Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Khánh Lân cho biết, 3 năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh có nhiều tiến bộ, bám sát và phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong 3 năm, tỉnh dành gần 360 tỷ đồng cho lĩnh vực này, chiếm 1,68% chi ngân sách tỉnh. Trong đó, đã phân bổ 179 tỷ đồng cho 33 dự án; 39 tỷ đồng cho 200 đề tài thuộc lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, môi trường, giao thông vận tải… Nhìn chung, các đề tài, dự án đều phát huy hiệu quả và từng bước được nhân rộng. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Điển hình là các dự án như:
Dự án đầu tư về công nghệ sinh học, nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, chuyển giao công nghệ mới và lưu giữ gen của Trung tâm ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ: Đến nay, Trung tâm đã có hệ thống vườn ươm, nhà lưới, các thiết bị nuôi cấy mô, thiết bị kiểm toán năng lượng, các thiết bị nghiên cứu, sản xuất công nghệ sinh học... Hằng năm Trung tâm sản xuất ra hàng vạn cây giống bằng công nghệ nuôi cấy mô như hoa lan, các loại cây: dược liệu (lô hội, trinh nữ hoàng cung)…; làm chủ công nghệ và đã sản xuất 3.600 tấn chế phẩm sinh học Biomix cung cấp cho nhân dân trong tỉnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Các thiết bị của dự án tăng cường cơ sở vật chất về TCĐLCL đã giúp Trung tâm kỹ thuật và tiết kiệm năng lượng kiểm định được nhiều phương tiện đo và các thiết bị Xquang y tế trên địa bàn; xác định được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kim loại nặng trong nước, thực phẩm; hàm lượng chì, lưu huỳnh trong xăng dầu (phòng thí nghiệm thuộc lĩnh vực này được công nhận VILAS)... phòng thí nghiệm cơ lý và vật liệu xây dựng đã được chứng nhật LAS-XD.
Đã lựa chọn và đưa vào gieo trồng thử nghiệm các giống lúa chất lượng cao như lúa nếp BN4, BN15...; các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn như PC6, P6ĐB; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa như khoai tây giống Atlantic và Sinora; các giống khoai lang mới; cà chua ghép trái vụ để nâng cao giá trị sản xuất; xây dựng các mô hình thực nghiệm trồng mía trên các vùng đất gò đồi bạc màu cho năng suất cao hơn các giống hiện có từ 15%- 20%, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; trồng thử nghiệm giống cam không hạt cara, nghiên cứu phát triển một số giống bưởi đặc sản, chất lượng cao (bưởi Diễn, bưởi da xanh) theo hướng sản xuất hàng hóa; mô hình trồng cây mây dưới tán cây lâm nghiệp; ứng dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, các kỹ thuật trồng lạc xen sắn trên đất đồi bạc màu bước đầu cho hiệu quả cao. Về giống con: Chú trọng đến các giống vật nuôi đặc sản thích hợp với điều kiện khí hậu của vùng và cho giá trị kinh tế như: nuôi thử nghiệm và cho sinh sản nhân tạo cá Lăng chấm, nuôi thử nghiệm cá Hồi, cá Tầm, cá rô phi đơn tính dòng đường nghiệp..,. các giống lợn ngoại (Maxter 16, Pi4...), thí điểm cho cho rắn hổ chúa, hổ châu sinh sản; xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu cho sản phẩm truyền thống cá Thính Lập Thạch, rau su su Tam Đảo, rắn Vĩnh Sơn, gạo Long Trì…
Bên cạnh những thành tựu KH&CN đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị Bộ KH&CN cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, sớm phê duyệt cho Vĩnh Phúc thực hiện các dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và có cơ chế hỗ trợ tỉnh xây dựng khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ KH&CN cấp huyện; ủy quyền cho các địa phương cấp văn bằng bảo hộ cho những nhãn hiệu đơn giản.
Chia sẻ với những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2012, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, với lợi thế về vị trí địa lý và sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh, Vĩnh Phúc sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng và tiếp tục khẳng định là một trong các địa phương đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế, là điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học, công nghiệp, thương mại, du lịch…
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư cho hoạt động KH&CN; tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thanh tra, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các dự án, đề án nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục triển khai, ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại các cơ quan hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Có cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận, nắm chắc tiến bộ KH&CN của các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh. Cùng với đó, đổi mới cơ chế tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN hàng năm. Trong đó, xây dựng cơ chế đặt hàng đối với lãnh đạo các ngành, UBND các cấp; xây dựng cơ chế quản lý nguồn đầu tư theo hướng có trọng tâm, hiệu quả, tránh dàn trải.