Thứ bảy, 23/07/2022 11:49 GMT+7

Hội thảo Khởi động Dự án số 90 “Chương trình Kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng trong khu vực Đông Nam Á”

Ngày 21/7/2022 tại Hà Nội, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) - Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Điều phối quốc gia chính của Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến thiết lập Trung tâm hợp tác tiên tiến về giảm thiểu nguy cơ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (Sáng kiến CBRN) của Liên minh châu Âu (EU), đã phối hợp cùng với Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Cơ quan thường trực 81) và đối tác EU tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án số 90 “Chương trình Kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng trong khu vực Đông Nam Á” (EU P2P P90).

Tham dự Hội thảo về phía EU có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng của Dự án số 90. Về phía Việt Nam, có đại diện của Cục ATBXHN, Cơ quan thường trực 81 cùng đại biểu đến từ các đơn vị khác nhau của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…

Tại Hội thảo, bà Bùi Thị Thùy Anh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục ATBXHN đã thay mặt cho PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Điều phối viên quốc gia chính của Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến CBRN, bày tỏ mong muốn Hội thảo này sẽ là sự kiện mở đầu của Dự án số 90 đối với Việt Nam nhằm tiếp nối nội dung hợp tác về kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng nói riêng, góp phần vào giảm thiểu các nguy cơ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân nói chung giữa các bên trong giai đoạn tới.

Về phía đại diện của Cơ quan thường trực 81, đồng chí Đào Thế Hữu, Chỉ huy trưởng Trung tâm 81 (Bộ phận kỹ thuật chuyên trách của Cơ quan thường trực 81), cũng đã bày tỏ mong muốn với vai trò điều phối quốc gia chính của Cục ATBXHN, sự hỗ trợ của các chuyên gia EU, và sự phối hợp công tác của các bộ ngành có liên quan, thông qua Hội thảo, các bên sẽ thảo luận và định hướng sơ bộ những nội dung hợp tác trong thời gian sắp tới, nhằm triển khai Dự án số 90 một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được nhu cầu thực tế của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thực thi về kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng phù hợp với các yêu cầu quốc tế cũng như sớm xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).

Hội thảo Khởi động Dự án số 90 được tổ chức đã giúp các bên đánh giá về kết quả hợp tác theo chương trình EU P2P đối với Việt Nam từ năm 2015, làm cơ sở cho việc thảo luận sơ bộ về định hướng nội dung hợp tác giữa Việt Nam với EU thông qua Dự án số 90 trong giai đoạn sắp tới. Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia EU đã giới thiệu và cập nhật về hệ thống kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng của châu Âu và một số ví dụ về hệ thống kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, v.v.
 

“Chương trình Kiểm soát xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng” của Liên minh châu Âu (EU P2P) được triển khai với mục tiêu xây dựng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia đối tác nhằm tăng cường tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát thương mại đối với hàng hóa lưỡng dụng trên toàn thế giới thông qua chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt cũng như hỗ trợ việc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt là các nghĩa vụ được quy định tại Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. EU P2P được triển khai hợp tác tại khu vực Đông Nam Á từ năm 2015. Trong giai đoạn 2015-2017 và 2019-2021, Chương trình này được thực hiện với tên gọi tương ứng là Dự án số 47 và Dự án số 64, thuộc khuôn khổ Sáng kiến CBRN. Dự án số 90 nói trên là pha tiếp theo của Chương trình EU P2P, dự kiến được triển khai tại khu vực Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam trong giai đoạn 2022-2024. Nhằm giúp triển khai dự án 90 tại Việt Nam một cách hiệu quả nhất, Cục ATBXHN đã trao đổi, đề xuất Cơ quan Thường trực 81 tham gia triển khai dự án với vai trò Cơ quan đầu mối, phụ trách các nội dung chuyên môn trong quá trình triển khai Dự án số 90 tại Việt Nam./. 

 

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 646

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)