Hội nghị bàn tròn cấp cao của IAEA và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương về Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó ô nhiễm rác thải nhựa

Thứ năm, 20/05/2021 14:15 GMT+7

Sáng ngày 18/5/2020, tại trụ sở ở Thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã chủ trì tổ chức Hội nghị bàn tròn cấp cao của IAEA và các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo hình thức trực tuyến. Phối hợp tổ chức Hội nghị có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và các quốc gia là thành viên của IAEA ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ đề Dự án NUTEC Plastics của IAEA.
 

Hội nghị có sự tham dự của ông Rafael Mariano Grossi - Tổng Giám đốc IAEA, bà Najat Mokhtar - Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Trưởng Ban Khoa học và Ứng dụng hạt nhân, ông Hua Liu - Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Trưởng Ban Hợp tác kỹ thuật, ông Lim Jock Hoi - Tổng thư ký Asean, bà Siti Nurbaya Bakar - Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia, ông Tomohiro Kondo - Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, ông Khairy Jamaluddin - Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia, ông Abdulla Al subaie - Bộ trưởng Bộ Đô thị và Môi trường Qatar, bà Dechen Tsering - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNEP và hơn 340 đại biểu là các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu viên trong lĩnh vực hạt nhân, môi trường của các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có đại diện của các đơn vị năng lượng nguyên tử thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Chủ trì phiên khai mạc Hội nghị, Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi phát biểu “Thời đại chúng ta đang sống - khi mà nhân loại hiện nay vẫn đang vật lộn với đại dịch - đã khẳng định với tất cả chúng ta một cách mạnh mẽ và đau đớn rằng các vấn đề toàn cầu cần có các giải pháp toàn cầu. Chúng ta chỉ có thể giải quyết các vấn đề lớn khi chúng ta đồng hành cùng nhau”. Ông Grossi nhấn mạnh IAEA hiện đang đi đầu trong việc triển khai khoa học và công nghệ hạt nhân để giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, bao gồm vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Bên cạnh việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân hỗ trợ việc nghiên cứu và đánh giá đa chiều các tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đối với đại dương, ứng dụng công nghệ bức xạ có thể mở đường cho việc tái chế và sử dụng vật liệu nhựa hiệu quả hơn trong khái niệm về một nền kinh tế tuần hoàn.

Ô nhiễm rác thải nhựa hiện đang trở thành một thách thức môi trường lớn, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững và sinh kế của người dân trên toàn thế giới. Khi không còn hữu ích, nhựa thường được xử lý theo phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, trong tất cả nhựa được sản xuất từ năm 1950 đến năm 2015, chỉ 9% được tái chế, khoảng 17% vẫn còn được sử dụng, khoảng 12% được xử lý đốt làm sinh ra nhiều loại khí độc và phần lớn còn lại (khoảng 60%) được đưa đến các bãi chôn lấp gây ra ô nhiễm hệ sinh thái ở hạ nguồn như sông, nước ngầm và đại dương. Một lượng lớn rác thải nhựa sẽ trôi vào đại dương, gây hại cho sinh vật biển và có khả năng gây ô nhiễm cho hải sản chúng ta ăn. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ khối lượng nhựa/cá của các đại dương là 1/3 và đến năm 2050, thậm chí khối lượng nhựa trong đại dương sẽ còn lớn hơn khối lượng của cá. Công nghệ hạt nhân có thể góp phần tìm ra giải pháp giải quyết thách thức môi trường này.

Chương trình ứng dụng công nghệ hạt nhân trong kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa (NUTEC Plastics) của IAEA được thành lập để hỗ trợ các quốc gia trong việc tích hợp các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Theo bà Najat Mokhtar, IAEA hiện sẵn sàng cung cấp các giải pháp hạt nhân độc quyền nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa thông qua việc phát triển và thúc đẩy các công nghệ bức xạ giúp thay thế nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ bằng các loại nhựa có thể phân hủy sinh học, qua đó cải thiện hoạt động tái chế nhựa thông thường hoặc làm mới các loại nhựa đã đến cuối chu kỳ sử dụng. Phương pháp tiếp cận của NUTEC Plastics gồm hai nội dung: 1) ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu, cung cấp bằng chứng khoa học để mô tả và đánh giá ô nhiễm vi nhựa trong đại dương và 2) Ứng dụng công nghệ bức xạ (sử dụng bức xạ ion hóa) trong tái chế nhựa để biến chất thải nhựa thành tài nguyên có thể tái sử dụng.

