Thứ tư, 15/12/2021 19:52 GMT+7

Thông tin đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia: Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng. Mã số đề tài: ĐTĐL.CN-36/18

I. Thông tin chung về nhiệm vụ:

1. Tên nhiệm vụ, mã số: Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ  xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng

Mã số đề tài: ĐTĐL.CN-36/18

2. Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Phan Công Kiên

3. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố

4. Tổng kinh phí thực hiện: 9.000,0 triệu đồng.

Trong đó, kinh phí từ ngân sách SNKH:               7.500,0 triệu đồng.

      - NSTW:                                                                           6.750,0 triệu đồng.

      - NSĐP (Ninh Thuận):                                                        380,0 triệu đồng

      - NSĐP (Lâm Đồng):                                                          370,0 triệu đồng.

Kinh phí từ nguồn khác:                                                     1.500,0 triệu đồng.

5. Thời gian thực hiện theo Hợp đồng: 36 tháng, từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2021.

6. Danh sách thành viên chính thực hiện nhiệm vụ nêu trên gồm:

STT

Họ và tên

Chức danh khoa học, học vị

Cơ quan công tác

1

Phan Công Kiên

Tiến sĩ

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố

2

Phan Văn Tiêu

Thạc sĩ

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố

3

Phạm Văn Phước

Thạc sĩ

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố

4

Võ Minh Thư

Thạc sĩ

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố

5

Nại Thành Nhàn

Thạc sĩ

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố

6

Đặng Minh Tâm

Thạc sĩ

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố

7

Lê Văn Long

Kỹ sư

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến

8

Nguyễn Ngọc Duy

Kỹ sư

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến

9

Phạm Thị Thu

Thạc sĩ

Viện Công nghệ Thực phẩm

10

Lê Văn Gia Nhỏ

Thạc sĩ

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

II. Kết quả đạt được của đề tài

2.1. Kết quả đạt được của đề tài

2.1.1. Tuyển chọn giống và quy trình kỹ thuật canh tác           

- Đã tuyển chọn được 4 giống nho (gồm 02 giống chế biến rượu vang đỏ là NH02-97, NH02-137 và 02 giống chế biến vang trắng là NH02-37, NH02-66) có tiềm năng năng suất cao và ổn định, chất lượng phù hợp với chế biến vang nho; sinh trưởng khỏe, có khả năng chống chịu sâu bệnh và phù hợp với điều kiện sinh thái ở Ninh Thuận. Giống NH02-97 năng suất từ 13,0 - 15,6 tấn/ha/vụ; giống NH02-137 năng suất từ 12,3 - 16,8 tấn/ha/vụ; giống NH02-37 năng suất từ 11,3 - 14,7 tấn/ha/vụ và giống NH02-66 năng suất từ 11,0 - 14,1 tấn/ha/vụ; cả bốn giống tuyển chọn đều có độ Brix trên 18%.

- Đã xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác cho 4 giống nho mới tuyển chọn NH02-97, NH02-137, NH02-37, NH02-66 tại vùng truyền thống và vùng gò đồi. Quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch nho rượu đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận ban hành tại Quyết định số  433/QĐ/SNNPTNT ngày 11 tháng 10 năm 2021.

- Đã xây dựng được 5,04 ha mô hình trồng 4 giống nho rượu có triển vọng NH02-97, NH02-137, NH02-37 và NH02-66 tại vùng đất truyền thống và vùng gò đồi. Năng suất trung bình 3 vụ thu hoạch tại vùng đất truyền thống trên 12 tấn/ha/vụ; vùng gò đồi trên 9 tấn/ha/vụ; chất lượng quả của các giống khi thu hoạch đều đạt ≥ 18 0Brix, quả đồng đều, đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất chế biến rượu vang.

2.1.2. Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật chế biến vang từ nguyên liệu nho Ninh Thuận

- Đã xác định được thời điểm thu hoạch nho nguyên liệu với tỷ lệ quả chín khác màu dưới 5% đảm bảo chất lượng tốt nhất cho chế biến rượu vang.

