Thứ hai, 16/09/2024 14:38 GMT+7
Phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Nhằm đánh giá và dự báo tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến nghề cá biển Việt Nam, làm cơ sở xây dựng các kịch bản phát triển bền vững nghề cá biển trong bối cảnh BĐKH, đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với BĐKH tại Việt Nam, ThS. Trịnh Quang Tú và các cộng sự tại Viện Kinh tế và Quy hoạch phát triển thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Đề tài:“Nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH đến khai thác và nuôi trồng hải sản, phát triển mô hình nuôi cá biển thích ứng với BĐKH ở Việt Nam”.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã có đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn trong nghiên cứu đánh giá tác động của BĐKH và phát triển nghề cá bền vững cho Việt Nam. Cụ thể:
Đã xác lập được luận cứ khoa học cho đánh giá tác động của BĐKH đến nghề cá biển của Việt Nam, bao gồm kết hợp phương pháp tiếp cận đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương (TTDBTT) và phương pháp hàm sản xuất trong lượng giá thiệt hại do tác động của BĐKH. Đề tài đã chỉ ra kết quả đánh giá tác động của BĐKH đến lĩnh vực khai thác hải sản (KTHS) và nuôi trồng hải sản (NTHS) của Việt Nam.
Kết quả xây dựng các kịch bản KTHS và NTHS theo kịch bản BĐKH phản ánh mức sản lượng KTHS và NTHS có thể đạt được trong điều kiện BĐKH trong tương lai. Có thể so sánh, đánh giá kết quả xây dựng các kịch bản để đưa ra kịch bản phát triển KTHS và NTHS, đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo bền vững về nguồn lợi. Đối với KTHS, sản lượng khai thác dao động ở mức 2,4 - 2,9 triệu tấn. Đối với NTHS, kịch bản đưa ra là đến năm 2035 sản lượng nuôi đạt khoảng 2 - 2,5 triệu tấn và 3,5 - 4,0 triệu tấn vào năm 2050.
Đề tài đã kết hợp tổng quan phân tích và điều tra khảo sát 120 trại nuôi cá biển tại 4 tỉnh (Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu và Kiên Giang) đề xuất các quy trình nuôi cá biển an toàn sinh học, thích ứng với BĐKH, phù hợp với quy mô vừa và nhỏ ở biển Việt Nam. Quy trình quản lý môi trường và dịch bệnh thủy sản áp dụng cho trang trại cá biển Nam Trung Bộ và Nam bộ trong điều kiện BĐKH và an toàn sinh học có những điểm khác biệt và cải tiến hơn so với các quy trình nuôi truyền thống.
Đồng thời, Đề tài cũng đã đề xuất nhóm giải pháp nhân rộng áp dụng các quy trình đã đề xuất. Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu của Đề tài cũng được tài liệu hóa dưới dạng bài báo khoa học, được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực BĐKH và phát triển nghề cá biển bền vững trong điều kiện BĐKH, góp phần bổ sung nguồn tài liệu tham khảo cho các cơ quan, tổ chức và các nhà nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu BĐKH và nghề cá.
Toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19148/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.