Hệ thống chuẩn liều bức xạ đảm bảo chất lượng trong chẩn đoán và điều trị bệnh của IAEA

Thứ sáu, 30/10/2020 13:24 GMT+7

Hiện có hơn một nửa số bệnh nhân ung thư cần xạ trị một đến vài lần trong cả quá trình điều trị ung thư. Kết quả điều trị có thể thay đổi đáng kể nếu có sự chênh lệch về liều xạ trị (thậm chí chỉ 5%) so với liều được chỉ định. Để giúp bệnh nhân nhận được liều bức xạ chỉ định trong quá trình xạ trị với độ chính xác cao, thiết bị đo liều phải được thiết lập và vận hành đúng cách.

Ý nghĩa của chuẩn liều bức xạ trong y tế
 

Phòng thí nghiệm Đo liều của IAEA tổ chức Khóa đào tạo thực hành về hiệu chuẩn chính xác cho phép đo liều. (Nguồn: P. Toroi/IAEA)
 

Bà Zakithi LM Msimang, Giám đốc Trung tâm Bức xạ ion hóa tại Viện Đo lường Quốc gia Nam Phi cho biết: “Đo liều chính xác là một phần quan trọng trong liệu pháp bức xạ”. “Nếu liều bức xạ quá thấp, bệnh ung thư có thể không được chữa khỏi và mặt khác, nếu quá cao, có thể có những tác dụng phụ có hại”.

Liều bức xạ được đo bằng thiết bị đo chuyên dụng gọi là liều kế. Các thiết bị này đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo đo liều chính xác, tính toán và đánh giá liều lượng bức xạ. Để đảm bảo đo liều chính xác, thiết bị đo cần được hiệu chuẩn thường xuyên. Điều này được thực hiện bằng cách kiểm tra chéo hiệu suất của thiết bị với các tiêu chuẩn tham chiếu tùy vào từng quốc gia. Quá trình thực hiện được tiến hành tại các phòng thí nghiệm chuẩn liều quốc gia, ví dụ như hệ thống các phòng thí nghiệm đo liều tiêu chuẩn thứ cấp (SSDL). Các tiêu chuẩn tham chiếu này có thể truy xuất được nguồn gốc và được liên kết với Hệ thống Đơn vị Quốc tế (SI).

Hệ thống chuẩn liều được sử dụng cho liều kế xạ trị. (Nguồn: IAEA)
 

Thiết bị hiệu chuẩn liều là một loại buồng ion hóa đặc biệt để đo hoạt tính của hạt nhân phóng xạ trong các phòng thí nghiệm nóng hoặc cơ sở y tế phóng xạ. Thiết bị hiệu chuẩn rất cần thiết để xác định hoạt độ của dược phẩm phóng xạ nhận được, chất rửa giải máy phát điện và bộ dụng cụ được điều chế từ chúng và cả ống tiêm chứa thuốc tiêm cho từng bệnh nhân.

Paula Toroi, Nhà Vật lý bức xạ y tế - Nhân viên của SSDL tại IAEA cho biết: “Chúng ta không thể nhìn thấy được bức xạ, vì vậy chúng ta phải đảm bảo rằng thiết bị đo đang hoạt động chính xác”. “Các mức liều quy định trong xạ trị thường dựa trên các nghiên cứu và khuyến nghị quốc tế. Để khẳng định khả năng so sánh liều được sử dụng trong bệnh viện với liều khuyến nghị, thiết bị đo liều cần được hiệu chuẩn và sử dụng các phương pháp đo phù hợp. SSDL cung cấp các thiết bị chuẩn liều cho thiết bị đo liều và được liên kết với các phép đo đạt tiêu chuẩn đo liều quốc tế phù hợp.”.

Đảm bảo chất lượng chuẩn liều bức xạ

Để đảm bảo chất lượng trong việc chuẩn liều bức xạ, mọi đặc tính của mẫu chuẩn cần được đánh giá sau khi đã được đưa vào sử dụng nhằm xác định phạm vi chấp nhận đáp ứng yêu cầu ứng dụng. Các chất hiệu chuẩn hạt nhân phóng xạ phải được kiểm tra hàng ngày.

Bộ hiệu chuẩn cần một nguồn so sánh có tuổi thọ cao như 137Cs (chu kỳ bán rã 30 năm). Ngoài ra, có thể sử dụng 57Co, tuy nhiên, chu kỳ bán rã của 57Co là 271 ngày có nghĩa là nguồn sẽ cần được thay thế hàng năm.

Việc kiểm tra điện áp là cần thiết để đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho buồng ion hóa. Các phép đo nền và điều chỉnh cần đảm bảo rằng có thể phát hiện bất kỳ ô nhiễm phóng xạ nào của mẫu hiệu chuẩn và loại bỏ các vật tạo tác khỏi phép đo. Độ chính xác của thiết bị phải được kiểm tra với nguồn hoạt động tham chiếu mà hoạt động của nó đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Độ tuyến tính của thiết bị phải được kiểm tra bằng cách đo nguồn 99mTc có hoạt độ ban đầu càng cao càng tốt.

Hệ thống chuẩn liều bức xạ trong y tế của IAEA

Mạng SSDL do IAEA và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập để giúp các quốc gia cải thiện độ chính xác trong đo liều. Mạng này bao gồm 86 SSDL, được đặt tại 73 quốc gia, cung cấp việc chuẩn liều cho các thiết bị liều kế. Mục tiêu của Mạng SSDL của IAEA/WHO là cải thiện độ chính xác và tính nhất quán trong đo liều bức xạ và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên.
 