- Đã xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất rượu vang đỏ gồm: xử lý dịch quả bằng enzyme Pecinex SPL với nồng độ là 0,03% và enzyme Pectinex Ultra Clear với nồng độ là 0,25% tại nhiệt độ 400C trong thời gian 120 phút; Sử dụng K2S2O5 để xử lý dịch quả với nồng độ 100 mg/lít; sử dụng kết hợp chủng nấm men Sacharomyces cerevisiae SLS và T1 theo tỷ lệ 1:1; lên men ở nhiệt độ 20-25oC trong thời gian 8-10 ngày. Sử dụng chủng vi khuẩn Leuconostoc oenos LF01, bổ sung vi khuẩn khi kết thúc lên men rượu vang non và nồng độ vi khuẩn: 5 ¸10 g sinh khối ẩm/ lít (độ ẩm 80%) tương đương với nồng độ giống lỏng từ 10-20% thể tích lên men (nồng độ tế bào trong giống là 109tb/ml) để lên men malolactic rượu vang đỏ ở nhiệt độ 25 oC. Sử dụng bentonite với nồng độ 1 g/l để làm trong cưỡng bức rượu vang đỏ, thời gian xử lý là 24 giờ; tàng trữ ở nhiệt độ 20oC, kết thúc giai đoạn tàng trữ thì K2S2O5 được bổ sung với nồng độ 50 mg/lít giúp ổn định màu sắc sản phẩm trong quá trình lưu thông.

- Đã xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất rượu vang trắng gồm: xử lý dịch quả bằng hai loại enyzyme Pectinex SPL (0,02%) và Pectinex Ultra Clear (0,2%) ở nhiệt độ 400C trong 120 phút; Sử dụng K2S2O5 (100 mg/lít) để xử lý dịch quả. Kết hợp chủng nấm men Sacharomyces cerevisiae SLS và T1 theo tỷ lệ 1:1; lên men ở nhiệt độ 20-25oC trong thời gian 8-10 ngày. Sử dụng bentonite với nồng độ 0,6 g/l để làm trong cưỡng bức rượu vang trắng, thời gian xử lý là 24 giờ; tàng trữ ở nhiệt độ 20oC, kết thúc giai đoạn tàng trữ thì K2S2O5 được bổ sung với nồng độ 100 mg/lít giúp ổn định màu sắc sản phẩm trong quá trình lưu thông.

- Đã xây dựng mô hình sản xuất rượu vang nho quy mô 100.000 lít/năm dựa trên hệ thống dây chuyền thiết bị của Công ty TNHH Vĩnh Tiến gồm các thông số, đặc tính kỹ thuật và tính năng làm việc của dây chuyền được đảm bảo và đã được Trung tâm Giám định Máy và Thiết bị đã cấp giấy chứng nhận số: 33/2020/SPCN/TTGDM ngày 01 tháng 12 năm 2020.

- Đã sản xuất thử nghiệm lô số 0 rượu vang với 4.120 lít rượu vang đỏ và 1.170 lít rượu vang trắng dựa trên hệ thống dây chuyền thiết bị của Công ty TNHH Vĩnh Tiến; chất lượng rượu vang lô số 0 đều tương đương hoặc cao hơn so sánh với mẫu rượu đối chứng (Đalat Export đỏ và trắng tương ứng). Sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn trong nước.

2.1.3. Xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở

- Đã xây dựng được 02 tiêu chuẩn cơ sở cho nguyên liệu nho chế biến rượu vang đỏ và vang trắng.

- Đã xây dựng được 02 tiêu chuẩn cơ sở cho rượu vang đỏ và rượu vang trắng.

2.1.4. Đánh giá hiệu quả kinh tế và đề xuất các chính sách của chuỗi mô hình liên kết

- Mô hình liên kết sản xuất nho nguyên liệu rượu gắn với chế biến vang đã cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn so với sản xuất nho truyền thống hiện nay. Với việc trồng nho nguyên liệu chế biến rượu đảm bảo được môi trường tốt hơn thông qua ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm áp lực công lao động.

- Đã đánh giá được thực trạng sản xuất tiêu thụ nho, vang; các yếu tố quyết định đến sự lựa chon của người nông dân tham gia trồng nho nguyên liệu chế biến rượu. Đưa ra 8 giải pháp trước mắt và 2 nhóm giải pháp lâu dài (quy hoạch và tổ chức sản xuất, tiêu thụ, chế biến) để nhân rộng, phát triển mô hình liên kết.

