Tập thể chuyên gia, giảng viên và học viên khóa học NREP9
Tham dự khóa đào tạo có 21 học viên đến từ Bệnh viện trung ương Huế, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển - Uông Bí, Đại học Phương Đông, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hải Phòng, Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Lào Cai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang.
Khóa học kéo dài từ ngày 18-22/09/2017, với 10 bài giảng trên lớp, 04 bài thực hành và 01 bài diễn tập ngoài trời, khoá học đã cung cấp những kiến thức cơ bản và cần thiết nhất cho các cán bộ đang đảm nhiệm các công việc liên quan đến an toàn bức xạ, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tại các cơ quan, đơn vị trong cả nước nhưng chưa có điều kiện tiếp cận các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực tế cần thiết cho công việc.
Ghi nhận kết quả đã học được, học viên Đặng Quốc Soái đến từ Bênh viện Ung Bướu Hà Nội phát biểu: “…Tham gia khóa học, tôi được truyền đạt những kiến thức bổ ích về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Ngoài ra, tôi cùng các học viên còn được tham gia các bài thực hành và bài diễn tập thực tế, điều mà tại đơn vị công tác chúng tôi chưa được tiếp cận. Đây thật sự là khóa học bổ ích đối với cá nhân tôi”.
Khóa học đã kết thúc thành công tốt đẹp, toàn bộ học viên tham dự khóa học được cấp giấy chứng nhận đào tạo. Trong buổi lễ bế giảng khóa học, ông Phạm Đức Khuê, Phó Viện trưởng Viện KH&KTHN đánh giá cao những nỗ lực của các giảng viên và học viên trong suốt thời gian học tập. Đồng thời, ông cũng hy vọng với những kiến thức và kỹ năng thực nghiệm từ khóa học sẽ là cơ sở giúp các học viên chủ động hơn trong việc tìm hiểu, nâng cao kiến thức và có thể sử dụng trong các hoạt động sẵn sàng ứng phó cũng như quản lý trong lĩnh vực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân./.