NUTEC Plastics sẽ nâng cao năng lực của các phòng thí nghiệm trong việc nghiên cứu tác động của ô nhiễm rác thải nhựa trong các hệ sinh thái biển và ven biển, sử dụng các phương pháp hạt nhân để theo dõi và định lượng chính xác chuyển động và tác động của vi nhựa và các chất nhiễm bẩn khác có trong rác thải nhựa.

Công nghệ hạt nhân cũng cung cấp một giải pháp để giảm khối lượng rác thải nhựa. Lợi ích của môi trường và cuộc sống con người là lý do và sự cần thiết phải định tuyến lại vòng đời của nhựa theo hướng kinh tế tuần hoàn, tập trung vào mô hình 4R: giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và làm mới. Như một giải pháp bổ sung cho các phương pháp tái chế cơ học và hóa học truyền thống, NUTEC Plastics sẽ chứng minh cách thức mà công nghệ bức xạ sử dụng nguồn phát tia gamma hoặc máy gia tốc chùm tia điện tử (EB) có thể sửa đổi một số loại chất thải nhựa nhất định để tái chế hoặc nâng cao số lần tái chế cho mục đích tái sử dụng. Trở ngại chính trong quá trình tái chế nhựa thông thường hiện nay là việc tái chế làm giảm chất lượng nhựa và quá trình này tạo ra khối lượng lớn các hạt nhựa nhỏ. Bức xạ ion hóa sẽ phá vỡ các polyme nhựa không đủ chất lượng thành các thành phần nhỏ hơn và sử dụng chúng để tạo ra các sản phẩm nhựa mới, do đó kéo dài vòng đời sử dụng của chất thải nhựa.

Tại Hội nghị, các quan chức và chuyên gia cấp cao từ Australia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan đã giới thiệu những nỗ lực đang được triển khai của quốc gia và khu vực trong ứng phó ô nhiễm rác thải nhựa. Bộ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Huang Runqiu cho biết đến cuối năm 2022, túi nhựa khó phân hủy và bộ đồ ăn bằng nhựa sẽ bị cấm ở nhiều nơi và các mặt hàng nhựa sử dụng một lần sẽ không còn được nhiều khách sạn cung cấp ở nước này. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa trên biển và hưởng ứng các sáng kiến ​​song phương và đa phương về vấn đề này. Theo Bà Dechen Tsering, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNEP, các nước trong khu vực đang đẩy nhanh các hành động theo cả chiều rộng và chiều sâu thể hiện qua nhiều sáng kiến ​​và biện pháp được các bộ trưởng của các nước đề cập tại Hội nghị. Hiện vẫn còn nhiều nội dung mà các nước trong khu vực có thể chia sẻ hoặc phối hợp thực hiện nhằm mang lại những kết quả tích cực hơn nữa.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc IAEA Hua Liu nhấn mạnh, các hành động khu vực và toàn cầu được nêu trong Tuyên bố Bangkok của ASEAN về Chống các mảnh nhựa trong đại dương, Tầm nhìn Đại dương Xanh Osaka và một loạt các chương trình quốc tế khác nhau của UNEP và ESCAP đã cung cấp các khuôn khổ quan trọng cho chương trình NUTEC Plastics của IAEA. Chương trình NUTEC Plastics sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng kiến thức khoa học trong ứng phó với ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, hỗ trợ việc ra quyết định và chính sách của các quốc gia đối với vấn đề rác thải nhựa dựa trên cơ sở khoa học.

IAEA hiện có hơn 40 dự án hợp tác kỹ thuật đã và đang lên kế hoạch thực hiện, các dự án hợp tác nghiên cứu và các hoạt động theo chương trình liên quan đến công nghệ bức xạ và giám sát môi trường, trong đó có khoảng 25 dự án liên quan trực tiếp đến nhựa. Không chỉ dừng lại ở Hội nghị lần này, trong thời gian tới IAEA sẽ tổ chức các hội nghị bàn tròn tương tự cho các khu vực khác trên thế giới, cũng như các hội thảo kỹ thuật trực tuyến về ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ứng phó với ô nhiễm rác thải nhựa.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img