- Đã đề xuất được một số giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến rượu vang: giải pháp tổ chức vùng nguyên liệu; nhòm giải pháp nâng cấp công nghệ; giải pháp định vị thị trường và sản phẩm; nhóm giải pháp xúc tiến thương mại và các giải pháp về chính sách. 

2.1.5. Đào tạo, tập huấn, hội thảo

- Đã tham gia đào tạo được 01 thạc sĩ chuyên ngành quản lý kinh tế.

- Đã mở được 04 lớp tập huấn kỹ thuật, với 200 người tham dự; giới thiệu về về quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cho các giống nho rượu mới tuyển chọn.

- Đã tổ chức được 04 cuộc hội thảo với 110 người tham dự, giới thiệu các giống nho chế biến rượu có triển vọng cùng với các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch; giới thiệu quy trình kỹ thuật chế biến rượu vang và đánh giá hiệu quả của mô hình liên kết.

2.1.6. Đăng ký bảo hộ giống mới

            Đã đăng ký bảo hộ cho 02 giống nho rượu mới tuyển chọn NH02-37 và NH02-97 (Cục Trồng trọt đã có thông báo số 962/TB-TT-VPBH ngày 24 tháng 9 năm 2021 về việc chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới).

2.1.7. Bài báo khoa học

            Kết quả nhiệm vụ đã đăng 08 bài báo khoa học trên các Tạp chí chuyên ngành trong nước. Trong đó, 07 bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam và 01 bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp -Đại học Huế.

2.2. Những đóng góp mới của đề tài

            - Đề tài đã chọn tạo được giống nho chế biến rượu mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt cùng với quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý góp phần giảm thiểu lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ chế biến vang, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

            - Quy trình chế biến rượu vang phù hợp với các giống nho mới tuyển chọn giúp tạo ra rượu vang có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với rượu vang ngoại nhập, góp phần hạn chế nhập khẩu rượu vang và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

            - Đề tài là mô hình kiểu mẫu cho việc hình thành chuỗi liên kết từ tổ chức sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm.

2.3. Hiệu quả đạt được của đề tài

2.3.1. Hiệu quả kinh tế

- Trong 3 năm triển khai thực hiện, đề tài đã xây dựng được 5,04 ha mô hình trồng các giống nho rượu giống mới, ước tính tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 nông dân, và khoảng 150 tấn nho/năm cung cấp cho thị trường nho chế biến rượu, từ đó nâng cao chuỗi giá trị của cây nho và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.

- Các giống nho mới cùng với các biện pháp kỹ thuật đi kèm được đưa vào sản xuất sẽ góp phần tiết kiệm lượng thuốc hoá học sử dụng trong quản lý dịch hại nho, giảm lượng phân bón cho cây nho, tiết kiệm chi phí mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

- Quy trình chế biến rượu vang phù hợp giúp giảm chi phí nguyên liệu từ 15-17%; tăng hiệu suất sản xuất rượu vang trên 15%; từ đó góp phần giảm giá thành sản xuất rượu vang, tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh với rượu vang ngoại nhập.

- Quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp tạo ra sản phẩm quả nho có chất lượng cao; quy trình chế biến rượu vang phù hợp tạo ra sản phẩm rượu vang có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh với rượu vang ngoại nhập, góp phần hạn chế rượu vang nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

2.3.2. Hiệu quả xã hội

- Đề tài đã xây dựng được 5,04 ha mô hình trồng các giống nho rượu giống mới, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân; ước tính tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 nông dân trồng nho và hàng chục công nhân trong các nhà máy chế biến rượu, tạo ra thu nhập ổn định cho nông dân và công nhân, góp phần ổn định an ninh xã hội cho vùng.

- Kết quả của đề tài là quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất.

- Kết quả của đề tài tạo ra sản phẩm rượu vang có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo và nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.

Tệp đính kèm:

Thông tin đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia mã số đề tài: ĐTĐL.CN-36/18 (.pdf)

Thông tin đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia mã số đề tài: ĐTĐL.CN-36/18 (.doc)

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 1482

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)