Khai mạc Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020

Thứ bẩy, 31/10/2020 23:05 GMT+7

Sáng 31/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Lễ khai mạc “Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020” (TechDemo - Techmart - Growtech - Startup - Job fair).

Tham dự Lễ Khai mạc có ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Về phía Đại sứ quán các nước có ông Luis Agustin Costas, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Argentina; ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ quán Úc; ông Thomas Wood, Tham tán, Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO); ông Tony Harman, Tham tán, Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Úc; ông Felix Sapalo, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Angola. Về phía Lãnh đạo tại địa phương có ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có bà Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa 14; GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tham dự sự kiện còn có sự hiện diện của đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội, Đại diện các đơn vị trực thuộc các Bộ, ban, ngành Trung ương, Lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của một số tỉnh, thành, Đại diện các Viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà khoa học, đại diện các đơn vị tham gia triển lãm và cơ quan thông tấn báo chí...

Nghi thức cắt băng khai mạc Tuần lễ “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020”
 

Tạo môi trường kết nối, chuyển giao công nghệ

Tuần lễ “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020” diễn ra từ ngày 30/10 - 01/11/2020. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng KH&CN, hoạt động Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 (TechDemo - Techmart - Growtech - Startup - Job fair) sẽ giới thiệu, quảng bá, kết nối, chuyển giao công nghệ, xúc tiến phát triển thị trường KH&CN, mở rộng hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, đưa KH&CN vào thực tiễn phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện vai trò của hoạt động đổi mới công nghệ trong các dự án đầu tư của doanh nghiệp, tạo động lực, cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN và đổi mới sáng tạo.

 

Tuần lễ được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 gian hàng với hơn 1000 công nghệ được trình diễn của các Viện nghiên cứu, Trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà sáng chế trong nước và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực công nghệ: cơ khí chế tạo trong nông nghiệp, chế biến bảo quản sau thu hoạch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, xử lý môi trường, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược liệu và các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, trong Tuần lễ còn có các hoạt động về tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ, hội thảo chuyên đề, cuộc thi về khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc
 

Phát biểu khai mạc Tuần lễ “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong đổi mới sáng tạo quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao là định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước. Định hướng này đã được cụ thể hóa thành các chương trình hành động của Chính phủ.

Những năm qua Bộ KH&CN đã phối hợp cùng bộ ban, ngành, địa phương thúc đẩy sự tham gia chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động các sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ thiết bị, ngày hội khởi nghiệp, hỗ trợ với từng mô hình cụ thể. Những hoạt động này đã và đang góp phần hiệu quả trong phát triển thị trường khoa học công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Tuần lễ là nơi tạo môi trường kết nối cung cầu, hợp tác để chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho nông nghiệp, vào sản xuất kinh doanh, giữa các nhà khoa học, Viện nghiên cứu, trường đại học, giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, kết nối, nâng tầm giá trị chuỗi của nông sản Việt; Là nơi lựa chọn những dự án xuất sắc nhất của vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020”, khởi đầu bằng dấu ấn từ chương trình “Bệ phóng khởi nghiệp nông nghiệp ĐMST 2020”, đồng thời tổng kết Chương trình phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2015 – 2020.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ KH&CN

Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã luôn duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng, đã dần dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao.
 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu Khai mạc

Tuần lễ “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020” là một cơ hội tốt để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, kết nối, hình thành mạng lưới KH&CN. Từ đó để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, mở rộng hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn phục vụ cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, phát triểnkinh tế xã hội đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp như: cơ khí chế tạo trong nông nghiệp, chế biến bảo quản sau thu hoạch, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”, ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ quán Úc chia sẻ, Việt Nam và Úc đều được hưởng lợi từ những mối quan hệ thương mại tốt đẹp trong nông nghiệp. Người tiêu dùng Úc ngày càng tiêu dùng nhiều hơn các sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam như trái cây, hạt điều và cà phê. Trong khi Việt Nam vẫn là nguồn nhập khẩu tôm lớn nhất của Úc. Gia súc sống, bông, lúa mì và lúa mạch của Úc cũng là nguồn nguyên liệu thô đầu vào cho chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam giúp tạo thêm việc làm, sự giàu có và thịnh vượng cho nhiều khu vực nông thôn. Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc đã và đang hợp tác với Việt Nam nghiên cứu nông nghiệp trong 27 năm qua, đầu tư 120 triệu đôla Úc cho lĩnh vực nông nghiệp nhằm gia tăng thu nhập và cải thiện sinh kế lâu dài cho các hộ nông dân nhỏ. Chương trình trọng điểm Aus4Inovation, giúp tăng cường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương và xây dựng kết nối kiến thức chuyên môn của Úc.
 

Ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ quán Úc phát biểu

“Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với Bộ KH&CN trong nghiên cứu chính sách, công cụ, khuyến nghị. Ba trụ cột trong mối quan hệ chiến lược giữa Úc và Việt Nam: hợp tác phát triển kinh tế; Hợp tác an ninh; và hợp tác đổi mới sáng tạo. Ứng dụng KH&CN sẽ giúp chúng ta tăng năng suất, quản lý tác động của hạn chế và lũ lụt, đồng thời mở ra nhiều thị trường mới”, ông Andrew Barnes cho hay.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Thaibinh Seed, việc ứng dụng KH&CN trong những năm qua đã giúp Thaibinh Seed từ doanh nghiệp nhỏ bé của tỉnh Thái Bình vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành giống cây trồng Việt Nam và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà. Thaibinh Seed đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 phấn đấu trở thành trung tâm giống cây trồng của cả nước, trong đó KH&CN tiếp tục được coi là nền tảng chiến lược để phát triển.
 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao Kỷ niệm chương và Chứng nhận cho các doanh nghiệp

Nhằm ghi nhận kịp thời thành tích của doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới công nghệ và thương mại hóa công nghệ, Ban Tổ chức Tuần lễ “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020” đã vinh danh 16 doanh nghiệp có thành tích trong hoạt động đổi mới công nghệ và thương mại hoá công nghệ năm 2020: Công Ty Cổ Phần Phân bón Và Dịch vụ tổng hợp Bình Định; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhựa gỗ Châu Âu; Công ty Cổ phần Công nghệ Vi sinh và Môi trường; Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc; Công ty Cổ phần dụng cụ thể thao Delta; Công ty Cổ phần Công nghệ Đức Trung; Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo; Công ty TNHH Sinh học Phương Nam; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai; Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed; Công ty TNHH Thành Sơn; Công ty Cổ phần Thiên Phúc; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Vicenza; Công ty TNHH Việt Nông; Công ty Cổ phần Việt Nam Food; Công ty Cổ phần Thiết bị chuyên dùng Việt Nam.

Trong khuôn khổ Lễ Khai mạc cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.


Không chỉ là một hoạt động mang tầm vóc quốc gia về KH&CN, Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 đã từng bước kết nối và phát triển các mối quan hệ hợp tác đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài, nâng cao tính hợp tác và quy mô quốc tế cho sự kiện, thu hút được rất nhiều các doanh nghiệp tổ chức đến từ các quốc gia nổi bật về phát triển và ứng dụng KH&CN trong khu vực và trên thế giới.

Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo thể hiện được một phần quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động đổi mới công nghệ tại Việt Nam nhằm ứng dụng những công nghệ mới vào phục vụ đời sống... Từ phía các nhà khoa học, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu thành công, họ chỉ có 2 lựa chọn: hoặc tự mình khởi nghiệp hoặc chuyển giao công nghệ. Đa số các nhà khoa học có đam mê khám phá và khả năng thiên bẩm để sáng tạo ra những cái mới. Tuy nhiên, rất ít người trong số đó có khả năng chuyển hóa những sáng tạo mới do chính mình tạo ra thành những hàng hóa đáp ứng những yêu cầu của thị trường, bởi môi trường kinh doanh và yêu cầu về lợi nhuận đòi hỏi những phẩm chất rất khác với đòi hỏi của môi trường nghiên cứu quen thuộc. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa nhà nghiên cứu và doanh nhân. Chính vì điều này, các kết quả nghiên cứu không được định hướng theo nhu cầu hoặc không được sự trợ giúp, kết nối  của những người vừa am hiểu nhu cầu người sử dụng vừa am hiểu tính năng. Với thực trạng phát triển của thị trường KH&CN hiện nay, khi số đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa (phía cầu và là chủ thể thực hiện hoạt động ĐMST) chưa thành thạo trong việc tìm kiếm, lựa chọn và thương thảo về công nghệ và các tổ chức KH&CN (phía cung và là chủ thể thực hiện nghiên cứu tạo đầu vào cho ĐMST) chưa được định hướng rõ để tạo ra các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường cộng với các tổ chức trung gian, môi giới chưa đủ chuyên nghiệp để tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch với chi phí giao dịch hợp lý thì sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước là vô cùng cần thiết. Nhà nước vừa có vai trò tạo tiền đề, vừa điều tiết và kích thích sự phát triển của thị trường KH&CN nhằm hóa giải các khiếm khuyết thị trường và khiếm khuyết hệ thống.

Hoạt động Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2020 thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, thông qua đó góp phần thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
 

Các đại biểu tham quan khu trưng bày

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img