, thời tiết diễn biến bất lợi cho nhà nông, mô hình nuôi tôm càng xanh ở một số tỉnh bị ảnh hưởng như xậm ngập mặn nhẹ, đất phèn... (Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau) có thể xem là mô hình thích ứng mang lợi nhuận cao cho nông dân.


 

Tuy nhiên, giống tôm càng xanh hiện này là giống tôm thường (có 50% đực và 50% cái) có nhiều bất lợi. Nguyên nhân là do TCX thường có số lượng tôm cái chiếm 50% và TCX cái có kích thước và khối lượng nhỏ hơn TCX đực do phải tập trung năng lượng cho sinh sản, ngoài ra, tôm đực còn bị hao hụt, mất năng lượng do cạnh tranh giao vĩ với tôm cái.

Trước tình hình đó, ThS. Bùi Thị Liên HàThS. Trần Nguyễn Ái Hằng thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã thực hiện đề tài “Sản xuất thử nghiệm giống tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ RNAi”. Mục tiêu của dự án là hoàn thiện và áp dụng thành công công nghệ sản xuất tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ RNAi ở quy mô sản xuất, công việc cụ thể là nâng cao mức độ tương đồng của trình tự cDNA-Mr-IAG, nồng độ sợi đôi sau khi tổng hợp, tỉ lệ sống sau tiêm, tỉ lệ chuyển cái, sức sinh sản của tôm cái giả và giảm số lần tiêm, độ tuổi tiêm cho phù hợp.

Dự án đã đạt được các kết quả hoàn thiện như sau: 

1. Hoàn thiện quy trình tạo sợi đôi dsRNA-MrIAG chuyển giới tính tôm càng xanh nhờ công nghệ RNAi: chỉ số tương đồng của trình tự bảng mẫu cDNA-Mr-IAG ~100% so với trình tự công bố quốc tế, tăng chất lượng sợi đôi dsRNA có tính đặc hiệu và độ tinh sạch cao đạt 99%, nồng độ sợi đôi đạt được 4,65µg/µl.

2. Hoàn thiện quy trình thực nghiệm đưa sợi đôi dsRNA vào tôm càng xanh cái giả bằng công nghệ vi tiêm RNAi: Số lần tiêm là 3 lần, đạt tỉ lệ sống là 78 %, tỉ lệ chuyển cái thành là 94%, và độ tuổi của postlarvae là 7 ngày tuổi từ khi chuyển post.

3. Hoàn thiện quy trình ương nuôi và quản lý tôm cái giả hậu bị: - Trọng lượng tôm mẹ cái giả trong khoảng 32 - 36g/con mẹ, sức sinh sản động từ 20.417 - 27.292 con/tôm mẹ. Tôm PL12: cỡ tôm đạt 1,15 cm/con, tôm toàn đực đạt 100%, hầu hết được bán nuôi thương phẩm.

Với kết quả hoàn thiện đạt được dự án đã sản xuất được 20.160 con cái giả và 10.285.000 hậu ấu trùng (PL12) toàn đực bán ra thị trường. Đồng thời, dự án có thể giảm chi phí sản xuất tôm cái giả xuống 21,9% so với quy trình cũ. 

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14507/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img