Hệ hiệu chuẩn liều mới của Phòng thí nghiệm đo liều của IAEA

Theo bà Zakithi LM Msimang: “Vì công nghệ đang phát triển rất nhanh nên kỹ năng đào tạo và sự chia sẻ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Một số quốc gia đang phát triển hiện chỉ thành lập các phòng thí nghiệm chuẩn liều quốc gia và mạng SSDL cung cấp các hỗ trợ cần thiết theo yêu cầu”.

Phòng thí nghiệm Đo liều của IAEA ở Seibersdorf, Áo, đóng vai trò là phòng thí nghiệm trung tâm của Mạng SSDL. Các tiêu chuẩn đo lường của các quốc gia được hiệu chuẩn miễn phí tại phòng thí nghiệm, đặc biệt đối với các nước không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với các phòng thí nghiệm đo liều tiêu chuẩn. Đây là các phòng thí nghiệm thiết lập các đại lượng dùng để đo liều bức xạ.

LINACthiết bị phát các chùm tia X hoặc electron năng lượng cao. Năng lượng của chùm tia có rất nhiều mức khác nhau, từ 3MeV đến 15 MeV, 18MeV… LINAC hiện được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị ung thư.

Vào tháng 6 năm 2019, Phòng thí nghiệm đo liều của IAEA đã mở Cơ sở máy gia tốc tuyến tính (LINAC) mới để tăng cường các dịch vụ đo liều và an toàn bức xạ trên toàn thế giới, cũng như hỗ trợ nghiên cứu các quy chuẩn mới về thực hành đo liều.

Bà May Abdel-Wahab, Giám đốc Phòng Sức khỏe con người của IAEA cho biết: “Với cơ sở LINAC mới, IAEA có thể đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng từ các quốc gia thành viên, bao gồm cả việc hiệu chuẩn trực tiếp các liều kế SSDL”. “Sự hỗ trợ này cũng sẽ giúp tăng cường dịch vụ kiểm tra cho hơn 3400 ca sử dụng LINAC tại các bệnh viện ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.”

Ngoài các dịch vụ hiệu chuẩn, Phòng thí nghiệm đo liều của IAEA còn tham gia vào các hoạt động khác trong hỗ trợ việc đo liều chuẩn trên toàn thế giới. Các hoạt động đó bao gồm cả việc so sánh và kiểm tra liều lượng cho phép SSDL và các bệnh viện đánh giá xem việc hiệu chuẩn và đo lường có được thực hiện chính xác hay không. Phòng thí nghiệm cũng cung cấp dịch vụ đào tạo, thực hiện nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực đo liều và vật lý bức xạ y tế.
 

Quy định về chuẩn liều bức xạ trong y tế ở Việt Nam

Liên quan đến việc hiệu chuẩn liều lượng bức xạ trong y tế và đảm bảo an toàn bức xạ trong quá trình chẩn đoán và điều trị, tham chiếu theo khuyến cáo của IAEA, Việt Nam hiện có một số văn bản đã được ban hành như: Thông tư 13/2014/TTLT -BKHCN-BYT quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế; Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử đã quy định Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định cụ thế việc kiếm định, hiệu chuẩn và danh mục các thiết bị bức xạ phải kiếm định, hiệu chuẩn; Thông tư số 28/2015/TT-BKHCN ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị chụp X-quang tổng hợp dùng trong y tế”; Thông tư số 02/2016/TT-BKHCN ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị chụp cắt lớp vi tính dùng trong y tế”. Thông tư số 15/2017/TT-BKHCN ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy gia tốc tuyến tính dùng trong xạ trị” (QCVN 13:2017/BKHCN).

Đối với các thiết bị sử dụng trong y học (không bao gồm các thiết bị ghi đo bức xạ phụ trợ): Hiện Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về việc kiểm định, hiệu chuẩn đối với các thiết bị trong y học hạt nhân như Gamma Camera, SPECT, SPECT/CT, PET/CT, …Tuy nhiên, các thiết bị bức xạ dùng trong điện quang và xạ trị thì đã được ban hành cụ thể trong Danh mục thiết bị bức xạ trong y tế phải kiếm định, hiệu chuẩn được quy định tại Khoản 2 điều 4 thông tư số 27/2010/TT-BKHCN.

Một số giới hạn liều hiệu dụng, liều tương đương đã được quy định:

- Nhân viên bức xạ ≤ 20 mSv/n trung bình 5 năm và có thể một năm ≤ 50 mSv/n, thủy tinh thể: ≤ 20mSv/n, viễn đoạn: ≤500 mSv/n

- Học sinh: 6 mSv/n, thủy tinh thể: ≤ 20mSv/n, viễn đoạn: ≤ 150 mSv/n; Phụ nữ có thai: 1 mSv/ 9 tháng;

- Cá thể trong cộng đồng: ≤ 1 mSv/n, 5 năm có thể có một năm ≤ 5mSv/n, thủy tinh thể ≤ 15 mSv/n, viễn đoạn ≤ 50 mSv/n.

- Cá nhân chăm sóc bệnh nhân: ≤ 5 mSv; Trẻ em: ≤ 1 mSv.

 

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử tổng hợp

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img